Những khu đô thị ‘vàng’ chật chội đông đúc nhưng tiềm năng phát triển giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ
Theo đồ án quy hoạch thành phố, những khu vực này tuy chất lượng đô thị thấp nhưng lại đầy tiềm năng từ vị trí trung tâm.
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cho thấy, vùng trung tâm bao gồm các quận: 1, 3,4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò vấp, quận Bình Tân, một phần quận 12 còn chưa phát huy hết tiềm năng, nằm gần trung tâm nhưng chất lượng đô thị thấp.
Khu Cống Quỳnh - Mả Lạng
Khu Mả Lạng có vị trí đẹp giữa trung tâm TP. HCM, được bao quanh bởi 4 tuyến đường gồm Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu. Nơi này trước là nghĩa địa, sau đó được thành phố cho di dời, từ đó nhiều người đến sống và trở thành khu dân cư ở trung tâm thành phố.
Với việc nằm giữa khu vực sôi động, đông đúc, kinh doanh thương mại sầm uất, nơi đây được mệnh danh là "tứ giác vàng". Tuy nhiên, hơn 7.200 dân Mả Lạng sống "treo" giữa lòng Sài Gòn khi nơi này được quy hoạch làm trung tâm thương mại, cao ốc...
Báo VnExpress thông tin, năm 2000, TP. HCM chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng nhằm chỉnh trang đô thị và giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng không làm được. 7 năm sau, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dự án tiếp tục bị treo. Sau đó, năm 2023 UBND TP đã thu hồi nhưng vẫn giữ quy hoạch với khu Mả Lạng và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Dính quy hoạch, hiện tại, những hộ dân ở đây không được phép sửa sang, xây dựng nhà mới và hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, đa số những căn nhà có diện tích chỉ hơn 10m2 mà có đến 3-4 người ở, một số căn nhà còn dưới 10m2. Đa số người dân ở đây đều lao động chân tay, hoàn cảnh khó khăn nên cả nhà mấy thế hệ mới ở cùng nhau trong căn nhà quá chật chội, ánh nắng không thể len vào trong. Họ vẫn chưa thể làm gì vì không biết dự án tới đây sẽ như thế nào và cuộc sống tạm bợ của mình sẽ kéo dài bao lâu.
Khu Bàn Cờ
Ngoài khu Mả Lạng, quận 1, một khu vực cũng được xem là có cơ hội phát triển vượt bậc, nét chấm phá cho quận 3 là khu vực quanh phố chợ Bàn Cờ. Với quy hoạch vuông vắn, đường sá đan xen theo dạng bàn cờ, nhìn từ trên cao khu vực này có thể xem là nơi quy hoạch đẹp nhất TP. HCM.
Khu vực này bao quanh là đường Điện Biên Phủ, Cao Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Thái Tổ. Vì vậy, tỉ lệ thương mại dịch vụ trong khu vực khá cao, chiếm đến khoảng 60%.
Theo đề xuất quy hoạch, liên danh tư vấn đề xuất cải tạo chỉnh trang khu Bàn Cờ thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, tương tự như khu Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão.
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận 3 cho biết, hiện quận cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển khu phố ẩm thực ở đường Nguyễn Thiện Thuật. “Hiện vẫn chưa có kế hoạch chính thức. Khi nào có kế hoạch chính thức, chúng tôi sẽ thông tin chi tiết về việc làm khu phố ẩm thực đường Nguyễn Thiện Thuật cho bà con được biết” - bà Hằng nói thêm.
Khu Chinatown
Chinatown quận 5 là một khu vực người Hoa tập trung sinh sống từ khoảng thế kỷ 18 cho đến nay. Tại khu phố có rất nhiều đền chùa, ngôi nhà treo đèn lồng và hàng quán có biển chữ Hoa – Việt…
Một loạt cơ sở dịch vụ hạ tầng xã hội lớn cấp thành phố và vùng như bệnh viện, đại học được tập trung trung ở đây, dọc theo các tuyến giao thông chính như Hồng Bàng, Nguyễn Chí Thanh, ngoài ra còn có các cơ sở kho tàng, công nghiệp với quỹ đất khá lớn…
Trong đồ án của thành phố có đề cập đến quận 5 tiềm năng trở thành một điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế, dưới dạng một Chinatown còn khá đậm bản sắc và sinh động. Đây là đầu mối giao thương và giao diện quốc tế với toàn bộ cộng đồng ảnh hưởng văn hoá Hán ở châu Á. Do đó, đồ án đề xuất nên lấy vai trò đầu mối giao thương và giao diện quốc tế với toàn bộ cộng đồng ảnh hưởng văn hoá Hán ở châu Á làm định hướng chủ đạo.
Bên cạnh đó, đồ án cũng đề xuất nên khai thác tốt, phù hợp quỹ đất của Tổng đài Ra Đa (có cư xá ra đa) ở quận 6 (khu vực sát vòng xoay Phú Lâm, nơi có diện tích khoảng 5ha).