Ngân hàng tuần qua: Cấp room tín dụng 2023, đồng loạt giảm lãi suất huy động
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2023 có nhiều tổ chức tín dụng.
Tiền đồng vẫn ổn định, cần hạ nhiệt lãi suất
Áp lực từ thị trường quốc tế khiến tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại lẫn thị trường tự do bật tăng. Tính đến cuối tuần trước, tỷ giá niêm yết tại một số ngân hàng đã tăng 200-240 VND/USD so với trước đó.
Tuy nhiên, nhìn chung tiền đồng (VND) vẫn tương đối ổn định, nghĩa là không mất giá nhiều so với đồng USD.
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP. HCM, tỷ giá trong năm 2023 dự báo sẽ không quá căng thẳng như năm 2022 khi các yếu tố bất ngờ không còn nhiều nữa. Tỷ giá có thể sẽ tăng nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 3%-4%, nghĩa là VND mất giá khoảng 3%-4% so với USD. Điều đáng lo ngại nhất chính là nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì lãi suất Việt Nam sẽ khó hạ nhiệt.
Vì nếu hạ lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá và dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại có thể rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Ngược lại, lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến người dân vay tiền và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế vì chi phí giá vốn cao khiến giá hàng hóa khó cạnh tranh. Tuy vậy, lãi suất có thể chỉ cao trong nửa đầu năm 2023, sau đó khi Fed dừng tăng lãi suất thì lãi suất tại Việt Nam sẽ hạ nhiệt theo.
Cùng góc nhìn, TS Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright Việt Nam, nhận định trong quý I và quý II/2023, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải chấp nhận giữ lãi suất để duy trì ổn định tỷ giá. Trong giai đoạn này, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng là sự ưu tiên hàng đầu. Đến giữa năm 2023, khi Fed dừng tăng lãi suất, áp lực lạm phát giảm thì Việt Nam cũng phải nhanh chóng nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất để chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
>>> Xem thêm: Tiền đồng vẫn ổn định, cần hạ nhiệt lãi suất
Tăng vốn điều lệ liên tục, áp lực dồn lên các ngân hàng
Trong ba năm trở lại đây, các ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn “khủng”. Cách thức tăng vốn chủ yếu là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50% và phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Song không phải nhà băng nào cũng tăng vốn thành công, có ngân hàng chỉ hoàn thành một phần kế hoạch.
Trong năm 2022, không có nhiều ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn khi chỉ có 15 trong 27 ngân hàng tăng vốn điều lệ. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bình quân tăng trưởng khoảng 21% (năm 2021 là 25%).
Năm 2022, đa phần việc tăng vốn thành công đến từ hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi hoạt động phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu hoặc các nhà đầu tư mới gần như chững lại.
Trong năm 2023, các nhà băng sẽ còn vất vả hơn để tăng cường nội lực tài chính khi bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.
Phương án phát hành thêm sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến thuận lợi trên thị trường chứng khoán. Mà thị trường chứng khoán gần đây không mấy thuận lợi. Vì vậy, thách thức tăng vốn hiện nay với các ngân hàng là không nhỏ.
Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắc khe hơn của ngành ngân hàng về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính quan trọng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thời gian qua, các NHTM tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, Việt Nam mới thực hiện Basel 2.
>>> Xem thêm: Tăng vốn điều lệ liên tục, áp lực dồn lên các ngân hàng
Hé lộ những ngân hàng được cấp room tín dụng lần đầu năm 2023
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2023 cho các tổ chức tín dụng.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022 là Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải-MSB. Room tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này năm nay được cấp là 13,5% (năm 2022 là 9,5%).
Còn lại các ngân hàng đều giảm so với năm trước. Cụ thể, HDBank được cấp room là 11% (năm 2022 là 15%). Tương tự, ACB là 9,8% (năm 2022 là 10%); VIB là 9,5% (năm ngoái là 10%); TPBank là 9,1% (năm 2022 là 11,5%); VPBank và MB cùng ở tỷ lệ là 9% (năm trước là 15%); BIDV là 9,5% (năm trước là 13,5%).
NHNN cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng. Cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng, NHNN sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01.
Năm 2023, NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.
