Nông nghiệp BaF khởi động lại kế hoạch huy động 600 tỷ đồng trái phiếu
Sau khi huy động được 300 tỷ đồng từ chào bán trái phiếu ra công chúng vào tháng 8, BAF tiếp tục chuẩn bị kế hoạch huy động 600 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022, đây là bản nghị quyết sửa đổi thay thế cho nghị quyết ban hành ngày 15/8.
Trước đó, dựa trên nghị quyết ngày 15/8, BAF đã nộp hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu riêng lẻ vào ngày 18/8 nhưng đến ngày 18/10, công ty xin rút hồ sơ. Phía BAF giải trình do trong quá trình xin ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chuẩn bị thủ tục triển khai, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào ngày 16/9 nên công ty rút hồ sơ để điều chỉnh phương án cho phù hợp quy định.
Với nghị quyết lần này, BAF vẫn dự định phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Thời gian phát hành dự kiến diễn ra trong quý IV/2022 hoặc quý I/2023.
Trái phiếu có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định 5,25%/năm. Trong trường hợp mua lại trước hạn hoặc không chuyển đổi, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm khoản lãi suất 5,25%/năm cho mỗi kỳ tính lãi, đồng thời lãi suất bổ sung được tính lãi kép ở mức 10,5%/năm.
Tỷ lệ chuyển đổi được tính bằng cách lấy mệnh giá trái phiếu chia cho giá chuyển đổi tại thời điểm thực hiện. Giá chuyển đổi sẽ tính đến các yếu tố tỷ giá VND/USD, tiền thu được từ phát hành cổ phiếu và chi trả cổ tức tính từ thời điểm phát hành trái phiếu đến thời điểm chuyển đổi.
Kỳ thanh toán lãi mỗi 6 tháng và khoản gốc sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn hoặc mua lại trước hạn. Để thanh toán gốc và lãi trái phiếu, công ty dự kiến sử dụng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh 3F (Feed - Farm - Food) trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2028, trong trường hợp không đủ chi trả, công ty có thể xem xét sử dụng các nguồn vốn khác.
Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu, công ty dự kiến dùng 280 tỷ đồng để góp vốn tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh.
Công ty cũng dự kiến trong thời gian này, dùng 110 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2.
Đồng thời, dùng 70 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh từ 40 tỷ đồng lên 110 tỷ đồng; 70 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh từ 20 lên 90 tỷ đồng; 70 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh từ 20 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng.
Trước đó, BAF lên kế hoạch sử dụng 600 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành trái phiếu này cho 8 công ty và phân bổ số lượng như sau: dự kiến dùng 230 tỷ đồng để góp vốn tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh trong quý IV/2022 và quý I năm sau.
Công ty cũng dự kiến trong thời gian này, dùng 100 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2.
Đồng thời, dùng 40 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng; 65 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh từ 20 lên 85 tỷ đồng; 65 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh từ 20 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng.
Cùng với đó, công ty dùng 40 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 1 từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng; 30 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo Ngọc từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng và 30 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Anh Vũ Phú Yên từ 50 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.
BAF chào bán 300 tỷ đồng trái phiếu "3 không", lãi suất 10,5%
Hồi tháng 8, BAF báo cáo về kết quả đợt chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 sau gần 1 tháng mở bán. Theo đó, loại trái phiếu mà BAF chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng số lượng trái phiếu được chào bán là 6 triệu trái phiếu trong đó, đợt chào bán thứ nhất chiếm một nửa.
Tổng giá trị trái phiếu công ty phát hành trong đợt 1 là 300 tỷ đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất 10,5%/năm. Bên cạnh đó, kỳ hạn trả lãi được công ty đưa ra là 6 tháng/lần.
Sau khi hoàn thành bán trái phiếu đợt 1, tổng nợ của công ty đã nâng lên mức 3.505 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ mức 2,03 trước khi chào bán trái phiếu lên 2,21 sau ngày 23/8.
Tình hình kinh doanh của BAF
Trong quý II/2022, Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.625,24 tỷ đồng, giảm 41,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 40,42 tỷ đồng, giảm 62,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 5,1% về còn 4,1%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 53,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 76,4 tỷ đồng về 65,97 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 313,9%, tương ứng tăng thêm 26,62 tỷ đồng lên 35,1 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 8,25 tỷ đồng lên 8,42 tỷ đồng (cùng kỳ 0,17 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm sau xét soát, doanh thu thuần của BAF đạt gần 2.970 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái đạt 5.251 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập của doanh nghiệp đạt 128.1 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận hơn 200 tỷ đồng.
Giải trình kết quả kinh doanh trong quý, công ty lý giải nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm lợi nhuận là do ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh và ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào từ diễn biến cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Ngoài ra, công ty cũng cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào cao nên mặc dù sản lượng, doanh thu mảng chăn nuôi tăng cao nhưng lợi nhuận so với cùng kỳ giảm.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 31,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong 6 tháng đầu năm, Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính dương 62,7 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 243,6 tỷ đồng, giảm 180,9 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 303,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 256,5 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Nông nghiệp BaF Việt Nam giảm 11% so với đầu năm, tương ứng giảm 601,1 tỷ đồng về 4.856,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.582,3 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.448,9 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 732,6 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng tài sản và các tài sản khác.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt 4.889 tỷ đồng, giảm 46% và 286 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ mảng chăn nuôi tăng 95% so với cùng kỳ, đạt 955 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, BAF có tổng tài sản đạt 5.119 tỷ đồng. Chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với 1.505 tỷ đồng. Tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn ở mức 430 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đạt 1.741 tỷ đồng và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,56 lần. Dư nợ vay tài chính ở mức 904 tỷ đồng, với 249 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn.