Nhiều cổ phiếu BĐS điều chỉnh trong phiên khối lượng giao dịch vượt 1 tỷ đơn vị
Thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục lập kỷ lục mới nhưng VN-Index giảm điểm trở lại bởi áp lực chốt lời mạnh, trong đó, nhiều mã bất động sản cũng điều chỉnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tích cực ngay từ khi mở cửa phiên 23/12 dù sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục diễn ra rõ nét. Dòng tiền có sự luân chuyển nhịp nhàng giữa nhóm cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua và nhóm chưa tăng nhiều. Nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng có sự điều chỉnh nhất định sau nhiều phiên bứt phá.
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra vào phiên chiều khi áp lực chốt lời bất ngờ dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc từ đó, chỉ số chính VN-Index cũng đảo chiều giảm trở lại. Điểm đáng chú ý tiếp theo là vào khoảng 14h00, hệ thống giao dịch mua bán trên sàn HoSE khó thực hiện được. Tình trạng này trong các phiên giao dịch gần đây thường xảy ra khi giá trị giao dịch vượt ở quanh ngưỡng 14.000 tỷ đồng.
Quay trở lại với diễn biến của thị trường chứng khoán, VN-Index sau khi chịu áp lực chốt lời cùng với việc đặt lệnh khó khăn đã khiến chỉ số này kết phiên trong sắc đỏ. Các cổ phiếu ngành chứng khoán và ngân hàng như TPB, HCM, VPB, VCI, SSI, STB, HDB, ACB, VIB, TCB hay MBB đều giảm sâu. Bên cạnh đó, GVR giảm đến 4,7% xuống 27.600 đồng/cp. Điểm đáng chú ý là GVR có thời điểm vẫn tăng kịch trần nhưng chỉ trong “chớp mắt” đã bị kéo xuống mức giá sàn. Ngoài ra còn phải kể đến sự điều chỉnh mạnh của các mã vốn hóa lớn như MWG, SAB, HVN, FPT…
Chiều ngược lại, đà giảm của VN-Index được kìm hãm lại đáng kể nhờ lực đẩy đến từ các cổ phiếu như BVH, HPG, VNM, VHM và VRE. Trong đó, VHM tăng 0,6% lên 87.400 đồng/cp, VRE tăng 1% lên 30.600 đồng/cp, HPG tăng 1,7% lên 40.000 đồng/cp nhờ thông tin Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nguội dạng cuộn, hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc với biên độ phá giá cáo buộc 4,43 - 25,22%. Quyết định có hiệu lực trong vòng 5 năm, tính từ ngày 21/12.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự rung lắc của thị trường chung khiến nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này giảm mạnh và các cái tên đáng chú ý có SCR, ASM, CCL, SIP, KBC, KOS, IDC, DRH… Trong đó, SCR giảm đến 6,5% xuống 7.920 đồng/cp và khớp lệnh 6,9 triệu đơn vị, ASM giảm 6,3% xuống 17.000 đồng/cp và khớp lệnh 9 triệu đơn vị, KBC giảm 4,9% xuống 19.300 đồng/cp và khớp lệnh 8,2 triệu đơn vị.
Ở chiều tăng, CEO, BII, TN1, QCG, VRC, OGC hay VPH vẫn tăng kịch trần dù thị trường chung rung lắc. CEO cùng với THD là 2 cổ phiếu bất động sản có mức ảnh hưởng đáng kể giúp duy trì vững sắc xanh. Trong đó, THD tăng 8% lên 95.000 đồng/cp. Bên cạnh đó, VRC bứt phá sau tin Ông Từ Như Quỳnh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký mua vào 7 triệu cổ phiếu từ ngày 25/12/2020 đến 22/1/2021.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,55 điểm (-0,42%) xuống 1.078,9 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 215 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,4 điểm (1,28%) lên 190,25 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 84 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (1,06%) lên 73,59 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục lập kỷ lục với với tổng khối lượng giao dịch ở mức hơn 1,04 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 17.685 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.815 tỷ đồng. HQC và ITA là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, HQC khớp lệnh 35,3 triệu cổ phiếu còn ITA là 26,8 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng khoảng 167 tỷ đồng, trong đó, các cổ phiếu bất động sản như KBC và VRE đều bị bán ròng mạnh. Trong khi đó, VHM, NVL, HDG hay VIC đều được mua ròng mạnh, trong đó, VHM được mua ròng mạnh nhất thị trường với 66,5 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) quyết định chốt lời của nhà đầu tư từ khoảng 13h30 trở đi đã khiến VN-Index đảo chiều giảm sau ba phiên tăng liên tiếp. Theo đó, ngưỡng kháng cự quanh 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018) vẫn chưa được vượt qua. Thanh khoản trên HoSE tiếp tục lập kỷ lục với 813 triệu cổ phiếu giao dịch cho thấy sự quan tâm cực lớn của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán.
Basis trên thị trường phái sinh duy trì mức dương lớn từ 8 đến 9,4 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng thị trường sẽ sớm bặt tăng lại như sau các phiên giảm trước đó. Với xu hướng thị trường hiện nay thì phiên giao dịch 24/12, VN-Index có thể sẽ tiếp tục gặp áp lực bán và rung lắc với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018). Nhà đầu tư đang sử dụng margin cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường đảo chiều mạnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và tiếp tục theo dõi thị trường chờ các nhịp điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn để tham gia.