Nghịch lý SGR: Cổ phiếu tăng gấp đôi, bị cắt margin vì đang lãi thành lỗ

Sau kiểm toán, SGR bất ngờ chuyển từ lãi 2,3 đồng thành lỗ 23,3 tỷ đồng, cổ phiếu bị đưa vào danh sách cắt margin.

Cổ phiếu SGR bị cắt margin vì lỗ sau kiểm toán

Sau khi công bố báo cáo soát xét bán niên, Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, HoSE: SGR) bất ngờ bị đánh bay toàn bộ hơn 2,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thay vào đó là khoản lỗ hơn 23,3 tỷ đồng.

Đây là kết quả của sự điều chỉnh các chỉ tiêu như doanh thu, chi phí sau kiểm toán. Cụ thể, doanh thu thuần của SGR giảm 21% so với mức tự lập, đạt hơn 60 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp do đó cũng giảm 15 tỷ đồng so với trước kiểm toán, còn hơn 25 tỷ đồng.

Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp được điều chỉnh tăng 48% so với báo cáo tự lập lên mức 33 tỷ đồng.

SGR giải trình sự biến động trên báo cáo tài chính soát xét bán niên so với báo cáo tự lập
SGR giải trình sự biến động trên báo cáo tài chính soát xét bán niên so với báo cáo tự lập

Theo ban lãnh đạo SGR, sự biến động ở doanh thu nguyên nhân đến từ việc giảm doanh thu chuyển nhượng bất động sản. Khoản doanh thu này sẽ được chuyển sang ghi nhận vào kỳ sau, khi đủ điều kiện. Trong khi đó, chi phí tăng do doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng phải thu theo đề nghị của kiểm toán.

Năm 2024, SGR lên kế hoạch doanh thu 628 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng. Việc lợi nhuận bị đánh bay toàn bộ sau kiểm toán khiến SGR ngày càng xa các mốc mục tiêu của cả năm.

Ngoài ra, một số khoản mục tại bảng cân đối kế toán cũng biến động nhỏ như tổng tài sản giảm nhẹ còn 2.094 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 3,9% còn 936 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu dài hạn tăng thêm 7 tỷ đồng lên 199 tỷ đồng, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng từ hơn 7 tỷ đồng lên 27 tỷ đồng, tổng nợ vay tăng thêm 16% lên hơn 407 tỷ đồng, do phát sinh khoản vay 56,6 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV).

Với việc chuyển từ lãi thành lỗ, cổ phiếu SGR mới đây đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) bổ sung vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 là số âm.

Cùng với SGR, 5 doanh nghiệp khác có tên trong danh sách bị cắt margin là Công ty Cổ phần Khoáng sản FECON (FCM), Công ty Cổ phần Hacisco (HAS), Tổng công ty Phát điện 3 (PGV), Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) và Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT).

Cổ phiếu tăng gấp đôi từ đầu năm

Trái với tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm, diễn biến cổ phiếu SGR trên thị trường chứng khoán có phần tích cực hơn khi cổ phiếu liên tục tăng điểm. Kể từ đầu năm đến nay, thị giá SGR đã tăng gấp đôi, từ mức mở cửa phiên đầu năm là 19.450 đồng/cổ phiếu lên mức 39.100 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 4/9).

Đặc biệt trong tháng 8, SGR liên tục có những phiên tăng trần, thậm chí thiết lập chuỗi dài tăng điểm. Cụ thể, kể từ ngày 14/8 đến ngày 26/8, thị giá của SGR đã tăng đến 44% chỉ trong hơn 1 tuần.

Diễn biến cổ phiếu SGR kể từ đầu năm đến nay
Diễn biến cổ phiếu SGR kể từ đầu năm đến nay

Với đà tăng này, SGR đã chính thức phá mức đỉnh lịch sử từng ghi nhận vào tháng 1/2022 (hơn 39.000 đồng/cổ phiếu) khi giá cổ phiếu cán mốc 40.300 đồng/cổ phiếu trong phiên 29/8 vừa qua. Ngay sau đó, SGR tiếp tục tăng lên 42.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 30/8.

Thanh khoản của SGR trên thị trường chứng khoán cũng được cải thiện đáng kể. Từ khối lượng giao dịch vài nghìn, vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên, mức thanh khoản trung bình 3 tháng của SGR là hơn 263.000 đơn vị, trong 10 phiên gần đây nhất là hơn 410.000 đơn vị.

Dù diễn biến nhìn chung vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực, nhưng sau các thông tin xấu như thua lỗ, bị cắt margin, cổ phiếu SGR đã có giảm sàn kịch biên độ trong phiên 4/9 còn 39.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng giảm mạnh còn 39.600 đơn vị.

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Saigonres, ông Phạm thu đã đề nghị khởi động lại phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu với giá 30.000 – 35.000 đồng/cổ phiếu trong năm nay. Mức giá này cao hơn thị giá của SGR ở thời điểm đó khoảng 60%, nhưng lại thấp hơn thị giá hiện tại của cổ phiếu này.

Đây vốn dĩ là kế hoạch được doanh nghiệp xây dựng từ năm 2021, nhưng do đại dịch vào năm 2022 cũng như thị trường bất động sản suy thoái vào năm 2023 nên SGR chưa thể thực hiện.

Nguồn vốn huy động được sẽ nhằm phục vụ cho các kế hoạch lớn của SGR. Theo chia sẻ của ông Phạm Thu, SGR hiện đang nắm trong tay khoảng 20 dự án. Trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn vào các dự án đang đầu tư như: khu nhà ở Văn Lâm – Bình Thuận, khu đô thị sinh thái Việt Xanh – Hòa Bình, khu nhà ở thương mại dịch vụ Cửa Cạn – Phú Quốc, chung cư Phú Định Riveside, khu dân cư xã Phú Hội, trung tâm quận Cái Răng, dự án ngã ba đường Lê Sát và Tân Hương quận Tân Phú…

 

Hải Đường

Theo VietnamFinance