Người trẻ nộp thuế trăm tỷ, ông lớn tránh né: Xử nghiêm
Có thể cấm cửa, thậm chí xử lý hình sự với hành vi vi phạm trách nhiệm thuế. Cùng với đó cũng cần biểu dương những tấm gương thực hiện tốt nghĩa vụ thuế
Cần chế tài xử lý nghiêm với những cá nhân, doanh nghiệp chưa hoàn thành trách nhiệm thuế. Ảnh minh họa |
Mối lo khác
Cũng như rất nhiều chuyên gia, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay) cũng bày tỏ sự không thiện cảm những ông lớn cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Google hay Netflix đã kiếm được hàng tỷ USD ở thị trường Việt Nam nhưng chưa thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, với vị lãnh đạo Hiệp hội này, mối lo còn đến từ một vấn đề khác.
Theo ông Lê Đình Cường, ngoài việc các dịch vụ cung cấp trên nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Amazon, Facebook... chưa thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế đầy đủ, gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam, hiện họ chưa phải chịu sự quản lý, không phải kiểm duyệt nội dung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Về vấn đề đầu tiên, sau rất nhiều kiến nghị, phản ánh, tới nay Hiệp hội Truyền hình trả tiền vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang thực hiện nghiêm túc trách nhiệm thuế hàng năm.
"Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng tới tâm lý của các doanh nghiệp trong nước, thậm chí, doanh nghiệp còn có tâm tư "chế tài đang bảo hộ ngược" cho doanh nghiệp nước ngoài", Phó Chủ tịch VNPay thẳng thắn.
Về vấn đề thứ hai, theo ông Cường, các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Facebook... có khối lượng nội dung thông tin số xuyên biên giới vào Việt Nam rất lớn, được cập nhật liên tục hàng ngày… Nếu không được quản lý chặt chẽ, điều này sẽ tạo ra thách thức, tiềm ẩn mối nguy lớn.
"Đó là việc lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc; là cơ hội làm lây lan các thông tin xấu độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác tuyên truyền, tới tâm lý người xem, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Vụ thông tin sai về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên Netflix đã từng xảy ra từ năm 2019 khiến dư luận rất bức xúc là điển hình", ông Cường nhắc lại.
Vì thế, vị lãnh đạo VNPay khuyến nghị, rất cần phải có cứ liệu xác đáng của các cơ quan thuế, các cơ quan quản lý về hoạt động an ninh mạng, cũng như công tác kiểm soát, đánh giá các nội dung, hoạt động trên mạng xã hội của các ứng dụng trực tuyến, trong đó có những dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới để có giải pháp quản lý cho hiệu quả.
"Ngoài ra, chúng tôi mong muốn có những báo cáo cụ thể về việc đóng thuế, đóng như thế nào, đóng được bao nhiêu từ các đơn vị này. Việc này là rất cần thiết nhằm tạo dựng lòng tin với doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ sở để cạnh tranh", ông Cường nhấn mạnh.
Biểu dương, nhân rộng
Quan tâm hơn tới trách nhiệm đóng thuế của các ông lớn nước ngoài, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khẳng định tất cả cá nhân, tổ chức (kể cả trong nước và nước ngoài) kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam có doanh thu, có thu nhập đều phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.
"Chế đóng thuế hiện nay vẫn là doanh nghiệp tự kê khai, tự tính thuế và tự đóng thuế, do đó, cơ chế khen thưởng, biểu dương là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng nên mạnh mẽ phê phán những cá nhân, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt trách nhiệm thuế gây bức xúc, làm méo mó môi trường kinh doanh", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Từ khía cạnh quản lý bằng pháp luật, theo ông Đinh Trọng Thịnh, ở nước ngoài, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật. Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, nếu nhẹ có thể xử phạt hành chính, truy thu, nếu nặng có thể thu hồi giấy phép kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự.
"Vì chế tài rất nghiêm khắc như vậy nên việc đóng thuế của các cá nhân, doanh nghiệp tại nước ngoài được thực hiện rất nghiêm túc", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Trở lại với câu chuyện đang diễn ra tại Việt Nam, vị chuyên gia nhắc lại nghịch lý những cá nhân có thu nhập hàng trăm tỷ đã chủ động kê khai, nộp hàng chục tỷ tiền thuế nhưng lại vẫn còn những ông lớn cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Google hay Netflix dù kiếm được hàng tỷ USD ở thị trường Việt Nam vẫn chưa rõ thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. Theo ông Thịnh, bản chất là do doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn tránh, không muốn thực hiện nghĩa vụ thuế chứ không phải do thiếu cơ chế.
"Không có lý do nào để bao biện cho hành vi chậm kê khai, chậm nộp, không nộp thuế, bởi các cơ chế, quy định pháp luật đều rất rõ. Hơn nữa, ở đây là trách nhiệm phải tự kê khai, tự nộp thuế, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam có thu nhập đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định pháp luật của nước sở tại. Đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là văn hóa trong kinh doanh. Người trẻ còn hiểu rõ điều đó, nhưng ông lớn "đầu có sỏi" lại không thực hiện được thì chỉ có thể giải thích là do gian dối, cố tình trốn tránh để trục lợi", ông Thịnh thẳng thắn.
Vì thế, vị chuyên gia kiến nghị cần phải có cơ chế xử lý thật nghiêm đối với các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, những nền tảng kinh doanh truyền hình trả tiền xuyên biên giới có thu lợi nhưng lại chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
"Việt Nam cũng phải thực hiện các chế tài xử lý trong vi phạm về thuế nghiêm khắc như cá nước trên thế giới. Trước hết là phải tăng mức phạt lên gấp 200-300% với những trường hợp cố tình không kê khai, kê khai không đúng, cố tình chây ì, không chịu đóng thuế.
Vi phạm nghiêm trọng hơn nữa phải cấm, không cho kinh doanh, khai thác trên lãnh thổ Việt Nam. Thậm chí, phải truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần", PGS Đinh Trọng Thịnh nói.
Vị chuyên gia khuyến cáo, việc thực hiện cơ chế xử lý thật nghiêm là nhằm bảo đảm cho một môi trường phát triển, cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh các dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, nếu cơ chế xử lý không minh bạch, không công bằng sẽ khiến doanh nghiệp trong nước bị chèn ép, không phát triển được.
Các nước ứng xử thế nào với Netflix?
Tại Indonesia, Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông nước này yêu cầu Netflix phải thiết lập một văn phòng đại diện tại nước này và thực hiện nghĩa vụ thuế. Được chính thức bước vào thị trường Indonesia, nhưng Netflix gần như mất hiện diện thương hiệu khi chỉ là một đơn vị cung cấp nội dung cho IndiHome, dịch vụ truyền phát phim theo yêu cầu của Telkom.
Tại thị trường Singapore, Netflix phải bắt tay với Singtel - nhà mạng lớn nhất Singapore, để đủ điều kiện kinh doanh. Đầu năm 2018, cơ quan thuế của Singapore đã lên kế hoạch áp thuế hàng hóa và dịch vụ 7% với các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Netflix hay Amazon Prime.
Trong khi đó, tại Thái Lan, tháng 4/2017, Ủy ban Truyền hình và Truyền thông Thái Lan đã công bố kế hoạch đưa các dịch vụ OTT vào một khung quản lý dạng cấp phép, từ đó có thể đánh thuế các dịch vụ này theo cơ chế thuế của Thái Lan.