Nhiều yếu tố hỗ trợ đặc trưng tạo đà cho thị trường chứng khoán tăng trưởng

Chuyên gia Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng có nhiều yếu tố tích cực tạo đà tăng trưởng cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời gian tới, trong đó có các yếu tố hỗ trợ mang tính đặc trưng.

Theo chuyên gia Phạm Tiến Đạt, TTCK Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực, ổn định.

Nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô ổn định, hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại.

TTCK có nhiều yếu tố hỗ trợ mang đặc trưng riêng so với nhiều thị trường khu vực, liên quan đến kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh…

“Đây là những yếu tố có thể tạo ra lợi thế so sánh cho TTCK Việt Nam để thu hút vốn ngoại mạnh mẽ khi những khó khăn trên toàn cầu qua đi. Sẽ không có sự tăng trưởng với tốc độ cao ở hầu hết các nhóm ngành như giai đoạn trước đó mà thay vào đó là sự ổn định, bền vững hơn”, ông Đạt cho biết.

Nhiều yếu tố hỗ trợ đặc trưng tạo đà cho thị trường chứng khoán tăng trưởng - Ảnh 1Có nhiều yếu tố hỗ trợ đặc trưng tạo đà cho TTCK tăng trưởng.

Theo ông Đạt, các tổ chức thị trường đã đưa ra các đánh giá tích cực về sự phát triển của TTCK giai đoạn cuối năm.

Công ty quản lý quỹ Vina Capital (tháng 6/2022) cho rằng với những yếu tố hỗ trợ như làn sóng bán tháo do các lệnh ký quỹ đã kết thúc, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ được triển khai tích cực, đặc biệt là tâm lý bi quan trên thị trường đã giảm bớt, TTCK Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 20% trong năm nay.

Trong khi đó, theo các kịch bản của Công ty chứng khoán ACBS (tháng 6/2022), chỉ số VN-index sẽ dao động trong khoảng từ 1.450 – 1.900 điểm khi kết thúc năm 2022.

Đối với kịch bản trung tính, ước tính chỉ số này sẽ kết thúc năm ở mức gần 1.660, còn ở kịch bản lạc quan dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên toàn thế giới kết hợp với tác động tích cực từ gói tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam và khi đó thu nhập doanh nghiệp sẽ vượt quá kỳ vọng chỉ số sẽ đạt mức 1.800-1.900 điểm. Trong kịch bản bi quan, chỉ số giao dịch quanh mức 1.450 điểm.

Công ty chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo với 2 kịch bản. Ở kịch bản cơ sở chỉ số VN-index sẽ đạt mức 1.330 điểm, trong khi kịch bản tích cực là 1.500 điểm vào thời điểm cuối năm 2022.

Như vậy, các mức dự báo đưa ra có đều có nhận định về sự tích cực của thị trường so với thời điểm hiện tại (VN-index ở dưới 1.200 điểm).

Chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng làn sóng bán tháo chứng khoán do các lệnh dừng ký quỹ gần đây đã kết thúc.

Ở thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán đã giảm khoảng 30% so với thời điểm cao điểm cuối quý I/2022.

Dư nợ ký quỹ giảm, khiến áp lực bán giải chấp trên thị trường theo đó cũng giảm đi, các mã chứng khoán có nền tảng tốt được giữ lại, hiện tượng báo giải chấp quy mô lớn trên thị trường sẽ không xảy ra. Hoạt động của thị trường đang dần trở nên công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.

Thời gian qua, một số các quy định đã thực hiện theo hướng công khai, minh bạch hơn.

Đó là việc yêu cầu các Sở Giao dịch công bố thông tin tự doanh của các công ty chứng khoán, đưa ra cảnh báo khi các mã chứng khoán có hiện tượng giao dịch bất thường (tăng/giảm trần từ 5 – 10 phiên).

Thay đổi cách tính giá thanh toán của hợp đồng phái sinh từ giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng thành giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đưa ra các quyết định xử phạt mạnh mẽ đã tạo sự răn đe đối với các đối tượng, hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững, ổn định.

Sự tăng trưởng mạnh của số lượng nhà đầu tư gia nhập mới cũng là tín hiệu tích cực. Số lượng các nhà đầu tư gia nhập mới trong 5 tháng đầu năm có xu hướng tăng dần với tổng số lượng đạt 1,4 triệu tài khoản, gần bằng mức của cả năm 2021.

“Việc khối ngoại đã có xu hướng mua ròng trong 6 tháng đầu năm được xem là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. Điều này phần nào củng cố thêm nhận định chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới”, ông Đạt dự báo.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam