Tháng cuối năm, loạt nhà băng tăng lãi suất huy động
Mức tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng lên tới 0,5%/năm đến gần 1%/năm.
Kể từ khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2%/năm so với trước dịch. Đồng thời, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu vốn, giãn nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đầu tháng 12/2021, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn tại Eximbank vừa công bố biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 1/12/2021. Theo đó, lãi suất tăng thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn.
Trước đó trong tháng 10/2021, Eximbank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2%/năm. Cụ thể, hiện lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng có lãi suất 3,8%/năm, tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước. Tương tự, kỳ hạn 3 tháng lãi suất tăng 0,1 điểm phần trăm lên 3,6%/năm, kỳ hạn 1 tháng tăng 4 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 3,7%/năm,… Trong khi đó, Eximbank giữ nguyên các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất tại quầy là 6%/năm, áp dụng khi gửi tiết kiệm từ 15 tháng trở lên.
Đối với hình thức gửi online, lãi suất cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với gửi tại quầy, cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Tại VPBank, lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn đã tăng mạnh tới 0,4-0,8%/năm. Chẳng hạn, khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online, số tiền gửi chỉ từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất tới kịch quy định cho phép là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.
Tương tự, từ ngày 1/12/2021 ngân hàng GPBank áp dụng biểu lãi suất mới tăng mạnh 0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 6,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, trong khi trước đó chỉ là 6%/năm.
Lãi suất huy động tại ngân hàng BIDV tháng 12/2021 cũng đã tăng tại một số kỳ hạn cho khách hàng doanh nghiệp so với đầu tháng trước.
Cụ thể, khung lãi suất hiện đang áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng hiện nằm trong khoảng từ 3%/năm - 4,9%/năm. Theo đó, ngân hàng BIDV quy định lãi suất cho kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cùng là 3%/năm. Còn đối với các khoản tiền gửi tại các kỳ hạn từ 3 tháng - 5 tháng, lãi suất mà ngân hàng này đang huy động ở mức là 3,3%/năm.
Trường hợp khách hàng gửi tiền tại các kỳ hạn từ 6 tháng - 11 tháng sẽ được hưởng cùng mức lãi suất là 3,7%/năm. Cũng trong tháng 11 này, lãi suất cao nhất tại ngân hàng BIDV dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lên niêm yết ở mức là 4,8%/năm dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đến 60 tháng.
Chẳng hạn như VietinBank đang tổ chức Chương trình khuyến mãi "iPay liền tay - Ưu đãi mê say" nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng kênh giao dịch này từ ngày 3/10/2021 đến 31/12/2021. Theo đó, 2.000 khách hàng đầu tiên mỗi tháng thực hiện gửi tiền tiết kiệm trên VietinBank iPay Mobile lần đầu tiên tính đến thời điểm triển khai Chương trình khuyến mãi với số tiền gửi tối thiểu 50 triệu đồng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được tặng 50.000 đồng.
Đặc biệt, VietinBank cộng thêm lãi suất tới 0,4%/năm cho khách hàng. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống được cộng lãi suất 0,3% với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng; cộng lãi suất 0,4%/năm với khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng. Trong khi đó, với kỳ hạn 13, 18, 24 tháng, khách hàng được cộng 0,3% lãi suất so với lãi suất tiền gửi thông thường.
Tính riêng trong tháng 8 và tháng 9/2021, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó. Cụ thể, lượng tiền gửi của người dân trong tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng, trong khi vào tháng 8/2021, con số này chỉ ghi nhận giảm 986 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nguồn tiền nhàn rỗi đã chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi tức cao hơn khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh và thực tế là chứng khoán đang là một trong những kênh đầu tư hút rất mạnh dòng tiền.
Trước áp lực lãi suất tiền gửi giảm, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng cũng sụt giảm theo. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần phục hồi trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm và khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ tăng độ phủ vắc-xin..., thì ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn. Khi đó, việc mặt bằng lãi suất huy động tăng trở lại cũng là bình thường.