Những doanh nhân Việt tuổi Sửu thành danh trên thương trường
Với đức tính cần cù, chăm chỉ, luôn nỗ lực trong công việc, nhiều doanh nhân tuổi Sửu đã đạt thành công lớn trên thương trường, khẳng định vị thế của mình không những ở Việt Nam mà còn vương danh ra thế giới.
Với đức tính cần cù, chăm chỉ, luôn nỗ lực trong công việc, nhiều doanh nhân tuổi Sửu đã đạt thành công lớn trên thương trường, khẳng định vị thế của mình không những ở Việt Nam mà còn vương danh ra thế giới.
Bước sang năm mới Tân Sửu 2021, Doanh nghiệp Việt Nam điểm lại những doanh nhân cầm tinh con trâu nổi bật trên thương trường Việt Nam.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát
Nổi bật trong số những vị lãnh đạo doanh nghiệp sinh năm 1961 là ông Trần Đình Long – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Ông chủ công ty thép này đang là một trong các tỷ phú USD của Việt Nam.
Doanh nhân gốc Hải Dương sinh ngày 20/2/1961, học kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1992, ông Long cùng người bạn thân Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng, là tiền đề cho sự ra đời của Tập đoàn Hòa Phát ngày nay.
Tỷ phú Trần Đình Long.
Đến nay Hòa Phát đã là doanh nghiệp chiếm thị phần thép xây dựng lớn nhất Việt Nam với 33%. Năm 2020, tập đoàn ghi nhận sản lượng kỷ lục trên 5 triệu tấn thành phẩm; trong đó thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với năm trước.
Danh sách tỷ phú năm 2018 của Forbes có sự xuất hiện của ông Trần Đình Long với khối tài sản 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.756 thế giới. Ông rời bảng xếp hạng tỷ phú vào năm 2019. Tuy nhiên theo dữ liệu tính đến cuối tháng 1, ông được Forbes tính toán có 2 tỷ USD và là người giàu thứ 3 tại Việt Nam (sau ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo).
Hiện ông Long nắm giữ trực tiếp 864 triệu cổ phiếu HPG, với tổng giá trị khoảng 33.826 tỷ đồng vào cuối tháng 1. Ngoài ra, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) sở hữu hơn 243 triệu cổ phiếu, Trần Vũ Minh (con của ông Long) có 48 triệu cổ phiếu. Tổng sở hữu của 3 cá nhân này đã lên gần 35% vốn công ty.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), Chủ tịch CTCP XNK Sa Giang (SGC)
Một nhân vật nổi tiếng khác sinh năm Tân Sửu là bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC). Doanh nhân quê gốc tại An Giang và lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á trong năm 2020.
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 là con út trong một gia đình có 4 anh chị em ở đất miền Tây An Giang. Bà Khanh theo học tại Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Kinh tế. Năm 23 tuổi, bà được bổ nhiệm vào Sở Tài chính tỉnh An Giang; chỉ 2 năm sau, bà đã trở thành kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Ở độ tuổi 25, bà Khanh đã là Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang.
Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được thành lập cuối năm 1997, chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet, và các hàng giá trị gia tăng từ con cá tra. "Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn tức là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới", bà Khanh đã giải thích về tên công ty.
Dưới sự dẫn dắt của bà Khanh, trong 12 năm, từ 2007 đến 2018, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 750%, lợi nhuận gấp 15 lần. Hai năm 2019, 2020, do bị tác động bởi các chính sách bảo hộ thương mại và các thị trường trọng điểm tại Mỹ, Châu Âu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn giảm mạnh. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của VHC chỉ đạt 705 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước.
Ông Nguyễn Hùng Minh – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco)
Ngoài ông Trần Đình Long và bà Trương Thị Lệ Khanh, một đại gia tuổi Sửu 1961 khác có thể kể đến là ông Nguyễn Hùng Minh – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Ông Minh gia nhập Thaco từ năm 1997 với vị trí Kế toán trưởng. Từ 1/7/2003 – 30/4/2007, ông công tác ở vị trí Phó Tổng giám đốc của Công ty TNHH Ô tô Trường Hải.
Ông Nguyễn Hùng Minh – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Sau khi Thaco chuyển đổi sang mô hình cổ phần, từ 1/5/2007 – 22/4/2013, ông Minh đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Thaco. Giai đoạn 23/4/2013 – 18/4/2018, ông Minh nắm vị trí Tổng Giám đốc nhưng vẫn kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Thaco. Từ ngày 19/4/2018 đến nay, ông Nguyễn Hùng Minh đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Thaco.
Đầu tháng 9/2018, ông Nguyễn Hùng Minh cùng ông Trần Bảo Sơn - một thành viên khác của Thaco, đã tham gia HĐQT HNG. Trước đó, Thaco cùng HAGL đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL để đầu tư vào 2 công ty con là HAGL Agrico và CTCP Phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Land). Theo đó, Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% HAGL Agrico (HNG), với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Thông qua công ty con là CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, Thaco sở hữu 65% vốn của HAGL Land với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2019, ông Hùng Minh đã từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT HNG. Dù vậy, ông hiện tại vẫn đang sở hữu 5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỷ lệ 0,45%.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng giám đốc Công ty TNHH TNI Corporation
Sinh năm 1973 (Quý Sửu), bà Lê Hoàng Diệp Thảo là một trong những nữ doanh nhân có tiếng. Bà hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI Corporation với sản phẩm King Coffee.
