Nhiều cổ phiếu BĐS tăng trần, HNX-Index bứt phá trở lại nhờ THD
Thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co, rung lắc trong phiên 3/3. Nhóm bất động sản tiếp tục có sự phân hóa mạnh nhưng sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn.
Phiên giao dịch ngày 3/3 của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn diễn ra theo xu hướng giằng co, rung lắc với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư sàn HoSE tiếp tục chỉ giao dịch đến gần nửa phiên chiều, sau đó tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục diễn ra.
Góp phần giúp nâng đỡ thị VN-Index trong phiên 3/3 là các cổ phiếu gồm VPB CTG, HDB, ACB… Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có đóng góp không nhỏ khi BCM, NVL và VRE đều tăng mạnh. Cụ thể, BCM tăng đến 5,4% lên 61.000 đồng/cp bất chấp việc có thời điểm bị bán mạnh và lùi sâu xuống mức 57.100 đồng/cp, NVL tăng 2,6% lên 81.400 đồng/cp, VRE cũng tăng 2,3% lên 35.500 đồng/cp.
Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng có sự phân hóa, tuy nhiên, khác với phiên trước sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn. Trong đó, các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như TDH, SCR, QCG, FLC, ASM hay NVT đều bất ngờ được kéo lên mức giá trần.
TDH tăng trần sau thông tin doanh nghiệp này công bố thông cáo làm rõ các thông tin liên quan đến việc được đề cập trên các phương tiện truyền thông hiện nay. Theo công ty, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa những thông tin chưa chính xác liên quan đến nội dung Báo cáo số 8194/BC-TCHQ ngày 31/12/2020 của Tổng Cục Hải quan về "Kết quả đấu tranh với hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam". Phía TDH nhấn mạnh những kết luận của thanh tra Cục thuế TP.HCM hay báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xác minh. Đến thời điểm này, tòa án hay các cơ quan điều tra chưa có bất kỳ quyết định nào xác định Công ty có hành vi xuất khống hay chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Bên cạnh đó, OGC cũng tăng 5,3% lên 7.110 đồng/cp, HAR tăng 4,9% lên 5.370 đồng/cp, ITA tăng 4% lên 6.790 đồng/cp, LDG tăng 3,9% lên 7.690 đồng/cp, HDG tăng 3,5% lên 44.300 đồng/cp.
Trong khi đó, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá, một số cái tên đáng chú ý có: HPX, BII, TIG, NRC, KBC...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,34 điểm (0,03%) lên 1.186,95 điểm. Toàn sàn có 270 mã tăng, 168 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,16 điểm (2,48%) lên 254,1 điểm. Toàn sàn có 137 mã tăng, 66 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,64 điểm (0,83%) lên 78,1 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.285 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 763 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.889 tỷ đồng. Trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 3/3 có đến 3 cổ phiếu bất động sản là FLC, HQC và ITA, trong đó, FLC khớp lệnh 21,6 triệu cổ phiếu, HQC và ITA lần lượt là 15 triệu cổ phiếu và 11,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch vẫn tiêu cực khi bán ròng 484 tỷ đồng, trong đó, các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh có VIC, VHM, KDH và HDG. Chiều ngược lại, VRE là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong nhóm bất động sản với 65 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng được mua ròng mạnh là DIG với 14 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có ba phiên liên tiếp giằng co ngay dưới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm và vẫn chưa vượt được ngưỡng này. Thanh khoản tăng nhẹ nhưng vẫn dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường và chưa hành động. Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm để lấy đà trước khi bứt phá khỏi ngưỡng này trong thời gian tới. Trong kịch bản tiêu cực hơn, thị trường có thể sẽ có nhịp chỉnh mạnh giống như diễn biến trong tháng 1/2021 sau một thời gian không thể vượt đỉnh.
Tuy nhiên, xu hướng trung hạn vẫn là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với target trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.130 - 1.135 điểm (MA20 - 50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy gần đỉnh.