Nhóm bất động sản có giá trị phát hành trái phiếu sụt giảm nhiều nhất trong quý 3

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý 3, giá trị TPDN được mua lại là 57,723 tỷ đồng, giảm nhẹ so với Quý II/2022.

Nhóm bất động sản sụt giảm 93.4% tổng khối lượng phát hành trái phiếu

Tổng khối lượng phát hành trái phiếu trong Quý III 2022 đạt 61,374 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành riêng lẻ chiếm 97.39%, giá trị phát hành ra công chúng là 1,603 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2.61%.

Trong Quý III 2022, tổng khối lượng phát hành giảm khoảng 68% so với cùng kỳ năm 2021. Nhóm Xây dựng và Bất động sản có giá trị phát hành sụt giảm nhiều nhất, mất lần lượt 98.7% và 93.4%.

Nhóm Ngân hàng dẫn đầu về khối lượng phát hành, tổng giá trị ở mức 45,542 tỷ đồng, giảm 33% so với quý III/2021. Nhóm Bất động sản xếp ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành là 5,020 tỷ đồng, giảm 93.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ nhóm Bất động sản và Xây Dựng, khối lượng phát hành của các nhóm khác cũng suy yếu rất đáng kể như nhóm Chứng khoán (giảm 82%), nhóm Hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (giảm 45%) và nhóm các công ty Năng lượng (không phát hành).

Một số doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn theo nhóm ngành. Nguồn: VBMA  
Một số doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn theo nhóm ngành. Nguồn: VBMA  
Tỷ trọng khối lượng TPDN phát hành bởi doanh nghiệp niêm yết chiếm 81% trong tổng số KLTP phát hành trong kỳ. Trong Quý III 2022, có tổng cộng 8 doanh nghiệp mới phát hành lần đầu, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp niêm yết phát hành. Phần lớn các doanh nghiệp mới phát hành lần đầu nằm ở nhóm Bất động sản.

Kỳ hạn phát hành trung bình Quý III/2022 là 5.36 năm, tăng 0.91 năm so với cùng kỳ năm 2021. Kỳ hạn phát hành trung bình cũng đã tăng gần gấp đôi so với Quý I/2022 (2.83 năm), chủ yếu do kỳ hạn phát hành của nhóm Ngân hàng gia tăng và nhóm này chiếm hầu hết giá trị phát hành. Hầu hết trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, chiếm khoảng 52% khối lượng phát hành. Lãi suất phát hành trung bình quý III/2022 ở mức 7.17%, tăng nhẹ so với quý II/2022.

Duy nhất 1 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 10

Theo báo cáo của VBMA, tổng giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ trong tháng 10 giảm mạnh so với hai tháng liền kề và cùng kỳ.

Tính đến ngày công bố thông tin 31/10/2022, ghi nhận 210 tỷ đồng từ lô trái phiếu có mã NPMCB22270003 do Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (công ty con củaCTCP Tập đoàn Masan, Mã: MSN) phát hành, có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào ngày 26/10/2027.

Trong 10 tháng đầu năm, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10,599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng GTPH) và 413 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 240,761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng GTPH). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm Ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136,287 tỷ đồng, tương đương 54% tổng giá trị phát hành. Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51,699 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 147,484 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cũng theo báo cáo, tháng 12/2022, tháng 9/2023 và 12/2023 sẽ là những tháng có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhiều nhất trong thời gian tới.

Tháng 12/2022, tháng 9/2023 và 12/2023 sẽ là những tháng có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhiều nhất trong thời gian tới.  
Tháng 12/2022, tháng 9/2023 và 12/2023 sẽ là những tháng có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhiều nhất trong thời gian tới.  
Có thể thấy việc “tắc vốn” của các doanh nghiệp nói chung trên thị trường trái phiếu, ngược chiều với ngân hàng, một phần phản ánh những khó khăn nhất định của các doanh nghiệp; và phần nào cũng phản ánh “tín nhiệm” của nhà đầu tư dành cho chủ thể phát hành, trong bối cảnh thị trường từ chỗ mập mờ thông tin đang hướng đến minh bạch, đảm bảo khả năng trả nợ, an toàn cho các trái chủ được đặt lên ưu tiên. 

Nhưng những lo lắng “tắc vốn” ở cả tín dụng lẫn kênh trái phiếu có thể còn ở phía trước khi các doanh nghiệp, khi phía ngân hàng chưa được nới hạn mức tín dụng, còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ngóng đợi Dự thảo sửa đổi Nghị định 153. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, trong bối cảnh thị trường vốn vẫn chưa phát triển đầy đủ, nguồn vốn tín dụng có vị trí rất quan trọng là “bà đỡ” để thực hiện dự án. Do NHNN đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro; trong đó có bất động sản và nhất là hiện nay các ngân hàng thương mại đang có xu hướng “siết” tín dụng đối với bất động sản nên các doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng vào việc phát hành TPDN để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nên nếu trái phiếu cũng bị siết, có thể khiến doanh nghiệp “đứt gãy” nguồn vốn. 

Ông Châu kiến nghị cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành TPDN và cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được hạch toán dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để bù các khoản kinh doanh bị lỗ của các lĩnh vực khác.

Thị trường trái phiếu gần như “đóng băng”

Trong 3 năm 2018-2021, với sự "cởi trói" từ Nghị định 163, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển rất nóng và bước đầu trở thành một kênh dẫn vốn trung-dài hạn, song cùng với đó đã đưa tới nhiều rủi ro, nguy cơ.

Các vụ án liên quan tới thị trường trái phiếu gần đây đang khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng một tỷ lệ không nhỏ trái phiếu ở thời điểm hiện tại có chất lượng xấu, từ đó gây sức ép để doanh nghiệp phát hành thanh toán trước hạn.

Bối cảnh này khiến một bộ phận thị trường vốn gián đoạn nghiêm trọng khi nền kinh tế đang rất khát vốn để phục hồi sau đại dịch, trong khi các kênh dẫn vốn chính yếu đều tắc.

Nhiều chuyên gia nhận định, kênh trái phiếu sụt giảm chủ yếu do nhà đầu tư thiếu niềm tin, chứ không phải doanh nghiệp hay nền kinh tế có vấn đề. Nếu vì tâm lý lo ngại mà nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi trái phiếu, thì dù doanh nghiệp đang rất khoẻ cũng trở thành yếu, thậm chí vỡ nợ vì bị trái chủ rút trước hạn chứ không phải vì kinh doanh của họ kém đi hoặc dòng tiền yếu.

Dữ liệu thống kê cho thấy giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán trong quý IV/2022 và năm 2023 vào khoảng 60.000 tỷ đồng và 260.000 tỷ đồng (tương đương 3,81% GDP năm 2021). Lượng trái phiếu đến hạn này đang và sẽ tạo áp lực lớn tới thanh khoản thị trường trong bối cảnh năng lực tài chính của doanh nghiệp đang suy giảm và thực thi chính sách tiền tệ thận trọng và chắc chắn.

Nếu không chủ động quản lý hiệu quả thị trường thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan rủi ro sang khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lành mạnh, ảnh hưởng không tốt tới an ninh, an toàn tài chính quốc gia và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống