Nhóm có thu nhập thấp gần như không có cơ hội mua nhà

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhóm có thu nhập cao nhất của cả nước gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà đồng nghĩa với việc các nhóm thu nhập thấp hơn gần như không có cơ hội. Nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân không được đáp ứng, không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống an sinh xã hội mà còn dẫn đến sự bất ổn dài hạn cho thị trường bất động sản và tạo hệ lụy rủi ro kinh tế vĩ mô.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu xét theo quy tắc giá nhà không vượt quá một phần ba thu nhập thì nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất (nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt gần 14,5 triệu đồng tại Hà Nội; 13,8 triệu đồng tại Đà Nẵng; gần 13,3 triệu đồng tại TP HCM; 13,9 triệu đồng tại Đồng Nai và gần 18,4 triệu đồng tại Bình Dương cũng không thể mua nhà.

Nhóm 5 là nhóm được kỳ vọng có khả năng sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà không cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế, ngay cả nhóm có thu nhập cao nhất này cũng gặp không ít trở ngại trong bài toán mua nhà tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM do giá bất động sản tăng cao.

Theo lý giải của VARS, có 3 nguyên nhân chính khiến khả năng chi trả nhà ở giảm mạnh trong vài năm qua.
Theo lý giải của VARS, có 3 nguyên nhân chính khiến khả năng chi trả nhà ở giảm mạnh trong vài năm qua.

Thứ nhất là giá bất động sản tại các đô thị lớn đã vượt xa khả năng tài chính của đại đa số người dân. Tốc độ tăng giá nhà đất nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ tăng thu nhập. Từ sau đại dịch Covid - 19, giá bất động sản (nhất là loại hình căn hộ) tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM liên tục tăng, thiết lập mặt bằng mới cao hơn từ 30% so với năm 2019.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại thành thị năm 2023 chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2019. Thu nhập bình quân của nhóm 5 tại Hà Nội và Đà Nẵng năm 2023 tăng lần lượt 3% và 7% so với năm 2019. Thậm chí, thu nhập bình quân của nhóm 5 tại TP.HCM còn ghi nhận mức tăng trưởng âm 8%.

"Khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà ngày càng rộng, đặc biệt đối với những hộ gia đình thuộc nhóm trung lưu và cận cao cấp", VARS nhận định.

Thứ hai là nguồn cung nhà ở hiện chủ yếu tập trung vào phân khúc trung, cao cấp trở lên, trong khi nhà ở vừa túi tiền mới là nhu cầu chính của thị trường. Rất ít dự án nhà ở có giá dưới 30 triệu đồng/m2, khiến đa số người dân không có lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, việc một số chủ đầu tư lợi dụng sự khan hiếm nguồn cung của thị trường để tăng giá bán bất hợp lý, khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao, ngay cả với các khu vực không có nhiều lợi thế về hạ tầng, cũng gây khó khăn cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực.

Thứ ba là do hành vi đầu cơ. Đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy giá bất động sản tăng vọt. Theo VARS, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn nhiều biến động, tâm lý tích trữ tài sản và kỳ vọng giá bất động sản tiếp tục tăng khiến nhiều người mua nhà đất không nhằm mục đích sử dụng thực tế. Họ mua nhà đất rồi bỏ hoang, chờ tăng giá, khiến tình trạng mất cân đối cung - cầu càng trầm trọng.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác là chi phí tài chính. Dù lãi suất đã giảm, song người vay mua nhà tại Việt Nam vẫn phải chịu lãi suất cho vay thả nổi sau ưu đãi từ khoảng 10% trở lên. Điều này cũng tạo áp lực về mặt tài chính cho người mua nhà.

Về phía các doanh nghiệp địa ốc, việc chi phí tài chính, chi phí đầu tư, chi phí đất đai đang liên tục tăng cao là nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án và trực tiếp làm tăng giá nhà.

Minh Đăng

Theo Chất lượng và cuộc sống