Nhiều doanh nghiệp lãi lớn bất chấp Covid-19 nhờ đâu?

Theo ông Vũ Đức Quyết, để tăng lợi nhuận, doanh nghiệp phải hợp lý hóa chi phí đầu vào một cách tối ưu và đó là việc thường xuyên phải làm.

 

Đại dịch Covid-19 kéo dài đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào cuộc chiến sinh tồn khắc nghiệt. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, song cũng có không ít doanh nghiệp vững vàng vượt qua sóng gió.

Ông Vũ Đức Quyết, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh coi đại dịch Covid-19 chính là một phép thử cho doanh nghiệp. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, dịch bệnh tạo ra cuộc khủng hoảng lớn, còn ở Việt Nam cũng có dấu hiệu khủng hoảng, song nó đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh, hoàn chỉnh quy trình vận hành doanh nghiệp, sắp xếp lại bộ máy nhân sự, từ đó tạo đà để tăng trưởng nhanh hơn ngay khi dịch Covid-19 được khống chế.

Trong số những doanh nghiệp "sống khỏe" bất chấp đại dịch có thể kể đến Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)  

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Sabeco đã cho thấy doanh thu Sabeco giảm sâu, thấp nhất trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, lãi ròng của Sabeco bất ngờ tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 5 năm này.

Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2020 của Sabeco chỉ đạt 7.905 tỷ đồng, giảm 1.907 tỷ đồng, tương đương 19,4% so với quý IV/2019; lũy kế cả năm đạt 28.136 tỷ đồng, giảm 9.998 tỷ đồng, tương đương 26,2% so với cả năm 2019.

Dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của Sabeco lên tới 1.534 tỷ đồng, tăng 443 tỷ đồng, tương đương 40,6% so với quý IV/2019.

Nhiều doanh nghiệp lãi lớn bất chấp Covid-19 nhờ đâu? - Ảnh 1
Quý IV/2020, dù doanh thu giảm song lợi nhuận sau thuế của Sabeco tăng vọt nhờ tiết giảm chi phí

Lý giải chuyện doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng vọt, Sabeco cho biết, đó là do công ty kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Quý IV/2020, tất cả các loại chi phí của doanh nghiệp đều giảm. Chi phí tài chính giảm từ 98 tỷ đồng xuống 42 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 150 tỷ đồng, tương đương 16,6% xuống 754 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 377 tỷ đồng, tương đương 72,9% xuống 140 tỷ đồng.

Một tên tuổi khác trong ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam cũng hoạt động có lãi là Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Năm 2020, Habeco chịu ảnh hưởng lớn từ tác động kép của quy định về sử dụng rượu bia và đại dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, tuy nhiên, doanh nghiệp đã tạm dừng và tiết giảm nhiều hoạt động để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Habeco đạt 233,9 tỷ đồng, tăng 166,7 tỷ đồng (tương ứng tăng 348%) so với cùng kỳ. Theo lý giải của doanh nghiệp, kết quả này là nhờ tiết giảm các chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.

Ngoài Sabeco, Habeco, còn nhiều cái tên khác cũng báo lãi nhờ tiết giảm chi phí như Dược Hậu Giang, Dabaco, Lọc dầu Bình Sơn...

Ông Vũ Đức Quyết khẳng định, việc doanh nghiệp cắt giảm các khoản chi phí để tăng lợi nhuận là một quy luật. Để tối ưu hóa lợi nhuận, doanh nghiệp phải xem xét tiết kiệm một cách hợp lý và tối đa các khoản chi phí đầu vào.

"Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao giờ doanh nghiệp cũng phải nghĩ đến câu chuyện cải tiến doanh nghiệp của mình, hợp lý hóa tất cả các khâu trong chuỗi kinh doanh một cách tối ưu là việc làm thường xuyên của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào làm được việc đó thường xuyên thì đó là một doanh nghiệp hoạt động tốt. Còn đại dịch Covid-19 gắn với cụm từ "cắt giảm chi phí" tức là đại dịch đã tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp tối ưu chi phí.

Tối ưu hóa ở đây không phải thuần túy chỉ hiểu theo nghĩa là cắt giảm chi phí một cách cơ học. Doanh nghiệp có thể thay đổi công nghệ, thông qua đó cắt giảm chi phí, như chi phí lao động hay giảm chi phí trung gian, nâng cao năng suất lao động...

Còn giả sử trong hoàn cảnh khó khăn mà doanh nghiệp không quan tâm tới các vấn đề xã hội, cứ cắt giảm tràn lan thì đó là câu chuyện khác. Khi doanh nghiệp không sắp xếp hợp lý chuỗi quy trình sản xuất của mình mà chỉ cắt giảm cơ học thì nó báo hiệu sức khỏe doanh nghiệp chưa chắc đã tốt", ông Vũ Đức Quyết chỉ rõ, đồng thời lưu ý, để đánh giá một doanh nghiệp có tốt hay không, có xu hướng phát triển không cần có cả một bảng tổng hợp các chỉ tiêu, mà trong đó lợi nhuận chỉ là kết quả cuối cùng.

Một điểm khác được ông Quyết chỉ ra, đó là nhìn vào những doanh nghiệp báo lãi nhờ cắt giảm chi phí, những doanh nghiệp tư nhân hay có yếu tố nước ngoài cắt giảm chi phí rất tốt và tốt hơn DNNN, họ đã nhân cơ hội đại dịch Covid-19 xảy  ra để hợp lý hóa chi phí của doanh nghiệp.

Sabeco là một ví dụ điển hình, đây từng là DNNN, đến cuối năm 2017, ông lớn ngành bia Thái Lan là ThaiBev thâu tóm Sabeco với mức giá cao hơn giá thị trường. Không lâu sau khi thâu tóm Sabeco, ThaiBev đã tái cơ cấu Sabeco quyết liệt. Ngoài việc thay đổi hàng loạt nhân sự chủ chốt, cắt giảm chi phí là một trong những yêu cầu hàng đầu mà người Thái đặt ra.

Khẳng định đây là một dấu hiệu tốt, ông Quyết cũng nhận xét, việc cắt giảm chi phí đối với DNNN khó khăn hơn và cho rằng điều này có liên quan đến cơ chế.

"Chính cơ chế quản lý làm cho DNNN khi đứng trước một cơ hội bao giờ cũng quyết định chớp thời cơ chậm hơn. Đây là một khuyết tật của DNNN mà khắc phục nó không phải dễ, kể cả các nước tư bản cũng gặp phải tình huống này.

Thế nên, DNNN chỉ nên làm những gì doanh nghiệp tư nhân không làm được, và Nhà nước phải chấp nhận sự chậm trễ đó, còn những gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì nên chuyển cho tư nhân làm để họ chớp cơ hội nhanh hơn", ông Vũ Đức Quyết bày tỏ quan điểm.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt