Ngân hàng tuần qua: OceanBank bán khối nợ 1.600 tỷ, MB tham vọng lợi nhuận vượt tỷ USD
MB lên kế hoạch lợi nhuận 26.100 tỷ đồng trong 2023, Sacombank ghi nhận room ngoại ở mức 30% vốn điều lệ trong khi OceanBank lo rao bán khoản nợ 1.600 tỷ... là những thông tin nổi bật của ngân hàng tuần qua.
Người nghèo chính thức được vay vốn mua nhà ưu đãi 8,2%/năm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong tuần qua đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Theo đó, Chính phủ giao NHNN “Chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ”.
Đối tượng vay vốn (khách hàng) là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, bao gồm: Khách hàng là chủ đầu tư dự án; khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.
Về nguyên tắc cho vay, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của Chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần.
Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.
MB lên kế hoạch lợi nhuận 26.100 tỷ đồng, tăng trưởng 15%
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên bao gồm kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu tài chính quan trọng cho năm 2023.
Theo đó, MB lên kế hoạch vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 14%, đạt 830.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 15%, tương đương 583.600 tỷ đồng theo room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 dự kiến duy trì dưới hoặc bằng mức 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 26.100 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với mức thực hiện năm 2022.
MB cho biết trong năm 2023 sẽ tiếp tục triển khai tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Lãi suất giảm sâu, phá băng tăng trưởng tín dụng
Thông tin NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành đã mang đến hy vọng cho nhiều doanh nghiệp. Với nhiều doanh nghiệp có nhu cầu xoay vòng các khoản vốn liên tục để đầu tư thì lãi suất giảm thêm sẽ giúp tiết kiệm chi phí.
Anh Trần Văn Nam, giám đốc một công ty chuyên may mặc tại Hà Nội, cho biết, đây là một tin rất đáng mừng, lãi suất chỉ cần giảm 0,5% cũng giúp công ty tiết kiệm được khá nhiều tiền lãi. Anh Nam chia sẻ: "Gần 1 năm nay, công ty tôi rất khó khăn về nguồn vốn, không mở rộng được sản xuất. Gần đây, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm, chúng tôi hy vọng mức lãi suất cho vay sẽ giảm theo và việc tiếp cận được nguồn vốn được dễ dàng hơn”.
Các chuyên gia nhận định, việc giảm lãi suất điều hành sẽ là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay.
Theo các chuyên gia, khi lãi suất tiết kiệm thấp, người dân và doanh nghiệp thay vì gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi suất thì đẩy ra sản xuất, kinh doanh. Lãi suất khoản vay thấp thì doanh nghiệp dễ dàng đi vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Có một thực tế là, dù thanh khoản dồi dào, lãi suất cũng đã giảm, song trong cả hoạt động sản xuất, kinh doanh lẫn đầu tư, dòng tiền vẫn chưa nhập cuộc mạnh mẽ.
"Giảm lãi suất là tín hiệu tốt, doanh nghiệp rất hoan nghênh. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa bằng mức lãi suất cụ thể cho 2 dòng vốn lưu động ngắn hạn và đầu tư trung dài hạn sau khi đã điều chỉnh. Kèm theo giảm lãi suất thì các tổ chức tín dụng phải nêu rõ điều kiện để được hưởng giảm lãi suất đó (thế chấp, tín chấp thế nào). Hiện nay, để đầu tư mở rộng sản xuất, đón đầu nhu cầu thị trường dự kiến sẽ cải thiện từ quý III/2023 thì doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm với lãi suất dưới 10%", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) kiến nghị.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ những nút thắt vướng mắc để khơi thông dòng vốn tín dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. NHNN vẫn đang hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 50%, chốt room ngoại 30%
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HoSE: STB) lên kế hoạch tổng tài sản năm 2023 đạt 657.800 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%.
Tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 12%, tương đương dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng. HĐQT Sacombank cho biết sẽ điều chỉnh lại các mục tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì ở mức dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện năm 2022.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, năm 2023, Sacombank sẽ trích lợi nhuận sau thuế vào 4 quỹ là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. Ngoài ra, ngân hàng không công bố thêm kế hoạch về việc phân phối lợi nhuận cho cổ đông.
Tại tài liệu đại hội, Sacombank nhắc lại về vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối (room ngoại) với cổ phiếu STB.
