Ngân hàng tiếp tục chia 'cổ tức' bằng cổ phiếu, cổ đông có mặn mà?

Năm nay, ngân hàng tiếp tục tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng sức khoẻ tài chính. Tuy nhiên, phía nhà đầu tư là cổ đông ngân hàng lại có vẻ kém mặn mà với 'cổ tức giấy'.

Ngân hàng rộn ràng tin chia cổ tức bằng cổ phiếu

Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, và không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Thực tế, các ngân hàng cũng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.

Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN kêu gọi các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm giúp bản thân các nhà băng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hiện tại, với việc vẫn báo lãi lớn trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mức chia cổ tức của ngành ngân hàng khá cao.

Cụ thể, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận được 276 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng công bố kế hoạch phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Sau phát hành, vốn điều lệ BIDV tăng lên mức 50.585 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, VIB cũng đã trình cổ đông thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng.

Tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư ngày 15/3, nhiều cổ đông của MB quan tâm đến tỷ lệ cổ tức năm 2021 sẽ được ngân hàng chi trả mức nào. Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái cho biết, khối tài chính MB đang xây dựng các kịch bản để báo cáo với Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh tốt hơn hàng năm, MB sẽ cân nhắc khả năng chi trả cổ tức tăng tương ứng. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, MB đã thông qua mức chi trả cổ tức 10-15%.

Về kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức, Ngân hàng MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Ngân hàng  ACB cũng dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ chia là 25%. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý 3 năm nay.

Ngân hàng tiếp tục chia 'cổ tức' bằng cổ phiếu, cổ đông có mặn mà? - Ảnh 1

Một số ngân hàng khác cũng đã công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao còn có OCB dự kiến duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông; SHB tiếp tục có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15% và sẽ trình cổ đông trong đại hội tới.

Cổ đông không mặn mà?

Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2022 của Công ty chứng khoán MBS ước tính có khoảng 75% hoạt động tăng vốn đến từ việc chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu và khoảng 3% đến từ phát hành ESOP.

Theo giới chuyên gia, các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư công nghệ, cấp tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ở một thái cực khác, nhiều cổ đông vẫn còn chưa mặn mà với hình thức ‘cổ tức giấy’ này bởi theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, với cổ tức bằng cổ phiếu, khi bán đi, nhà đầu tư cũng phải chịu thêm thuế thu nhập 0,1% bất kể lãi hay lỗ và nhiều khoản phí khác.

Đáng nói, tỷ lệ chia cổ tức của ngân hàng khá lẻ trong khi trên sàn chứng khoán, lô giao dịch tối thiểu phải là 100 đơn vị. Do đó, nhiều cổ đông nhỏ lẻ rất khó có thể bán số cổ phiếu lẻ được trả cổ tức.

Vì vậy, nhiều nhà đầu tư buộc phải chọn phương án mua thêm cổ phiếu trước khi ngân hàng chốt quyền để có thể làm tròn số cổ tức thành bội số của 100. Hoặc cũng có thể chấp nhận bán số cổ phiếu lẻ cho các công ty chứng khoán với mức giá rất thấp (thường là giá sàn trong phiên giao dịch).

Ngân hàng tiếp tục chia 'cổ tức' bằng cổ phiếu, cổ đông có mặn mà? - Ảnh 2

Quan trọng nhất, vào các ngày chốt trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá cổ phiếu đã giảm đi tương ứng so với tỷ lệ trả cổ tức. Điều này cho thấy, bản chất tài sản của các cổ đông không tăng trong khi khối lượng cổ phiếu lại tăng thêm. Nếu sau trả cổ tức thị trường thuận lợi, cổ phiếu đó tăng, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi lớn. Trái lại, nếu thị trường không thuận lợi, mức lỗ của các cổ đông cũng lớn hơn nhiều.

Cổ đông ngân hàng Techcombank, Sacombank mòn mỏi chờ cổ tức

Thực tế, nhiều nhà đầu tư là cổ đông các ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức vẫn còn may mắn khi được nhận cổ tức mỗi năm, trong khi đó có một số ngân hàng nói không với cổ tức.

Điển hình tại Techcombank, dù lợi nhận tăng trưởng mạnh mỗi năm nhưng 10 năm liên tiếp không chia cổ tức khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Trong nhiều kỳ họp Đại hội đồng cổ đông, cổ đông đã lên tiếng vì không được chia cổ tức dù ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận rất tốt.

Phản hồi lại ý kiến cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, cho biết: "Tôi và các quý vị cổ đông đầu tư nhiều hay ít đều có bài toán của bản thân mình và có áp lực riêng. Việc không chia cổ tức, cổ đông lớn rất áp lực, việc đầu tư vào ngân hàng giá trị lớn nhất thu được là giá trị cổ phiếu. Không ai muốn giá trị cổ phiếu chỉ giao dịch với giá 10.000 đồng, chúng tôi muốn cổ phiếu Techcombank giao dịch với giá trị thực của nó, muốn giá trị cổ phiếu đạt 40.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu. Để làm việc đó phải thể hiện giá trị của tổ chức".

Thậm chí, ông Hồ Hùng Anh còn khẳng định, không chia cổ tức vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu, ngân hàng không ai rút đi một đồng nào của cổ đông cả. "Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cần lựa chọn thời điểm quyết định. Chia cổ phiếu để cổ đông bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu hay thời điểm nào để bán với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, giá trị đó vẫn nằm ở cổ phiếu chứ không phải tiền này sử dụng vào vấn đề khác", theo ông.

Ngân hàng tiếp tục chia 'cổ tức' bằng cổ phiếu, cổ đông có mặn mà? - Ảnh 3

Đó là ý kiến của chủ ngân hàng, còn về phía nhà đầu tư là cổ đông ngân hàng chắc chắn sẽ rất thất vọng. Bởi có những cổ đông rót vốn vào ngân hàng gần một thập kỷ nhưng chưa được một đồng lợi nhuận nào. Chưa dừng lại ở đó, khi Techcombank phát hành ESOP (cổ phiếu phát hành theo chương trình chọn lựa người lao động) nghĩa là cổ phiếu bị pha loãng, giá trị cổ phiếu của cổ đông "bên ngoài" suy giảm.

Tương tự, ngân hàng Sacombank cũng không chia cổ tức cho cổ đông kể từ khi sáp nhập đến nay là vì phải tập trung tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng tài chính. Đây là nguyên nhân dẫn đến tạo tâm lý không hài lòng đối với phần lớn các cổ đông của Sacombank.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