Nhà cung ứng cho Samsung: Buồn cho doanh nghiệp Việt Nam
Tại Việt Nam, Samsung đã hình thành nên hệ thống công nghiệp phụ trợ gồm 28 nhà cung ứng tại Việt Nam, đều là các doanh nghiệp nước ngoài (FDI).
Ngành công nghiệp phụ trợ cho các hãng đại công nghệ như Samsung và Apple đã được hình thành và đang dần mở rộng tại Việt Nam. Nhưng hàm lượng chất xám của đội ngũ kỹ sư Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn trong những chiếc smartphone hay máy tính đắt tiền của hai gã khổng lồ này.
Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, trong hơn một thập niên qua, tập đoàn Hàn Quốc đã hình thành nên hệ thống công nghiệp phụ trợ gồm 28 nhà cung ứng tại Việt Nam, đều là các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Họ chiếm 80% các giao dịch của Samsung và cung cấp 60% linh kiện. Họ cũng kéo các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển cơ xưởng sang Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 10/2020, hai hãng thiết bị viễn thông hàng đầu KMW và Ace Technologies đã mở xưởng tại Việt Nam và trở thành nhà thầu phụ của Samsung.
Như vậy, yếu tố hàng đầu để Việt Nam trở thành “đất lành chim đậu” cho tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc vẫn là giá lao động, các ưu đãi về đất đai và thuế. Hàm lượng chất xám của đội ngũ kỹ sư Việt Nam mới chỉ được quan tâm từ năm 2020.
Một góc nhà máy Samsung tại Thái Nguyên. Ảnh: Samsung |
Tương tự như vậy là chuỗi cung ứng cho Apple tại Việt Nam.
Trung Quốc hiện chiếm 51 trong tổng số 200 nhà thầu hàng đầu của Apple trong năm tài chính 2020 với các cơ sở sản xuất tại đại lục và đặc khu Hồng Kông – theo danh sách các nhà thầu Apple được hãng này công khai. Các chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng giúp Apple tăng số lượng ở các vệ tinh bên ngoài Trung Quốc.
Số nhà cung ứng của Apple tại Việt Nam cũng tăng lên 22 trong năm tài chính vừa rồi, so với con số 14 trong năm 2018 khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra. Bảy trong số này thuộc các sở hữu các công ty đặt tại Trung Quốc hay Hồng Kông (Trung Quốc). Trong số này có Luxshare Precision Industry và GoerTek chuyên sản xuất tai nghe không dây AirPod mở nhà máy tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong năm 2020.
Samsung, LG và các nhà thầu phụ của họ tại Bắc Ninh và Bắc Giang cùng với nhà máy của Intel tại TP.HCM cũng là nhà cung ứng linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp của Apple tại Việt Nam.
Những ví dụ trên cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không dễ có được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp FDI, trong khi Việt Nam lại ưu đãi rất nhiều để thu hút FDI.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được yêu cầu. Trong một lần trao đổi với báo chí vào tháng 5/2020, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình đã chỉ rõ điều này, quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất nhỏ, máy móc ít, trình độ quản lý chưa cao nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt yêu cầu về chất lượng rất ít.
Do chưa có được các sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh nên doanh nghiệp phải chia nhỏ thành nhiều phần, dẫn tới khó cạnh tranh về giá. Hiện nay, với nhiều hạng mục, để hoàn thiện thì doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Trung Quốc, Thái Lan gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất các linh kiện rất cao do thuế và phí các loại cao vì không có ưu đãi; chi phí không chính thức cao; khấu hao nhiều do hầu hết máy móc mới đầu tư, sản xuất chưa tinh gọn nên lãng phí không tận dụng hết năng lực; phải nhập khẩu hầu hết đầu vào.
Trước đó, để ưu đãi công nghiệp phụ trợ, Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển vừa được ban hành.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam thẳng thắn cho rằng, đối tượng được hưởng lợi chủ yếu từ nghị định mới ban hành chính là doanh nghiệp FDI, nhất là khi FDI ngày càng đầu tư sâu rộng vào công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam với nhiều dự án lớn, đặc biệt ở mảng linh kiện điện tử.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt , cơ quan quản lý cần phải xem ngành công nghiệp hỗ trợ nào trong nước đang làm và có khó khăn thì đặt vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ, không thể làm theo kiểu dàn trải, "bình quân chủ nghĩa".
Cũng cần xem xét FDI đã đầu tư vào những mảng nào, lĩnh vực nào, còn lại những gì trong nước thiếu sót mà FDI chưa đầu tư, chưa cung ứng thì cần động viên, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia cho đồng bộ.