Ngành BĐS lao dốc, tăng trưởng GRDP của TP. HCM thấp nhất trong 5 thành phố trung ương
Cục Thống kê TP. HCM công bố báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong quý I/2023, theo đó, GRDP của TP. HCM trong quý đầu năm ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Cục Thống kê TP. HCM vừa có báo cáo về tình hình kinh tế xã hội TP. HCM quý I/2023 với nhiều chỉ số tăng trưởng khá khiêm tốn, báo hiệu một quý 2 sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn mà nền kinh tế tiếp tục trải qua.
Về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên địa bàn thành phố, toàn quý I/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng tính theo giá hiện hành. Tính theo giá so sánh năm 2010 thì đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP. HCM, có 4 ngành có mức tăng âm, bao gồm: Vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,7%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.
Năm ngành dịch vụ trọng yếu còn lại đạt mức tăng trưởng dương, gồm: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%; riêng dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất là 24,34% so với cùng kỳ năm 2022.
9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 60,4% trong GRDP của thành phố, chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ.
Nhận định về những khó khăn này, Cục Thống kê TP. HCM cho rằng là do triển vọng kinh tế thế giới đã và đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm vào suy yếu.
Cùng với đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa hoàn toàn với thế giới trong tình hình đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành tại đất nước 1,4 tỷ dân này. Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế khiến tâm lý doanh nghiệp và niềm tin người tiêu dùng được cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm trở lại; tuy nhiên, trong ngắn hạn sự cải thiện này vẫn còn mong manh.
Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2023 của TP. HCM có khởi sắc hơn so với hai tháng đầu năm nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Theo báo cáo từ Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3 và quý I/2023, nhóm ngành nghề lương thực thực phẩm, dự báo doanh số quý I sẽ giảm khoảng 2%. Điều này là do việc tiêu thụ xuất khẩu lẫn nội địa giảm sâu, dự báo trong quý II ước giảm khoảng 4,07%.
Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, tình hình xuất khẩu cũng giảm 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên ném, paleet, đồ gỗ giảm đến 45%; thị trường nội địa cũng đón nhận những đợt sụt giảm lớn về tiêu thụ.
Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.
Để TP. HCM giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, Cục Thống kê TP. HCM đề nghị thành phố tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai. Đồng thời, giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trước mắt, TP. HCM cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng như dự án Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài.
Bên cạnh đó, TP. HCM cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, song song với đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP. HCM để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào TP. HCM.