Sacombank cho biết, với chủ trương muốn cơ cấu cổ đông của ngân hàng luôn đa dạng để tạo động lực cho sự phiển, ngân hàng ghi nhận room ngoại đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ.
Lãi suất liên ngân hàng tăng sốc gấp 4 lần
Sau khi giảm sâu vào cuối tháng 3, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu quay đầu tăng trở lại ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiến hành giảm một số loại lãi suất điều hành.
Trong phiên 30/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 - 95% giá trị giao dịch) giảm còn 0,9%/năm.
Tuy nhiên, đến ngày 31/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 1,12%/năm. Đến ngày 3/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lại được điều chỉnh tăng lên mức 2,12%/năm. Tới ngày 4/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lại được điều chỉnh tăng lên mức 2,48%/năm. Sang ngày 5/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lại được điều chỉnh tăng lên mức 3,41%/năm.
Đến ngày 6/4, lãi suất VNĐ bình quân liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh 0,20-1,22 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vào ngày 6/4 là 4,47%/năm. Mức lãi suất này gấp đôi so với đầu tuần và gấp 4 lần so với tuần trước.
Nhưng so với mức lãi suất trên 6%/năm hồi tháng 2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện vẫn còn cách khá xa.
Trên thị trường mở, ngày 6/4, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5%/năm. Thay vì “ế ẩm” như những lần trước, ở phiên này, có 337,79 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn.
Ở các phiên trước đó, thanh khoản dồi dào và lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh khiến cho lượng vốn chào thầu của NHNN trên thị trường mở liên tục bị “ế”.
Eximbank (EIB): Trước thềm đại hội cổ đông, hai thành viên HĐQT bất ngờ xin từ nhiệm
Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) cho biết vừa nhận được đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT.
Cụ thể, ngày 5/4, ngân hàng đã nhận được đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng, đều vì lý do cá nhân.
Việc từ nhiệm của các thành viên HĐQT nêu trên sẽ được Đại hội đồng cổ đông của Eximbank thông qua theo quy định của pháp luật.
Theo kế hoạch, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Eximbank sẽ được tổ chức vào ngày 14/4 tại Trung tâm Hội nghị GEM Center, TP. HCM.
Eximbank trước đó đã công bố tài liệu họp cho biết năm 2023, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn dự kiến tăng 11% lên 165.000 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 12,3% lên 146.600 tỷ đồng.
Eximbank cũng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này sẽ thực hiện trong điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
OceanBank đấu giá khoản nợ hơn 1.600 tỷ đồng của nhóm Tincom
Ngân hàng OceanBank sắp đấu giá toàn bộ khoản nợ xấu của Công ty Cổ phần Bất động sản Tincom, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT, Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hưng Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (gọi tắt nhóm Tincom) phát sinh tại ngân hàng.
Phiên đấu giá diễn ra ngày 20/4, tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản. Tổng dư nợ của các khoản nợ tạm tính đến ngày 1/3/2023 là hơn 1.662 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 423 tỷ đồng và tổng lãi phạt hơn 1.238 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm: Cổ phần và quyền góp vốn 80% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Xi măng Thanh Sơn của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT; cổ phần và quyền góp vốn 80,95% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT của ông Thang Văn Lương và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long; quyền góp vốn 100% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Nhà máy bia Thăng Long của ông Thang Văn Lương, bà Nguyễn Thị Sáu, ông Nguyễn Duy Dương, ông Nguyễn Đình Đại và Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn có toàn bộ quyền và lợi ích của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long phát sinh theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty với Công ty TNHH Nam Đại Phong tại dự án Tincom Pháp Vân sau khi trừ đi phần lợi ích sẽ trả lại cho các nhà đầu tư đã góp vốn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long thực hiện dự án;
Toàn bộ phần góp vốn, quyền và lợi ích của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long phát sinh theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản trong việc triển khai dự án Tincom Point - 83 Trường Chinh (nay là 41 phố Phương Liệt)...
Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có quyền sử dụng đất tại địa chỉ 6P Vân Hồ 2, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng,TP. Hà Nội; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ô đất A1-26 Lô S1-1 Khu phố Mỹ Văn, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, Quận 7, TP. HCM và 2 ô tô Mazda CX5.