Nhà băng nào phát hành giấy tờ có giá 'khủng' nhất năm 2021?
Tuy phát hành giấy tờ có giá giúp các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), song, nếu ngân hàng phát hành giấy tờ có giá quá nhiều cho thấy cơ cấu vốn của ngân hàng không mấy tốt khi phải chịu chi phí vốn lớn.
Ngân hàng phát hành giấy tờ có giá bao gồm kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn, được tính vào nguồn vốn cấp 2 của ngân hàng (nợ thứ cấp) để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Song, nếu ngân hàng phát hành giấy tờ có giá quá nhiều cho thấy cơ cấu vốn của ngân hàng không mấy tốt khi phải chịu chi phí vốn lớn.
Điển hình tại Sacombank, tính đến 31/12/2021 giá trị phát hành giấy tờ có giá nâng từ 11.144 tỷ đồng lên gần 21.104 tỷ đồng, tương đương tăng 89% so với đầu năm.
Ngân hàng VIB cũng không kém cạnh khi ghi nhận giá trị mục này tăng 48%, từ 28.558 tỷ đồng lên 42.298 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là trái phiếu từ 12 tháng đến dưới 5 năm ghi nhận 29.800 tỷ đồng; từ 5 năm trở lên ở mức 4.570 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng chứng chỉ tiền gửi cũng ghi nhận 4.911 tỷ đồng.
Được biết, giấy tờ có giá tại VIB phát hành bao gồm chứng chỉ tiền gửi có lãi suất từ 5,4% - 9,1%năm và trái phiếu có lãi suất 1,8% - 7,6%/năm.
Trong khi đó, ngân hàng SHB đã phát hành 46.292 tỷ đồng lượng giấy tờ có giá, tăng 49% so với đầu năm.
Ngoài ra, lượng phát hành giấy tờ có giá tại ACB cũng tăng 39% lên 30.548 tỷ đồng; OCB ghi nhận 22.628 tỷ đồng, tương đương tăng 39%; MBBank tăng 31% lên 66.887 tỷ đồng; TPBank tăng 29% lên 35.405 tỷ đồng; HDBank tăng 25% lên 42.756 tỷ đồng...
Chứa đựng nhiều rủi ro?
Thực tế, lượng phát hành giấy tờ có giá tại các ngân hàng tăng mạnh trong năm 2019 bởi vì đây là hạn chót để các ngân hàng chuẩn bị cho việc áp dụng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo cách tính của Thông tư 41/2016 (Basel II theo phương thức cơ bản) và đón đầu việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40%.
Do đó, nhiều ngân hàng đã triển khai tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu (kỳ hạn trên 5 năm và không được đảm bảo bởi tổ chức tín dụng) để đẩy vốn cấp 2 và chào bán chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài từ năm 2019 khiến lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh.
Chẳng hạn tại VIB, giá trị giấy tờ có giá tăng đột biến vào năm 2017 từ hơn 17.000 tỷ đồng lên hơn 28.000 tỷ đồng năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021 với 42.298 tỷ đồng, tương đương tăng 142%; Sacombank cũng tăng từ 9.490 tỷ đồng năm 2017 lên 21.104 tỷ đồng năm 2021, tương đương tăng 122%.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phát hành trái phiếu là giải pháp mang tính thời điểm. Lạm dụng cách này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung - dài hạn thường có lãi suất cao. Bên cạnh đó, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2021, nhóm ngân hàng thương mại dẫn đầu về giá trị phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tháng 12 là thời điểm phát hành nhiều nhất với tổng giá trị 46.926 tỷ đồng.
Cả năm 2021, nhóm ngân hàng thương mại dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành 223.010 tỷ đồng, có 55.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn từ 2-4 năm.