Ngân hàng tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lao dốc, nợ xấu nguy cơ tăng lên

Lãi suất VND liên ngân hàng liên tục lao dốc, hiện đã xuống vùng 1%, chạm mức thấp nhất 8 tháng. Trong khi đó, nỗi lo nợ xấu và chất lượng tài sản các ngân hàng thương mại lại trở thành nỗi lo lớn.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ, tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng

Năm 2023, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn dự kiến tăng 11% lên 165.000 tỷ, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 12,3% lên 146.600 tỷ. Eximbank cũng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này sẽ thực hiện trong điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Lợi nhuận trước thuế năm 2023 mục tiêu là 5.000 tỷ, tăng 35%. Trước đó, năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng tới 207% so với cùng kỳ, đạt 3.709 tỷ đồng và vượt xa kế hoạch (2.500 tỷ).

Tại Đại hội, Eximbank cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, từ đó tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 18%. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.

Ngoài ra, hiện nay số lượng cổ phiếu quỹ của Eximbank là hơn 6 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu này được mua từ năm 2014 và được nắm giữ đến thời điểm hiện tại. HĐQT đề xuất bán hết số cổ phiếu quỹ này. Thời điểm bán sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 18%).

>>> Xem thêm: Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ, tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng

Nợ xấu tăng lên, chất lượng tài sản ngân hàng bị đe doạ

Thị trường tài chính thế giới và Việt Nam đang trải qua những biến động lớn. Sự sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ khiến các ngân hàng trung ương cần tính toán lại chu kỳ tăng lãi suất và siết chặt các quy định về bảo hiểm tiền gửi.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng có dấu hiệu gia tăng và tình trạng này có khả năng sẽ kéo dài.

Năm 2022, nợ xấu là thách thức của ngành ngân hàng trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao. Nợ xấu ngành này gia tăng trong những tháng cuối năm 2022 và tiếp tục có sự phân hóa, tùy thuộc vào tính chất tệp khách hàng của từng ngân hàng.

Dư nợ xấu tính đến 31/12/2022 của 27 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng 35% so với đầu năm 2022, lên trên 136.400 tỷ đồng.

Các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực từ 30/6/2022 và nền kinh tế có khá nhiều biến động trong năm vừa qua.

Đáng lưu ý, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.

>>> Xem thêm: Nợ xấu tăng lên, chất lượng tài sản ngân hàng bị đe doạ

Mạnh tay với ngân hàng ép khách mua bảo hiểm

Đẩy mạnh bán bảo hiểm, thu lợi chục nghìn tỷ nhưng các ngân hàng đã gây ra nhiều bức xúc cho khách hàng khi bị ép mua bảo hiểm kiểu ‘bia kèm lạc’. Thậm chí, có trường hợp nhân viên ngân hàng gian dối khi tư vấn, dụ dỗ người gửi tiền chuyển qua mua bảo hiểm… đã có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật khi biến tiền gửi của khách thành khoản đầu tư sản phẩm bảo hiểm

Một nhóm khách hàng đã tố giác tới Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm và cơ quan này đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để điều tra vụ việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Cùng với đó, một vài ngân hàng cổ phần lớn ở Hà Nội cũng đang trong tầm ngắm điều tra của công an liên quan đến các hoạt động bán bảo hiểm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng họp với các ngân hàng về vấn đề bán bảo hiểm. Phó thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm…

Sau những năm bùng nổ, tăng trưởng doanh thu từ bán chéo bảo hiểm của ngân hàng sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 2023. Cùng với những phản ứng bất lợi từ khách hàng, sự quản lý chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý… bancasurance sẽ gặp khó hơn. SSI Research nhận định, phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng từ năm 2023 trở đi sẽ không còn dễ dàng. Dự báo, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng 16-18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012-2021.

>>> Xem thêm: Mạnh tay với ngân hàng ép khách mua bảo hiểm

ACB lên kế hoạch lợi nhuận vượt 20.000 tỷ, tăng trưởng tín dụng 9,7%

HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) ACB dự kiến trình ĐHĐCĐ 5 chỉ tiêu tài chính tín dụng chủ yếu năm 2023 gồm tổng tài sản mục tiêu 668.788 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2022. Tiền gửi (gồm giấy tờ có giá) dự kiến đạt 495.411 tỷ đồng, tăng 8,1%; dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng 9,7%.

Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2023 đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với mức thực hiện năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 2%.

ACB cho biết, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 như trên được NHNN cấp ngày 24/2/2023. Mức tăng thực tế trong năm sẽ điều chỉnh tương ứng khi được NHNN cấp bổ sung.

Về phương án phân phối lợi nhuận, ACB dự kiến sẽ hoàn tất việc chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% trong quý III/2023. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 506 triệu đơn vị, vốn điều lệ sau khi phát hành sẽ tăng từ hơn hơn 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Cổ đông lớn thuộc khối ngoại duy nhất của ACB trước và sau khi tăng vốn là nhóm quỹ Dragon Capital, với tỷ lệ sở hữu là 6,92%.

Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua, ngân hàng này còn dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

Năm 2023, ACB lên kế hoạch cổ tức tương tự với tổng tỷ lệ 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Về thay đổi nhân sự cấp cao, ACB dự kiến bầu HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2023-2028) tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới đây. Theo đó, 9 ứng cử viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới bao gồm 6 thành viên từ HĐQT cũ và 3 thành viên là ông Đỗ Minh Toàn, ông Nguyễn Văn Hoà và ông Trịnh Bảo Quốc.

>>> Xem thêm: ACB lên kế hoạch lợi nhuận vượt 20.000 tỷ, tăng trưởng tín dụng 9,7%

Tăng bơm tiền, lãi suất qua đêm thấp nhất 8 tháng... ngân hàng dư vốn

Từ đầu năm 2023, lãi suất liên ngân hàng đã dần hạ nhiệt. Hơn 1 tuần nay, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3.

Cụ thể, NHNN giảm 1 điểm % cho lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Kể từ sau khi NHNN quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành từ 15/3, lãi suất huy động cũng giảm mạnh. Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã giảm mạnh tại nhiều kỳ hạn.

Việc lãi suất huy động hạ nhiệt tạo điều kiện cho lãi vay giảm theo. Gần đây, thực hiện các chủ trương của NHNN, nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay và đồng loạt triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 2/2023, tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân; lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022.

Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống. Phiên giao dịch 15/3, thay vì kỳ hạn 7 ngày, NHNN đã quay trở lại chào thầu trên thị trường mở với kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy chỉ có 1 thành viên tham gia và trúng thầu 562,48 tỷ đồng nhưng động thái này cho thấy định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng của cơ quan quản lý tiền tệ.

Cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Sau khi trừ lượng OMO đáo hạn, trong phiên giao dịch 15/3, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng 18.940 tỷ đồng, đánh dấu phiên bơm ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.

>>> Xem thêm: Tăng bơm tiền, lãi suất qua đêm thấp nhất 8 tháng... ngân hàng dư vốn

Hải Đường

Theo VietnamFinance