Ngân hàng Nhà nước phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu

Theo chuyên gia, động thái phát hành tín phiếu của NHNN được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa. Việc này cũng được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Sau khoảng 15 tuần không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở, ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã hút gần 10.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu.

Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày kể từ ngày 21/9/2023. Thời gian ghi nhận đơn dự thầu vào lúc 13h45 ngày 21/9/2023 và đóng thầu vào lúc 15h00 cùng ngày. Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá là một lần đầu kỳ. Ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá vào 19/10/2023.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Báo Chính Phủ)  
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Báo Chính Phủ)  

Theo kết quả đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 9,995 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất trúng thầu đạt 0,69%/năm. Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hiện đang cao hơn mức lãi suất bình quân liên ngân hàng được công bố mới nhất vào ngày 19/9/2023 là 0,15%.

Đáng chú ý, đây là phiên đầu tiên Ngân hàng Nhà nước trở lại phát hành tín phiếu sau hơn nửa năm tạm ngưng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống liên tục dư thừa trong thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa. Việc này cũng được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Trên thị trường, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đều đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 0,2 - 0,3% xuống mức thấp nhất là 3,5% và cao nhất là 5,5%/năm. Đây là mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn COVID-19 tới nay./.

BẢO TRUNG

Bảo Trung

Theo Kinh doanh và Phát triển