Nợ xấu tăng cao: Rủi ro ngân hàng, hệ lụy cả nền kinh tế
Nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay. Theo giới phân tích, để ứng phó với áp lực nợ xấu cần nhiều giải pháp khác nhau.
Áp lực nợ xấu tăng cao tại nhiều ngân hàng
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu có xu hướng đi lên, buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Dù được giãn, hoãn nợ, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6 vẫn tăng so với cuối năm ngoái.
Xét về tỷ lệ nợ xấu, tính đến cuối quý II, có 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 là 795.500 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối tháng 6 ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022.
Đáng chú ý, trong quý II, cả 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều ghi nhận quy mô nợ xấu gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đứng đầu là Vietcombank - ngân hàng giữ ngôi vương lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 và liên tục giữ mức trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống. Tính đến hết 30/6, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này là 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28%. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng lần lượt 75% và 17,4%. Điều này khiến nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%.
Tại Vietinbank, tính tới cuối quý II, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) ở mức 24.646 tỷ đồng, tăng 48% so với mức 16.608 tỷ đồng hồi đầu năm nay. Riêng nợ nghi ngờ tăng lên hơn gấp đôi sau 3 tháng, trên 13.400 tỷ, so với quy mô hơn 5.300 tỷ đồng hồi cuối quý I/2024; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,13% hồi đầu năm lên 1,57%.
Còn tại BIDV, tỷ lệ tổng nợ xấu tăng từ 1,26% đầu năm 2024 lên mức 1,52% tại thời điểm 30/6/2024. Trong đó, số dư nợ xấu đạt 28.687 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thời điểm đầu năm, với mức tăng ở cả 3 nhóm nợ xấu. Đặc biệt, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, tức nợ nhóm 3 tăng tới 86,23%, lên 7.113 tỷ đồng vào cuối quý II.
Agribank ghi nhận tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 29.274 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng lần lượt 75% và 17% thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 17% xuống còn 15.885 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại Agribank giảm từ 1,85% vào cuối năm ngoái xuống 1,84%.
Tình hình nợ xấu ở các ngân hàng ngoài quốc doanh cũng không mấy khả quan.
Điển hình như Sacombank có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với hồi cuối năm 2023, kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,28% năm trước lên 2,43%.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống với mức tăng 5,52% từ 29,76% thời điểm đầu năm lên 35,28% cuối quý II. Theo đó, số dư nợ xấu của NCB thời điểm 30/6/2024 là 22.648 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của ACB, tổng nợ xấu tăng từ 0,82% lên 1,06% trong 6 tháng đầu năm. Số dư nợ xấu của ACB tăng 38%, từ 5.887 tỷ đồng hồi đầu năm lên 8.123 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng mạnh nhất 42%, lên hơn 5.525 tỷ đồng.
Tại Techcombank, nợ xấu vào cuối quý II/2024 là 7.287 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,16% lên 1,23%.
VPBank có tổng nợ xấu là 31.712 tỷ đồng cuối quý II, tăng 11,6% so với cuối năm trước; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 5,02% lên 5,08%.
Theo kết quả kinh doanh bán niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế, số dư nợ xấu tăng hơn 21% trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng mạnh 91,3%, lên 4.205 tỷ đồng, kéo tổng nợ xấu tăng từ 2,05% thời điểm đầu năm lên 2,38% vào cuối quý II/2024.
Một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng trên mức 3% như: MSB (3,08%); OCB (3,12%); VietBank (3,34%); ABBank (3,55%); VIB (3,67%); BVBank (3,77%); BaoViet Bank (4,79%); VPBank (5,08%).
Ở chiều ngược lại, có một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm là Eximbank (giảm 0,01 điểm %), SeABank (giảm 0,03 điểm %), SHB (giảm 0,23 điểm %) và PGBank (giảm 0,24 điểm %).
Tích cực xử lý nợ xấu
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng và đây là thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà của toàn nền kinh tế. Việc công khai, minh bạch vấn đề này cho thấy trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu, không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ.
Ông Tú cho rằng mặc dù một số khoản nợ xấu do cán bộ tín dụng khi thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng, nhưng về cơ bản, nợ xấu là do những khó khăn chung của nền kinh tế khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.
NHNN cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu, nhằm phòng ngừa rủi ro nợ xấu.
Thực tế, nợ xấu trong xu hướng tăng tất yếu như Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích nhưng đã được “kìm hãm” nhất định với hiệu ứng cho phép cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và đang được kéo dài đến hết năm nay theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN.
Đặc biệt, các ngân hàng đã nỗ lực kiểm soát nợ xấu với nhiều giải pháp khác nhau.
Nhiều ngân hàng đã tích cực nâng bộ đệm dự phòng rủi ro trước áp lực nợ xấu tiếp tục xu hướng tăng.
Đơn cử, trong quý II, VietinBank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 21% lên 7.817 tỷ đồng. BIDV cũng trích 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 36% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2024, chi phí dự phòng của Techcombank ghi nhận ở mức 2.855 tỷ đồng, tăng 112,8% so với cùng kỳ. Agribank cũng tăng 25% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2024, trích lập đến 11.048 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khẳng định sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay, tìm cách đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lý các khoản nợ xấu khó đòi.
Giới chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình trạng nợ xấu, có 2 vấn đề cần phải quan tâm. Đó là phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản.
Vì đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này và chủ yếu nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản, 80-90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản. Do đó, nếu muốn xử lý nợ xấu nhanh thì phải vực dậy thị trường bất động sản, còn nếu thị trường bất động sản vẫn "đóng băng", ngân hàng cũng không thể xử lý được nợ xấu.
Nhiều người kỳ vọng những điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, lãi suất cho vay tiêu dùng đã hạ nhiệt nhiều so với thời điểm trước đó cũng giúp tăng khả năng trả nợ của khách hàng.