Điểm tin ngân hàng: TPBank tăng vốn thêm 4.100 tỷ đồng, em trai Bầu Thuỵ thoái hết vốn tại LPB

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết NHNN sẵn sàng nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12; TPBank được chấp thuận tăng vốn thêm 4.100 tỷ đồng; Em trai 'Bầu' Thụy đã thoái hết vốn tại LPB trong một ngày;... là những tin tức ngân hàng đáng quan tâm tuần qua.

NHNN sẵn sàng nới thêm nới room tín dụng trong tháng 12

Tại tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12% và có thể điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. Đến cuối tháng 11, dư nợ tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu 12% đề ra. Đồng thời, NHNN cũng sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.

Trước đó, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết NHNN mới đây đã chấp thuận tăng hạn mức tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Trong đó, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được nới lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Theo đánh giá của BSC, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều tổ chức tín dụng đã chạm "trần tín dụng" từ đầu năm đến nay

Em trai 'Bầu' Thụy đã thoái hết vốn tại LPB trong một ngày

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), ông Nguyễn Văn Thuyết - em trai ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - đã bán xong toàn bộ 330.300 cổ phiếu LPB sở hữu, hoàn thành 100% lượng đăng ký.

Chiếu theo mức giá 23.050 đồng/cp, ước tính ông Thuyết đã thu về gần 8 tỷ đồng sau khi không còn là cổ đông của LPB.

Trước đó, CTCP Thaiholdings (THD), tổ chức có liên quan với bầu Thụy, cũng đã hoàn tất bán toàn bộ 22.4 triệu cp LPB để cơ cấu danh mục đầu tư.

Tính theo giá bình quân 23.227 đồng/cp từ ngày 4/11-1/12, ước tính Thaiholdings đã thu về hơn 520 tỷ đồng sau giao dịch.

Ngoài ra, mới đây, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, em trai ông Thụy đăng ký bán toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu LPB để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong thời gian 1/12 - 15/12.

Em dâu ông Thụy là bà Tống Thị Kiều Hoa cũng đã đăng ký bán toàn bộ 28.336 cổ phiếu LPB đang sở hữu theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận để cơ cấu danh mục đầu tư.

Có thể thấy, người thân và tổ chức có liên quan của Phó Chủ tịch LienVietPostBank đồng loạt muốn thoái toàn bộ vốn khỏi Ngân hàng trong bối cảnh giá cổ phiếu LPB đã hồi phục trong hơn 1 tháng trở lại đây.

Diễn biến cố phiếu TPB từ tháng 7/2021 đến nay.  
Diễn biến cố phiếu TPB từ tháng 7/2021 đến nay.  
TPBank được chấp thuận tăng vốn thêm 4.100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 15.817 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ TPBank thông qua tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-TPB.ĐHĐCĐ ngày 1/11/2021.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2021, TPBank được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Trước đó, trong quý III, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Điểm tin ngân hàng: TPBank tăng vốn thêm 4.100 tỷ đồng, em trai Bầu Thuỵ thoái hết vốn tại LPB - Ảnh 1

Việc được phê chuẩn về số vốn điều lệ mới lên mức trên 15.817 tỷ đồng sẽ giúp TPBank củng cố thêm hệ số an toàn vốn CAR, nâng cao năng lực doanh nghiệp và tăng khả năng đề kháng của ngân hàng trước những khó khăn của nền kinh tế trong và sau thời kỳ dịch bệnh.

VietinBank sẽ trả 3.800 tỷ đồng cổ tức vào ngày 17/1

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) vừa thông qua phương án trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến chi hơn 3.844 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8% (mỗi cổ phiếu sở hữu nhận 800 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 15/12/2021 và dự kiến được thực hiện vào ngày 17/1 năm sau.

Tỷ lệ chia lần này cao hơn 3 điểm % so với kế hoạch đã được duyệt tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.

Hiện tại, 64,46% vốn cổ phần của VietinBank được sở hữu bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 19,73% bởi cổ đông ngoại MUFG Bank (Nhật Bản); còn lại là các cổ đông khác. Theo đó, NHNN dự kiến thu về gần 2.478 tỷ đồng cổ tức từ Vietinbank và ngân hàng Nhật Bản thu về hơn 758 tỷ đồng.

Điểm tin ngân hàng: TPBank tăng vốn thêm 4.100 tỷ đồng, em trai Bầu Thuỵ thoái hết vốn tại LPB - Ảnh 2

Trước đó, vào tháng 7/2021, VietinBank đã phát hành 1,08 tỉ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỉ lệ 29%. Nguồn vốn phát hành được trích từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.

Về cổ tức tiền mặt, đầu năm 2021, ngân hàng này cũng đã hoàn tất việc thanh toán cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 5%.

Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn cấp thiết, ngân hàng đã trình và được phê duyệt phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29,07% vào giữa năm, nâng vốn điều lệ lên 48.057 tỷ đồng, trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