TNI Corporation của doanh nhân Diệp Thảo là một doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hoà tan ở thị trường quốc tế. Ngoài trụ sở chính ở 198 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3 (TP HCM), TNI có 4 chi nhánh ở Mỹ, Úc, Singapore, Trung Quốc.
Doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.
Năm 2018, bà Diệp Thảo đã trở thành diễn giả tại Diễn đàn CEO Allegra Coffee World London.Vừa qua, bà Thảo nhận giải thưởng Doanh nhân truyền cảm hứng toàn cầu (Most Admired CEO) năm 2020, từ Tạp chí Global Brands Magazine (GBM).
Cũng trong năm 2020, bà Thảo được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ IX (2017 - 2020).
Ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam
Ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng "lò vôi") là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam. Doanh nghiệp này sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến nổi tiếng khắp Việt Nam với diện tích lên đến 450 ha tại Bình Dương.
Ông Dũng từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) từ năm 1994 đến 1996, nguyên đại biểu Quốc hội khoá X.
Ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam.
Sở dĩ có biệt danh Dũng "lò vôi", vì trước đây do cuộc sống quá nghèo khó, ông Dũng phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp…sau đó, ông Dũng bán lò vôi để làm Giám đốc công ty sơn mài Thanh Lễ, sau này là công ty thương mại XNK Thanh Lễ. Trước khi tiếp nhận công ty sơn mài Thanh Lễ, ông Dũng đưa ra điều kiện, nếu làm ăn thua lỗ ông sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn ngược lại, công ty phải trích cho ông 10% tiền lời thu được. Kết quả, năm đầu tiên giữ cương vị giám đốc, lợi nhuận công ty vượt xa mong đợi.
Bước ngoặt cuộc đời của Dũng "lò vôi" là khi ông quyết định rót vốn vào khu công nghiệp Bình Đường, và sau đó là 2 khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3. Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến được ông Dũng "lò vôi" bắt tay vào xây dựng từ tháng 9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á với diện tích 700ha. Số tiền xây dựng khu du lịch Đại Nam lên tới 5.000 tỷ đồng.
Tháng 5/2020, ông Dũng bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng, để tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản ông đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua để giúp đời giúp người.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thiên Minh Group
Ông Trần Trọng Kiên sinh năm 1973 (Quý Sửu) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh (TMGroup). Ông Kiên tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội, nhận bằng cử nhân chuyên ngành tiếng Anh tại trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội và bằng thạc sỹ trường đại học Hawaii tại Manoa.
Ông Trần Trọng Kiên bắt đầu công việc làm hướng dẫn viên du lịch với mục đích ban đầu để trang trải chi phí cho các nghiên cứu y tế của mình tại Đại học Y Hà Nội.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh (TMG).
Cơ duyên này đã đặt nền tảng để ông quyết định khởi nghiệp trong ngành du lịch với việc sáng lập Buffalo Tours vào năm 1994. Từ một hướng dẫn viên, ông đã phát triển Buffalo Tours phát triển thành một trong những tập đoàn du lịch hàng đầu khu vực và được công nhận tốt nhất ở Việt Nam. Công ty phát triển lên quy mô toàn cầu với 17 văn phòng điều hành tại khu vực Châu Á ở 11 nước (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông) và 4 văn phòng kinh doanh tại Úc, Anh, Mỹ, Nga.
Trải qua 21 năm hoạt động và phát triển, từ một doanh nghiệp nhỏ điều hành các tour du lịch mạo hiểm tại việt Nam với thương hiệu Buffalo Tours, ngày nay TMG là một trong những tập đoàn du lịch hàng đầu Đông Nam Á với ba lĩnh vực chính và 10 thương hiệu.
Ông Tô Hải – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt
Ông Tô Hải là một người khá kiệm lời trong ngành chứng khoán. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM ngành Quản trị công nghiệp, sau đó tốt nghiệp thạc sỹ Tài chính ngân hàng tại đại học Sydney, ông Hải ban đầu làm việc tại công ty viễn thông liên tỉnh thuộc VNPT.
Ông Tô Hải – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt.
Ông Bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán từ những ngày "khai thiên lập địa" của ngành chứng khoán Việt Nam vào năm 2001 với vai trò chuyên viên tại công ty chứng khoán Bảo Việt. Năm 2007, ông Tô Hải giữ vị trí Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt cho đến ngày hôm nay, đưa VCSC từ một công ty non trẻ trở thành CTCK giữ trị ví top 3 trong nhiều năm. Trong khi các CTCK khác chạy đua trong mảng môi giới và tự doanh, thì VCSC đi đầu trong mảng tư vấn (IB) và khách hàng tổ chức.
Năm 2020, VCSC đạt 951 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 73% so với kế hoạch. Kết quả kinh doanh tích cực của VCSC đến từ một số mảng kinh doanh chủ chốt như Đầu tư (doanh thu tăng 20% và lợi nhuận tăng 30%) và Môi giới (doanh thu tăng 35% và lợi nhuận tăng 32%). Bên cạnh đó, giá cổ phiếu cũng tăng hơn gấp đôi trong năm vừa qua, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên gần 10.000 tỷ đồng.