Nợ nần của HAGL sau vụ vỡ nợ trái phiếu bị ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG

Tổ chức tín dụng vừa bán đi 25,4 triệu cổ phiếu HNG do Hoàng Anh Gia Lai mang làm tài sản thế chấp cho đợt phát hành trái phiếu đã quá hạn trả nợ.

Từ quyết định phạt 3 tỷ đồng đối với HAGL

UBCKNN vừa công bố thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG).

Theo đó Hoàng Anh Gia Lai bị phạt 3 tỷ đồng do đã “không báo cáo về dư kiến giao dịch”. Cụ thể, CTCP Hoàng Anh Gia Lai là tổ chức có liên quan tới ông Đoàn Nguyên Đức – Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HNG) đã dùng cổ phiếu HNG để đảm bảo cho khoản trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Tây Nguyên tại tổ chức tín dụng. Do khoản nợ lãi quá hạn đối với khoản trái phiếu này, tổ chức tín dụng đã bán 20 triệu cổ phiếu HNG (tươnng ứng 200 tỷ đồng theo mệnh giá) vào ngày 7/1/2022 và bán 5,4 triệu cổ phiếu HNg (tương ứng 54 tỷ đồng mệnh giá) vào ngày 10/1/2022 trên tài khoản chứng khoán của Hoàng Anh Gia Lai để thu hồi nợ. Tuy nhiên CTCP Hoàng Anh Gia Lai không báo cáo về dự kiến giao dịch đối với giao dịch nêu trên.

Ngoài phạt tiền, UBCKNN còn đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Quyết định có hiệu lực từ 17/5/2022.

Thời điểm đầu năm 2022 liên tục xuất hiện các thông báo giao dịch cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai, trong đó có thông tin bán tổng cộng 25,4 triệu cổ phiếu HNG với lý do ngân hàng bán thu nợ. Trước giao dịch 25,4 triệu cổ phiếu này, Hoàng Anh Gia Lai cũng có thông báo đã bán bớt 48,1 triệu cổ phiếu HNG (từ 17/1 đến 10/2/2022) cùng với mục đích ngân hàng bán thu nợ - giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận.

Đến các chủ nợ của HAGL

BCTC năm 2021 đã kiểm toán của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tổng vay ngắn từ trái phiếu và ngân hàng hơn 2.500 tỷ đồng và vay dài hạn gần 5.800 tỷ đồng. Tổng vay ngắn hạn và dài hạn đến 31/12/2021 gần 8.300 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn đến hạn trả 1.172 tỷ đồng.

Ngoài ra công ty còn khoản vay dài hạn hơn 1.200 tỷ đồng. Các khoản vay này được sử dụng để đáp ứng nhu cầu vốn tài trợ cho các dự án vườn cây ăn quả của Tập đoàn. Trong số các khoản vay này, có hơn 700 tỷ đồng là vay ngân hàng dài hạn đến hạn trả.

Nợ nần của HAGL sau vụ vỡ nợ trái phiếu bị ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG - Ảnh 1

Chủ nợ lớn nhất của HAGL là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với khoản tiền vay gần 500 tỷ đồng. Khoản vay này đến ngày đáo hạn vào 27/12/2022. Tài sản thế chấp cho khoản vay này là 150 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của ông Đoàn Nguyên Đức. Tổng khoản vay bằng tiền xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Eximbank cũng là chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai. Tổng dư vay nợ của HAGL tại Eximbank hơn 637 tỷ đồng, ngày đáo hạn cuối cùng vào 31/12/2024. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên tổng diện tích 957ha thuộc sở hữu của CTCP Chăn nuôi Gia Lai cùng các phương tiện vận tải, máy móc thiết bị và tài sản khác hình thành từ vốn vay. Báo cáo cũng ghi nhận vào ngày 31/12/2021 và vào ngày lập BCTC hợp nhất năm 2021, Tập đoàn chưa thanh toán khoản vay đến hạn trả với tổng gía trị 179 tỷ đồng theo lịch đã cam kết với ngân hàng.

Nợ nần của HAGL sau vụ vỡ nợ trái phiếu bị ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG - Ảnh 2

Ngân hàng Lào – Việt chi nhánh Attapeu cũng là một chủ nợ của HAGL với dư nợ hơn 268 tỷ đồng, ngày đáo hạn cuối cùng 23/6/2022. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 2 lô đất tại bản Honglay thuộc sở hữu của ông Channousit, trụ sở làm việc của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Đại Thắng tại bản Nong Yoi, tỉnh Champasak Lào và quyền sở hữu khai thác diện tích 939ha vườn cây ăn quả thuộc sở hữu của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Đại Thắng.

TPBank chi nhánh Hà Nội cũng đang cho HAGL vay khoản tiền 192 tỷ đồng với thời gian đáo hạn từ 21/10/2022 đến 21/10/2024. Sacombank Lào chi nhánh Champasak cũng có khoản cho vay hơn 103 tỷ đồng với thời gian đáo hạn từ 25/12/2022 đến 7/6/2026, có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng nhiều lô đất tại tỉnh Champasak.

