Nhiều dự án thuê đất, sử dụng đất chậm nộp thuế vì chưa đi vào hoạt động

Tổng cục Thuế cho biết vướng mắc chính là do các dự án chưa đi vào hoạt động, khai thác; trong khi theo quy định pháp luật, cơ quan Thuế đã phải thực hiện tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 31/7/2022 là 133.639 tỷ đồng. Số nợ này tăng 16,2% so với thời điểm ngày 31/12/2021 và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều dự án thuê đất, sử dụng đất chậm nộp thuế vì chưa đi vào hoạt động.
Nhiều dự án thuê đất, sử dụng đất chậm nộp thuế vì chưa đi vào hoạt động.

Trong số đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 68.141 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm cuối tháng 6; tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu là 22.748 tỷ đồng. Tổng cục Thuế lý giải, tổng số tiền thuế nợ ước tại thời điểm cuối tháng 7 tăng so với thời điểm cuối năm 2021 là do một phần phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế.

Bên cạnh tình trạng một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP nên vẫn phải theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên. Ngoài ra, một số người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, liên quan đến các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án, Tổng cục Thuế cho biết, vướng mắc chính là do các dự án chưa đi vào hoạt động, khai thác trong khi theo quy định pháp luật, cơ quan Thuế đã phải thực hiện tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do đó người nộp thuế chưa thể thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.

Ngoài ra, dù áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cũng gặp khó, không thực hiện được vì người nộp thuế không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Theo điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này, hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp do bất khả kháng.

Văn Trì

Theo Chất lượng và cuộc sống