Doanh nghiệp nhỏ mong muốn được nợ tiền điện, nước, giãn nợ ngân hàng
Do khó đáp ứng điều kiện để vay vốn lãi suất 0%, nhiều doanh nghiệp nhỏ kiến nghị Nhà nước cho nợ tiền điện nước, giảm lãi, khoanh vùng nợ, có như vậy mới mong giảm bớt khó khăn hiện tại và chuẩn bị cho kế hoạch tái thiết sau đại dịch.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Để hỗ trợ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động có giá trị 26.000 tỷ đồng, với 12 nhóm chính sách, hướng tới doanh nghiệp và người lao động. So với gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng trước đây, nhiều thủ tục của gói 26.000 tỷ đồng đã được rút gọn.
Tuy nhiên, dù thủ tục đã đơn giản hơn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận với gói hỗ trợ này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, “chính sách phải đi vào thực tế, gắn liền quyền lợi của người dân và doanh nghiệp".
Với diễn biến dịch COVID-19 như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải lâm vào tình trạng nợ nần, chủ doanh nghiệp phải bán nhà, bán tài sản, vay nóng lãi suất cao để duy trì và chờ ngày khôi phục doanh nghiệp sau đại dịch. Các doanh nghiệp nhỏ vẫn kêu khó tiếp cận với các gói vay hỗ trợ.
Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho biết, trước đây doanh nghiệp này sở hữu và kinh doanh dịch vụ du thuyền 4 sao ở Hạ Long, khách sạn 4 sao ở Hà Nội, cả dàn xe đón khách du lịch... Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua, khiến công ty bán dần nhiều tài sản để trả cho ngân hàng, hiện nay doanh nghiệp này lâm vào tình trạng khó khăn để cầm cự. Nên khi nghe có gói vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp này liền tìm hiểu để xin vay.
Nhưng khi nhìn lại điều kiện “không được vướng vào nợ xấu”, giám đốc một doanh nghiệp đành ngậm ngùi nói: “Điều kiện không vướng nợ xấu e khó đáp ứng, dịch bệnh mấy năm nay, có những lúc tưởng chừng như không cầm cự nổi. Chúng tôi đã bán dần tài sản để trả cho ngân hàng, rồi cũng có tháng không có nguồn, phải chạy vạy vay nóng để chi trả, vậy làm sao không vướng nợ xấu với ngân hàng đây?”.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, để cứu lấy doanh nghiệp nhỏ, đề xuất giãn nợ là thiết thực nhất. Vì doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh, có sản xuất gì đâu để có tiền trả lãi cho ngân hàng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần cho nợ tiền điện, nước từ 3 đến 6 tháng. Sau khi dịch bệnh được khống chế, tiền điện, nước sẽ được trả sau khi doanh nghiệp được hồi phục.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lữ hành - Tổ chức Sự kiện Việt Nam có trụ sở tại Bình Dương cho rằng: "Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều tạm ngừng để chung tay chống dịch, nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn phải chi những khoản chi phí cố định, như điện, nước, lãi vay ngân hàng, chi phí sinh hoạt. Chính phủ nên có chính sách áp dụng cho toàn dân, để đảm bảo công bằng, dân chủ cho mọi người dân và doanh nghiệp như cho nợ tiền điện, nước từ 3 đến 6 tháng. Trước đây điện nước cũng đã có giảm, nhưng thực chết để báo cáo có hỗ trợ là chính chứ chưa thật sự sát với thực tế. Bên cạnh đó, việc giảm lãi, cơ cấu nợ, giãn nợ từ 6 đến 9 tháng để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái hoạt động kinh doanh”.
Theo ông Nguyễn Cường, giám đốc một Công ty Lữ hành ở Hà Nội: “Gói 62.000 nghìn tỷ trước đây, có rất ít doanh nghiệp du lịch tiếp cận. Đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, 85% lao động đã nghỉ việc. Nên khi nghe có gói hỗ trợ, doanh nghiệp tưởng chừng như đây là phao cứu sinh. Nhưng đọc lại điều khoản thì thấy rất khó đáp ứng, bởi vì yêu cầu doanh nghiệp phải "không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn” thì rất ít doanh nghiệp nhỏ đáp ứng".
“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ những đợt dịch lần trước, toàn bộ nguồn tiền tích lũy đã cạn kiệt, nên doanh nghiệp phải vay vốn để trả lương và duy trì hoạt động kinh doanh, vẫn đang có nợ xấu tại ngân hàng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này. Gói vay này khó tiếp cận thì đề nghị Nhà nước xem xét chính sách cho nợ tiền điện nước và giãn nợ ngân hàng…”, ông Cường nói thêm.
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng quan điểm trên, để tiếp cận gói vay “không vướng nợ xấu”, các đợt dịch đã làm doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng về nguồn vốn, nên không có cơ hội để tiếp cận nguồn hỗ trợ vay vốn lần này.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, gói hỗ trợ lần này đã cắt giảm đến 2/3 các thủ tục hành chính so với trước để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn, nhưng điều khoản lại chặt chẽ hơn nên doanh nghiệp khó tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đề nghị Nhà nước cho nợ tiền điện nước, giảm lãi, khoanh vùng nợ, có như vậy mới mong giảm bớt khó khăn hiện tại và chuẩn bị cho kế hoạch tái thiết sau đại dịch…
Thủ tục và điều kiện để vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội
Doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng của người lao động, thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Hồ sơ gồm giấy đề nghị vay vốn, danh sách lao động ngừng việc, bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ sau: Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư; danh sách lao động ngừng việc. Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến BHXH xác nhận trong vòng 2 ngày, rồi chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội để cơ quan này phê duyệt và giải ngân trong vòng một tuần tiếp theo.
Nếu doanh nghiệp muốn vay được gói tín dụng lãi suất 0% cần đảm bảo người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải là người ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. Vốn vay phải được dùng để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.