'Nhà đầu tư chứng khoán đối mặt rủi ro trả giá cho kỳ vọng lợi nhuận quá đà'
"Định giá thị trường đang ở vùng đỉnh (nếu loại trừ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản) trong khi kết quả kinh doanh quý III không được như kỳ vọng. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp niêm yết cần phải có tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong tương lai thì nhà đầu tư mới tránh được rủi ro trả giá cho những kỳ vọng lợi nhuận quá đà", đại diện FiinGroup cảnh báo.
Mặt bằng định giá hiện tại (tính theo hệ số P/E) của thị trường chứng khoán đang thấp hơn trung bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là mức định giá rẻ. Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính của FiinGroup, lại nêu góc nhìn khác trong hội thảo "Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024" do FiinGroup tổ chức mới đây.
Bà Vân cho biết mặt bằng định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi 2 nhóm ngành là ngân hàng và bất động sản. Nếu không tính hai nhóm ngành này, P/E của các ngành còn lại đang ở mức đỉnh lịch sử, khoảng 23,5 lần. Mức này thậm chí còn cao hơn giai đoạn dòng tiền rẻ năm 2021 khi Covid-19 xảy ra.
"Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng chúng ta đang nắm giữ cổ phiếu trên vùng đỉnh định giá. Khi mà định giá cổ phiếu ở vùng đỉnh, câu chuyện đầu tư giá trị không còn là trọng yếu. Để định giá quay về mặt bằng hấp dẫn hơn, có hai cách. Cách thứ nhất là thị trường phải chiết khấu sâu về điểm số. Cách thứ hai là phải có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận ở phía trước, giúp cho định giá được cải thiện", đại diện FiinGroup nêu quan điểm.
Theo bà Vân, bối cảnh vĩ mô hiện tại đã bớt tiêu cực hơn nhưng vẫn chưa thể tạo ra được động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong quý III vừa qua. Với mức giảm lợi nhuận toàn thị trường khoảng 1,7% so với cùng kỳ trong quý III, đây là mức giảm không phải quá tệ nhưng nó khiến cho nhiều nhà đầu tư thất vọng bởi những giả định trước đó đều cho rằng là lợi nhuận có thể tăng trưởng dương trở lại trong quý III nhờ mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, cầu tiêu dùng hồi phục và các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản dịu bớt đi.
Thế nhưng trên thực tế, mặt bằng lãi suất trong nước đã hạ nhiệt nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khá yếu, khiến cho dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư như chứng khoán thay vì đổ vào sản xuất. Điều này đã tạo động lực hồi phục cho thị trường, kéo theo đó là sự hồi phục của cổ phiếu chứng khoán với lợi nhuận của nhóm dịch vụ tài chính tăng trưởng tới 141% so với cùng kỳ trong quý III. Ngược lại, với khả năng hấp thụ vốn kém của nền kinh tế, các ngân hàng ghi nhận thêm một quý suy giảm nhẹ về lợi nhuận.
"Nhìn chung, chúng ta có thể thấy rằng định giá thị trường đang ở vùng đỉnh trong khi kết quả kinh doanh quý III không được như kỳ vọng. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp niêm yết cần phải có tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong tương lai thì nhà đầu tư mới tránh được rủi ro trả giá cho những kỳ vọng lợi nhuận quá đà", bà Vân cảnh báo.
Về triển vọng cụ thể của các nhóm ngành, phía FiinGroup đánh giá tích cực về lợi nhuận đối với các ngành công nghệ thông tin, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, xuất khẩu, thép, hoá chất.
Ở chiều ngược lại, các ngành như ngân hàng, bất động sản dân cư, bán lẻ ICT và phân bón có thể đối mặt với triển vọng lợi nhuận tiêu cực.