HAGL còn có các khoản vay tín chấp tổng hơn 136 tỷ đồng, trong đó có 1 cá nhân là ông Lê Hiền Trung cho vay hơn 83 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Kamkauong cho vay hơn 41 tỷ đồng và CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai cho vay gần 12 tỷ đồng

Gánh nặng các khoản vay trái phiếu

Nhưng gánh nặng lớn nhất của HAGL là các trái phiếu phát hành. Báo cáo ghi nhận tổng giá trị trái phiếu còn lại đến cuối năm 2021 còn hơn 6.535 tỷ đồng, giảm được hơn 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong năm công ty đã mua lại được hơn 1.100 tỷ đồng trái phiếu do Ngân hàng TMCP Bản Việt (200 tỷ đồng) và CTCP Chứng khoán HDB (HDBS – 930 tỷ đồng) thu xếp phát hành.

Nợ nần của HAGL sau vụ vỡ nợ trái phiếu bị ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG - Ảnh 3

Tổ chức tín dụng chủ nợ lớn nhất của HAGL về mảng trái phiếu là BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) với tổng dư nợ 5.876 tỷ đồng. Số trái phiếu này có ngày đáo hạn cuối cùng vào ngày 30/12/2026. Tài sản thế chấp là quyền thuê đất của nhiều dự án, ngoài ra còn có hơn 44,92 triệu cổ phiếu HAG do Chủ tịch HĐQT công ty nắm giữ, 13,31 triệu cổ phiếu HNG và 7 xe ô tô thuộc sở hữu của công ty.

Nợ nần của HAGL sau vụ vỡ nợ trái phiếu bị ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG - Ảnh 4

Đến cuối tháng 10/2024 HAGL có số trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng đến ngày đáo hạn. Trái chủ là Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Tài sản đảm bảo là 50 triệu cổ phiếu HAG thuộc quyền sở hữu của ông  Đoàn Nguyên Đức, 14 triệu cổ phiếu HAG thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Quý, tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của CTCP Chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai và quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng giữa Hưng Thắng Lợi và CTCP Le Me.

Khoản vay trái phiếu liên quan đến thông tin bị UBCKNN phạt là khoản trái phiếu 300 tỷ đồng của Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Tây Nguyên. Số trái phiếu này được đảm bảo bởi 40 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của công ty. Trái phiếu có thời gian đáo hạn cuối cùng vào ngày 18/6/2023. Đáng chú ý, cổ phiếu HNG đã giảm sâu, mất đi 50% giá trị từ đầu năm 2022 đến nay, về dưới 6.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy với 40 triệu cổ phiếu HNG đi làm tài sản thế chấp, giá trị số tài sản thế chấp này đang giảm mạnh, có giá trị khoảng 247 tỷ đồng so với thị giá trên thị trường.

Nợ nần của HAGL sau vụ vỡ nợ trái phiếu bị ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG - Ảnh 5

Do có khoản nợ lãi quá hạn nên đầu năm 2022 tổ chức tín dụng đã bán ra tổng cộng 25,4 triệu cổ phiếu HNG trên tài khoản chứng khoán của công ty để thu hồi nợ.

HAGL đang làm gì với nguồn vốn?

Kinh doanh thua lỗ mấy năm liên tiếp. BCTC ghi nhận năm 2021 công ty có lãi trở lại 127 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 2.383 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế đến 31/12/2021 lên đến 4.467 tỷ đồng. Tháng 9/2021 Đại hội đồng cổ đông công ty đã thông qua việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để cấn trừ lỗ luỹ kế với tổng giá trị 3.263 tỷ đồng.

Nợ nần của HAGL sau vụ vỡ nợ trái phiếu bị ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG - Ảnh 6

BCTC hợp nhất quý 1/2022 thể hiện công ty lỗ sau thuế tiếp 112 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế đến 31/3/2022 là 3.539 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 5.345 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu hơn 11.085 tỷ đồng. Thặng dư vốn cổ phần còn 1.170 tỷ đồng.

BCTC quý 1/2022 ghi nhận tổng vay ngắn hạn tại ngân hàng và các doanh nghiệp đến 31/12/2022 là xấp xỉ 1.100 tỷ đồng. Vay dài hạn tại ngân hàng hơn 2.157 tỷ đồng, trong đó số tiền đến hạn trả trong vòng 1 năm hơn 810 tỷ đồng. Số tiền vay dài hạn tại các doanh nghiệp là 2.660 tỷ đồng (vay từ HAG là 2.088 tỷ đồng và Thagrico là 572 tỷ đồng), trong đó số đến hạn trả trong vòng 1 năm là 1.348 tỷ đồng.

HAGL cho biết kế hoạch năm 2022 sẽ phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu giá 10.500 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 1.700 tỷ đồng. Đối tượng chào bán là Chứng khoán VPBank và một quỹ tại Hà Nội. Mục đích phát hành theo HAGL nhằm bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.

Trúc Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống