Người nội bộ VIB nhộn nhịp mua bán cổ phiếu sau khi Ngân hàng lên HOSE

Trong những ngày cuối năm 2020, giao dịch cổ phiếu VIB sôi động ở cả chiều mua lẫn chiều bán.

Năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng TMCP niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức, theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".

Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu niêm yết trên sàn Upcom vào năm 2020 và các ngân hàng lớn hơn có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HOSE vào cuối năm 2020.

VIB chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ ngày 10/11/2020 với giá tham chiếu 32.300 đồng/cổ phiếu. Sau khi chuyển sàn, ngân hàng này liên tiếp ghi nhận giao dịch mua bán cổ phiếu của người liên quan đến người nội bộ.

Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm 2020 đến nay. Nguồn: finance.vietstock
Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm 2020 đến nay. Nguồn: finance.vietstock

Cụ thể, vợ ông Hồ Vân Long - Phó Tổng Giám đốc mua gần 3 triệu cổ phiếu VIB trong tổng số 3,2 triệu cổ phiếu đã đăng ký trước đó. Giao dịch được thực hiện từ ngày 12/10 đến 11/11, theo phương thức khớp lệnh.

Trước đó, bà Hiền đã đăng kí mua 3,2 triệu cổ phiếu nhưng chưa thể hoàn tất giao dịch do giá không đạt kì vọng.

Sau giao dịch, vợ ông Long sở hữu 0,32% vốn ngân hàng. Ngoài ra, ông Long cũng đang nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ nắm giữ là 0,43%.

Bên cạnh đó, bà Lê Diệu Linh - vợ ông Hoàng Linh, Giám đốc Tài chính đã mua 2,4 triệu cổ phiếu, hoàn thành 100% lượng đăng ký. Giao dịch được thực hiện từ ngày 14/10 đến 10/11, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Sau giao dịch, bà Linh đang nắm giữ 2,4 triệu cổ phiếu VIB, tương đương với 0,26% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi ông Hoàng Linh sở hữu gần 133.000 cổ phiếu, tương đương với khoảng 0,014% vốn.

Trong khoảng thời gian kể trên, giá cổ phiếu VIB giao động từ 31.600 đồng/cp đến 33.800 đồng/cp. Ước tính với giá này, bà Hiền và bà Linh đã chi lần lượt khoảng 95 tỷ đồng và 77 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.

Mới đây, theo thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ mà VIB vừa công bố, người nhà của giám đốc khối ngân hàng bán lẻ và người nhà của thành viên HĐQT tiếp tục giao dịch hàng triệu cổ phiếu trong chiều mua vào.

Cụ thể, bà Lê Thị Phiệt, mẹ của giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của VIB – bà Trần Thị Thu Hương, đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu VIB. Bà Phiệt không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VIB nào trước giao dịch và dự kiến trở thành cổ đông của VIB nếu gom thành công 4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,36%.

Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian từ ngày 30/12/2020 đến ngày 28/1/2021, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Chiếu theo thị giá của VIB khoảng 35 đồng/cp như hiện nay, ước tính mẹ của giám đốc khối ngân hàng bán lẻ sẽ phải chi khoảng 135 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.

Đồng thời, ông Trần Đức Quý cha của bà Trần Thị Thu Hương đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu VIB để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 1%, tương đương nắm giữ hơn 11,1 triệu cổ phiếu.

Bà Trần Thị Thu Hương hiện đang nắm giữ 7,2 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,65%.

Cùng chiều mua vào, con trai và con gái của thành viên HĐQT Ngân hàng Quốc tế Việt Nam, ông Đỗ Xuân Hoàng, lần lượt đăng ký mua vào 2 triệu và 1,5 triệu cổ phiếu VIB theo nhu cầu đầu tư.

Nếu giao dịch thành công, con trai và con gái của ông Đỗ Xuân Hoàng sẽ trở thành cổ đông của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 0,18% và 0,135%.

Cả hai giao dịch đều được thực hiện trong thời gian từ ngày 31/12/2020 đến ngày 26/1/2021, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Với giá 35 đồng/cp như hiện nay, ước tính 2 người con của ông Đỗ Xuân Hoàng sẽ phải chi tổng cộng khoảng 118 tỷ đồng để giao dịch diễn ra thành công.  

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Thụ - cha của ông Đỗ Xuân Hoàng lại đăng ký bán 2,5 triệu trong số hơn 46,1 triệu cổ phiếu VIB đang nắm giữ trong thời gian 28/12/2020-26/01/2021 nhằm tái cơ cấu tài chính cá nhân. Nếu giao dịch này thành công hoàn toàn, ông Thụ sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 3,9% (43,6 triệu cổ phiếu VIB).

Trên thị trường, giá cổ phiếu VIB bất ngờ bật tăng trở lại từ tháng 10/2020 trước thông tin nhà băng này sẽ chuyển sàn lên HOSE. Khép phiên giao dịch ngày 5/1, cổ phiếu VIB tăng trần 35.300 đồng/cp, tăng khoảng 25% so với ngày đầu chính thức niêm yết trên HOSE (10/11/2020) với khối lượng giao dịch trên 900.000 cp/ngày.

Tháng 11/2020, VIB cũng báo cáo kết quả phát hành gần 185 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. VIB đã phân phối gần 185 triệu cp cho 6.775 cổ đông với mệnh giá 10.000 đồng/cp, nâng tổng vốn điều lệ của Ngân hàng từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ đồng.

Lợi nhuận kèm nợ xấu tăng tại VIB

Nhìn chung hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của VIB đều cho kết quả khả quan so với nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng tại nhà băng này cũng đáng lo ngại.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2020, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 61% so với đầu năm, ghi nhận hơn 653 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng vọt 123% lên mức hơn 828 tỷ đồng; tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ 3% xuống 1.703 tỷ đồng.

Do đó, tổng nợ xấu tại VIB tính đến 30/9/2020 ở mức 3.185 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ ở mức hơn 2.536 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu tại VIB tăng 26% trong 9 tháng đầu năm 2020. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tại VIB tăng từ 2% hồi đầu năm 2019 lên 2,14%.

Ngoài ra, VIB cũng ghi nhận lãi dự thu tăng 18% trong 9 tháng đầu năm 2020, ghi nhận 1.765 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