Nợ xấu bất động sản tăng vọt, hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể mất 263 tỷ USD
Khủng hoảng bất động sản không chỉ làm nền kinh tế Trung Quốc trì trệ mà còn khiến hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới gặp khó khăn.
Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, đồng thời là hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới, đang bị ảnh hưởng nặng nề khi có tới gần 40% tổng số dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản.
Áp lực ngày càng đè nặng lên các ngân hàng Trung Quốc khi hàng chục nhà phát triển bất động sản vỡ nợ hoặc không thanh toán được trái phiếu nước ngoài, trong đó phải kể đến tập đoàn China Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Theo SCMP, các khoản nợ xấu liên quan đến tài sản tồn đọng của các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đã tăng 37%, lên 291 tỷ NDT (tương đương 40 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến cuối tháng 6/2023.
Tổng nợ xấu, phần lớn liên quan đến bất động sản ở 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) là 1.202 tỷ NDT (164,8 tỷ USD), tăng 7,6% so với cuối năm ngoái.
2/3 ngân hàng ở Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ nợ xấu gia tăng khi cuộc khủng hoảng bất động sản diễn ra ở quốc gia này. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc xác định có tới 20 ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống cũng đang vướng vào khó khăn này. Nếu tình hình căng thẳng hơn hoặc các ngân hàng này thất bại, hệ thống tài chính của Trung Quốc có thể bị phá vỡ và “lửa có thể cháy lan ra toàn bộ nền kinh tế”.
Bất động sản điêu đứng khiến hệ thống ngân hàng Trung Quốc gặp khó khăn.
Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc với các khoản nợ khổng lồ, tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở và tâm lý e ngại của người mua nhà có thể khiến chính quyền Bắc Kinh phải chi ra số tiền khổng lồ để giải cứu các ngân hàng, tờ NYtimes nhận định.
“Nếu Trung Quốc không ra lệnh cho các ngân hàng xóa nợ xấu trên thị trường bất động sản, chi phí lãi vay sẽ tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế của quốc gia này trong khi có quá nhiều vốn sẽ tiếp tục bị lãng phí vì đổ vào các khoản đầu tư không có giá trị”, ông Andrew Collier, người sáng lập kiêm CEO của Orient Capital, một công ty nghiên cứu kinh tế ở Hong Kong (Trung Quốc) cho hay.
Vào tháng 8, nhà phân tích của Goldman Sachs đã cảnh báo rằng sự khó khăn trên thị trường bất động sản Trung Quốc có thể gây ra khoản lỗ tín dụng trị giá 1,9 nghìn tỷ NDT (tương đương 263 tỷ USD) và các ngân hàng có thể phải gánh chịu hơn 60% khoản lỗ này.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia nhận định rằng các ngân hàng Trung Quốc có thể gặp khó khăn vì khủng hoảng bất động sản nhưng khó có thể sụp đổ. “Hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với viễn cảnh từng diễn ra ở Mỹ vào 15 năm trước.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc là hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới.
Hệ thống này nắm giữ 4/5 tài sản tài chính của đất nước, có quy mô quá lớn để chính phủ Trung Quốc để cho nó có thể sụp đổ”, tờ NYTimes cho hay.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc kiểm tra sức chịu đựng trên bảng cân đối kế toàn của 20 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc. Cuộc kiểm tra này nhằm mục đích thăm dò khả năng phục hồi của các ngân hàng này trong trường hợp các khoản vay bất động sản làm “xói mòn” doanh thu của họ.
Kết quả chỉ ra rằng các ngân hàng đều có thể sống sót sau cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ít nhất một nửa trong số đó (10 ngân hàng) có thể cần phải thêm vốn để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về số tiền dự trữ.
Dẫu vậy bức tranh toàn cảnh của ngành ngân hàng Trung Quốc trong năm nay sẽ u ám hơn nếu chính phủ Bắc Kinh không kịp thời vào cuộc. Ông Lester Ross, đối tác quản lý văn phòng Bắc Kinh của công ty luật Wilmer Hale, cho biết: “Hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn đang đợi một gói giải cứu giá trị hơn, nhưng đến nay, nó vẫn chưa xuất hiện”.