Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Saigon NIC không còn là cổ đông lớn của VietCapital Bank, BIDV thu phí SMS

Tuần qua, ngành ngân hàng ghi nhận loạt thông tin đáng chú ý: Saigon NIC không còn là cổ đông lớn của VietCapital Bank, ngân hàng MB thêm nhân sự 8X vào Ban điều hành, BIDV thu phí SMS 9.900 đồng/tháng,...

Saigon NIC không còn là cổ đông lớn của VietCapital Bank

CTCP Đầu tư Khu Đô Thị Mới Sài Gòn (Saigon NIC) mới đây thông báo cho biết vừa thực hiện giao dịch bán 2.457.100 cổ phiếu BVB của ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) vào ngày 9/3, giảm mức sở hữu từ hơn 20,6 triệu cp (5,63%) xuống 18,2 triệu cp (4,96%). Theo đó, Saigon NIC không còn là cổ đông lớn của Viet Capital Bank.

Như vậy trong hơn 3 tháng qua, Saigon NIC đã bán ra 22 triệu cp BVB, giảm từ hơn 40,8 triệu cp xuống còn 18,2 triệu cp. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu BVB liên tục giảm sâu, sau khi đạt đỉnh 26.151 đồng/cp vào cuối tháng 11/2021. Đóng cửa ngày 17/3/2021, giá cổ phiếu BVB còn 19.900 đồng/cp.

Trước đó, Saigon NIC là cổ đông lớn nhất của ngân hàng Bản Việt. Đáng chú ý, toàn bộ số cổ phần BVB mà Saigon NIC nắm giữ từng được mang đi đảm bảo cho một khoản nợ tại ngân hàng Sacombank. Hồi tháng 10, Sacombank rao bán khoản nợ hơn 1.000 tỷ của Công ty TNHH thương mại Xây dựng Phương Nghi với giá khởi điểm 905,4 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản của bên thứ 3 là 40,86 triệu cổ phần BVB do Saigon NIC sở hữu.

Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Saigon NIC không còn là cổ đông lớn của VietCapital Bank, BIDV thu phí SMS - Ảnh 1

Trước Saigon NIC, từ ngày 3/11 – 22/11/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng đã bán ra toàn bộ 8,26 triệu cổ phiếu BVB, hoàn tất việc triệt thoái vốn khỏi VietCapital Bank.

VietCapital Bank đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.670,9 tỉ đồng lên 5.289,2 tỉ đồng, thông qua 3 phương án, gồm: phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỉ lệ 15%), phát hành cổ phiếu ra công chúng theo tỉ lệ 4:1 và phát hành 15 triệu cổ phần theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Thêm nhân sự 8x vào Ban điều hành ngân hàng MBBank

HĐQT Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - mã: MBB) vừa quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Học - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin tập đoàn làm Thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin tập đoàn - Ngân hàng MB.

Ông Học sinh năm 1980 và có nhiều năm làm việc tại MBBank. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ 14/3/2022.

Vào năm 2020, Hội đồng quản trị MB đã bổ nhiệm 3 nhân sự 8x vào Ban điều hành. Các nhân sự đều có thời gian gắn bó lâu dài với MB, có trình độ học vấn cao và khả năng làm việc quốc tế, được kỳ vọng sẽ có những đóng góp hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số tại MB thời gian tới.

Với việc bổ nhiệm ông Học, Ban điều hành MBBank hiện có 12 thành viên, Tổng giám đốc là ông Lưu Trung Thái, 5 Phó tổng giám đốc và 6 thành viên Ban điều hành.

Tại Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư chiều ngày 15/3, ban lãnh đạo MBB cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Trong năm 2022, ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25%.

Hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng của MBBank là khoảng 10%. Với mức tăng trưởng trên, ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MBB cho biết lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 của ngân hàng sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh giai đoạn 2022-2026, ông Thái cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3 lần vào năm 2026. Trong đó, MBB phấn đấu đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 45.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Bộ Tư pháp vừa công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Saigon NIC không còn là cổ đông lớn của VietCapital Bank, BIDV thu phí SMS - Ảnh 2

Theo cơ quan này cho biết, hiện nay, có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).

Hai đơn vị này vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác còn thực hiện nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối thực hiện quản lý nhà nước về ngoại hối, vàng; Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thị trường liên ngân hàng).

Ngân hàng Nhà nước cho hay, việc giao 2 đơn vị thực hiện quản lý, điều hành dự trữ ngoại hối nhà nước trong thời gian qua phù hợp với giai đoạn khi quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước còn nhỏ, các quyết định về định hướng đầu tư còn mang định tính, cần có sự tham gia của các đơn vị để mang tính khách quan và vừa phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối và quản lý thị trường vàng và phù hợp với tính chất các tài sản đầu tư đơn giản, ít rủi ro nên tính chuyên nghiệp còn chưa cao.

Tuy nhiên, khi quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109,9 tỷ USD gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 04 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế. Tổng tài sản có do Sở Giao dịch quản lý (cả bằng nội tệ và ngoại tệ) tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 3.122.647,755 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2015 là 800.636 tỷ đồng.

Do vậy, khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch đã trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức.

Thêm vào đó, do tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cùng với quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, các công việc liên quan đến xây dựng chính sách quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa đầu tư và phù hợp với những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế tại Vụ Quản lý ngoại hối ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tính chất phức tạp dẫn đến việc quá tải về khối lượng công việc.

Ngoài ra, khi quy mô dự trữ lớn, hầu hết các Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung thành lập một đơn vị độc lập trong tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối.

Do vậy, việc từng bước chuyển đổi sang phương thức quản lý mới, Ngân hàng Nhà nước cần phải có một đơn vị mới độc lập chuyên trách về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm đổi mới công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp theo thông lệ quốc tế khi dự trữ ngoại hối nhà nước đạt quy mô nhất định, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch hiện nay đang thực hiện.

Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước dự kiến bao gồm: xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Cùng đó, tham mưu, giúp Thống đốc báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; hướng dẫn đầu tư đối với tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; quản lý và thực hiện đầu tư của các quỹ thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước trên thị trường quốc tế (bao gồm xuất/nhập khẩu vàng); thực hiện các phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và quản lý thị trường vàng của Ngân hànng Nhà nước…

BIDV thu phí SMS Banking

Ngân hàng BIDV mới đây thông báo sẽ hoãn thu phí BSMS (SMS Banking) theo biểu phí phân tầng.

"Với mong muốn chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, BIDV thông báo tạm thời vẫn áp dụng biểu phí BSMS cũ (cố định 9.900đ/tháng) trong quý I/2022", thông báo của nhà băng cho biết.

Chi tiết biểu phí mới và thời gian áp dụng, BIDV sẽ thông tin tới khách hàng trong các thông báo tiếp theo.

Trước đó, trong thông báo gửi khách hàng hồi đầu năm, từ 1/1/2022, BIDV thực hiện áp dụng biểu phí BSMS mới, phân tầng theo số lượng tin SMS thông báo biến động số dư tài khoản phát sinh thực tế đối với mỗi số điện thoại đăng ký dịch vụ của khách hàng.

Theo biểu phí phân tầng, đối với 0-15 SMS/tháng, BIDV thu phí 9.900 đồng, từ 16-50 SMS/tháng thu phí 33.000 đồng, từ 51-100 SMS/tháng có phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng thu phí 77.000 đồng.

Lợi nhuận ngân hàng OCB sau kiểm toán tăng 25% so với 2020

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Cụ thể, tổng tài sản của OCB tính đến 31/12/2021 đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Huy động vốn trên thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 126.430 tỷ đồng tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước nhờ nguồn thu chính của OCB tăng trưởng 14% so với năm trước, thu về hơn 5.686 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt gần 63% tính từ năm 2016-2021. Hệ số CAR kết thúc năm thuộc top đầu ngành, duy trì ở mức 12,3%.

Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Saigon NIC không còn là cổ đông lớn của VietCapital Bank, BIDV thu phí SMS - Ảnh 3

Ngân hàng tiếp dục duy trì tỷ suất lợi nhuận ROE và ROA cao, lần lượt đạt 2.59% và 22%. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - nhóm 5) của ngân hàng giảm về mức 0.97% từ mức 1.42% năm 2020, tỷ lệ nợ quá hạn (nhóm 2 – nhóm 5) giảm về mức 2.65% từ mức 3.97% năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 62.1% năm 2020 lên mức 82.7% năm 2021.

Kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 của OCB dự kiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25% - 30%, ROE trên 20%; duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên dự kiến được tổ chức vào ngày 23/04/2022 sắp tới đây tại TP.HCM.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