>>> Xem thêm: Hé lộ những ngân hàng được cấp room tín dụng lần đầu năm 2023
Lo sợ cú sốc 2023, ngân hàng thận trọng tham vọng lợi nhuận
Trong tuần vừa qua, nhiều ngân hàng đã tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, Vietcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng.
Như vậy, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tương tự năm trước dù dự tính tăng trưởng tín dụng cao hơn, ở mức 12,8%, trong đó chưa bao gồm việc nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém.
Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 của nhà băng này dự kiến đạt 10,4%, dư nợ cho vay đạt 132.000 tỷ đồng.
Còn VIB đặt đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên 292.500 tỷ đồng. VIB sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.
Như vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến này của VIB chỉ bằng một nửa so với năm 2022 (31%) và thấp hơn nhiều so với con số thực tế đạt được của năm trước là 32%.
Có thể thấy, năm nay, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn. Những ngân hàng công bố kế hoạch sớm thường đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sát với chỉ tiêu tăng trưởng chung 14-15% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho toàn ngành.
Những kế hoạch thận trọng của các ngân hàng xuất phát từ không mấy sáng sủa của nền kinh tế. Trong năm 2023, ngành ngân hàng gặp nhiều trở ngại hơn do NIM (biên lãi ròng) thu hẹp, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tăng trưởng tín dụng chậm lại và đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản. Điều này khiến lợi nhuận của các ngân hàng sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022.
>>> Xem thêm: Lo sợ cú sốc 2023, ngân hàng thận trọng tham vọng lợi nhuận
Ông Đỗ Anh Tuấn từ nhiệm Phó tổng giám đốc KienlongBank
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) trong tuần qua đã công bố thông tin về thay đổi nhân sự cấp cao từ ngày 6/3/2023.
Theo đó, KienlongBank đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ông Đỗ Anh Tuấn vì lý do cá nhân. Như vậy, Ban Điều hành KienlongBank gồm 1 Tổng Giám đốc và 7 Phó Tổng Giám đốc sau khi vừa bổ sung 2 Phó Tổng Giám đốc trong giai đoạn vừa qua.
Theo thông tin từ KienlongBank, dự kiến trong thời gian tới KienlongBank sẽ có nhiều đổi mới trong bộ máy lãnh đạo quản trị, điều hành khi năm 2023 KienlongBank sẽ bầu bổ sung nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023 – 2027.
Với sự đổi mới đội ngũ lãnh đạo và chiến lược đổi mới trong 2 năm vừa qua, KienlongBank được kỳ vọng sẽ có những bứt phá mới trên những kết quả khả quan cuối giai đoạn 2018 – 2022.
Cụ thể, trong giai đoạn 2018 – 2022, KienlongBank đã tạo sự bứt phá về lợi nhuận, đạt vượt kế hoạch đề ra. KienlongBank cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xử lý nợ xấu theo đề án cơ cấu được NHNN phê duyệt, giảm mạnh và duy trì chất lượng tín dụng tốt ở mức nợ xấu dưới 2%.
>>> Xem thêm: Ông Đỗ Anh Tuấn từ nhiệm Phó tổng giám đốc KienlongBank
Một đợt giảm lãi suất trên diện rộng, vay vốn sẽ rẻ hơn
Sau khi một số ngân hàng thương mại được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng cũng đạt được sự đồng thuận sẽ giảm lãi suất huy động 0,5% trước ngày 6/3.
Tuy nhiên, không chờ đến mốc 6/3, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngay từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Đợt giảm lãi suất huy động lần này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ giảm được chi phí lãi vay.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù còn nhiều áp lực nhưng mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tạo đỉnh trong nửa đầu năm 2023 rồi dần “giảm nhiệt”, qua đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lạm phát ở mức tương đối thấp, tình hình thanh khoản đã được cải thiện. Vì thế, việc hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay trở thành một trong những đòi hỏi bắt buộc.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi với quy mô từ vài nghìn cho tới vài chục nghìn tỷ đồng, nhằm cung ứng vốn với chi phí hợp lý hơn cho các doanh nghiệp.
Việc tiếp tục có một đợt giảm lãi suất huy động trên diện rộng từ 6/3/2023 sẽ tạo tiền đề cho lãi vay tiếp tục hạ nhiệt.
>>> Xem thêm: Một đợt giảm lãi suất trên diện rộng, vay vốn sẽ rẻ hơn