Trưởng Ban pháp chế VCCI: Doanh nghiệp đang rất khó khăn
Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ chưa bao giờ đơn vị này tiếp nhận nhiều phản ánh từ doanh nghiệp như thời gian này, nhiều lúc cảm thấy bất lực...
Phát biểu tại Diễn đàn "Điểm đến của Kinh tế Việt Nam cuối năm 2021" sáng 30/7, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.
Chưa bao giờ thấy doanh nghiệp khó khăn như thời điểm này. Ảnh minh họa: Tạp chí doanh nghiệp và Hội nhập |
"Có thể dùng một từ để mô tả về lực lượng chống dịch đó là “quá tải”. Chính quyền phải căng mình chống dịch, nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cơ sở thời gian ngủ chỉ 3-4 tiếng/ngày. Doanh nghiệp cũng kiệt sức để đối phó với dịch", ông Đậu Anh Tuấn nói.
Vẫn theo ông Tuấn, 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Nếu như năm 2020 tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… Khảo sát của VCCI cho thấy, 87% doanh nghiệp cho rằng dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng sa thải người lao động cũng khá phổ biến.
Dịch bệnh sang năm 2021 tác động lại càng nghiêm trọng hơn, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An… Mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn.
Con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động thực tế chắc chắn sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại.
"Con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn chia sẻ thêm, chưa bao giờ VCCI nhận thấy quá nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn, bất lực. Đặc biệt gần đây nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hang hóa,…
Mới đây Thủ tướng đã ký văn bản tháo gỡ vận chuyển hàng hoá, thời gian tới hi vọng lưu thông, vận chuyển thông suốt thuận lợi hơn.
Một điểm khác, thời gian qua, doanh nghiệp sản xuất cũng lúng túng để duy trì hoạt động kinh doanh. Đây là hoạt động cực kỳ quan trọng không chỉ tạo ra việc làm mà đối với doanh nghiệp quan trọng nhất là khách hàng. Một doanh nghiệp ở Bình Dương bán hàng khắp thế giới mà dừng thì khách hàng thế giới họ tìm nhà cung cấp khác như Trung Quốc, dẫn đến mất bạn hàng, mất cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Phần không mong muốn đang diễn ra nhiều hơn
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Võ Trí Thành cho rằng, tiến trình phục hồi vẫn đang diễn ra nhưng tốc độ có vẻ chậm lại ở tất cả các chỉ số bao gồm: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng, tổng mức bán lẻ, đầu tư trực tiếp nước ngoài, câu chuyện gia nhập, rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp.
"Chúng ta thấy nền kinh tế đang đi xuống theo nghĩa phần tiêu cực, phần không mong muốn đang diễn ra nhiều hơn", ông Thành nói.
Một điểm nữa, theo ông Thành, rất nhiều dự báo cho thấy quá trình phục hồi yếu đi. Vào đầu năm, phần lớn các tổ chức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo kịch bản cơ sở ở mức trên 6%. Đến thời điểm này, kịch bản cơ sở mà các tổ chức này đưa ra đa phần tăng trưởng GDP đều ở mức 5 đến 5,5%.
Với kịch bản tiêu cực, trước kia các tổ chức dự báo xấu nhất tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phải trên 5% nhưng giờ xấu nhất chỉ trên 4%.
Dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng vào kịch bản lạc quan sẽ diễn ra.
Tuy nhiên, chuẩn bị cho kịch bản xấu cũng là một cách tốt để gắn liền với 4 kiến nghị mà các chuyên gia đưa ra. Trong đó, muốn thoát “xấu” nhanh thì phải chống dịch tốt.
Hai là phải có cách thức hỗ trợ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Ba là kiểm soát kinh tế vĩ mô phải gắn với chính sách một cách khéo léo, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp thị trường, doanh nghiệp vượt khó.
Số liệu 7 tháng và riêng tháng 7/2021 đều cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp yếu đi, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút đi khỏi thị trường.
Cơ hội cho xuất khẩu gạo
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, qua 6 tháng đầu năm, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở khu vực phía Nam. Hoạt động doanh nghiệp gắn liền với logistics sẽ ảnh hưởng nhất định tới thị trường nội địa, nhập khẩu nông sản khó có sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, với lĩnh vực xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất lúa gạo 6 tháng đầu năm vẫn hoạt động khá ổn, dự báo 6 tháng cuối năm triển vọng xuất khẩu lúa gạo vẫn tốt. Các bạn hàng ở Philippines, Malaysia vẫn đang nhập khẩu, dù dịch bệnh ở các quốc gia này vẫn đang rất phức tạp.
Theo ông Trung, gạo Việt Nam đang được yêu thích nhưng gặp khó khăn khi cạnh tranh với gạo Ấn Độ do giá rẻ hơn. Tuy vậy, những khó khăn từ dịch bệnh tại Ấn Độ sẽ là cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cu Ba cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo ổn định, do đó, có niềm tin thị trường xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt mục tiêu xuất khẩu trên 6 triệu tấn.
Ông Trung mong muốn thời gian tới sẽ có gói hỗ trợ đủ lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ lần này cần phải cụ thể hơn về chi phí.
Doanh nghiệp đang phải duy trì hệ thống, trước tiên cần chú ý đến chính sách lãi suất về thuế dành cho doanh nghiệp, ví dụ như thuế nhập khẩu thời gian tới.
"Qua đợt dịch, chúng ta cũng nhìn thấy rằng có cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh, đánh giá lại mô hình rủi ro, thị trường tiêu dùng khách hàng trong nội bộ chúng ta. Chúng ta tập trung vào lợi ích khách hàng. Tài sản quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là con người và có con người tốt chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn", ông Trung nói.