“Nốt trầm” của tỷ phú Quyết; Tập đoàn đại gia Bùi Thành Nhơn “hụt tiền”

Cổ phiếu FLC vẫn “khuấy động” thị trường sáng nay với thanh khoản “khủng” nhưng giảm sàn. Trong khi đó, NVL - tập đoàn của đại gia Bùi Thành Nhơn gây thất vọng do kết quả kinh doanh lao dốc trong quý III.

Băng băng leo dốc trong những phút đầu tiên, chỉ số VN-Index có lúc đã làm nhà đầu tư “thót tim” khi quay đầu giảm điểm và có thời điểm đã xuống dưới đường tham chiếu. Tuy nhiên, tạm kết phiên sáng ngày 31/10, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đạt được mức tăng 0,88 điểm tương ứng 0,09% lên 1001,77 điểm.

Áp lực tâm lý cũng khiến chỉ số HNX-Index bị đánh mất 0,24 điểm tương ứng 0,23% còn 105,65 điểm và UPCoM-Index mất 0,16 điểm tương ứng 0,29% còn 56,09 điểm.

Tuy vậy, điểm tích cực là thanh khoản cải thiện rõ nét trên sàn HSX. Khối lượng giao dịch tại sàn này sáng nay được đẩy lên 129,51 triệu cổ phiếu tương ứng 2.072,1 tỷ đồng. HNX cũng có 13,16 triệu cổ phiếu tương ứng 120,25 tỷ đồng. Các con số này trên UPCoM lần lượt là 5,27 triệu cổ phiếu và 92,25 tỷ đồng.

Toàn thị trường vẫn có 968 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch nào. Trong khi đó, độ rộng thị trường lại nghiêng mạnh về phía các mã giảm với 309 mã giảm giá, 38 mã giảm sàn so với 203 mã tăng và 24 mã tăng trần.

Cổ phiếu NVL của tập đoàn Novaland trong sáng nay giảm nhẹ 0,17% còn 59.200 đồng và theo đó, giảm 6,19% trong vòng 1 tháng giao dịch.

Cổ phiếu của Novaland đang có phản ứng tiêu cực với thông tin kết quả kinh doanh quý III vừa công bố. Theo đó, quý vừa rồi, doanh nghiệp của đại gia Bùi Thành Nhơn gây thất vọng khi sụt giảm tới hơn 38% doanh thu thuần so với cùng kỳ xuống còn 1.506,14 tỷ đồng.

Lãi trước thuế quý III cũng giảm gần 31% và lãi sau thuế giảm 57% xuống còn 556,92 tỷ đồng và 286,55 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần Novaland vẫn tăng gần 42% lên 9.550,74 tỷ đồng song lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt giảm gần 5% và 24% xuống 1.880,54 tỷ đồng và 1.074 tỷ đồng.

Trở lại với thị trường chứng khoán, bên cạnh áp lực về số lượng mã giảm, VN-Index còn gặp bất lợi khi VNM sụt giá khá mạnh đã khiến chỉ số mất 0,87 điểm. HPG, GAS, FLC cũng giảm giá, trong đó FLC giảm sàn.

Tại FLC, mã này chịu áp lực chốt lời và giảm sàn xuống 4.750 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 20,29 trệu đơn vị nhưng vẫn còn dư bán sàn 8,4 triệu cổ phiếu, hoàn toàn trắng bên mua. Về phía tăng, VN-Index nhận được hỗ trợ từ VHM, VIC, VCB, MSN, BVH, HDB.

Trong khi đó, trên HNX, nếu SHB hỗ trợ HNX-Index 0,11 điểm thì ngược lại, ACB lại lấy đi của chỉ số này 0,16 điểm. Sự phân hoá của các mã lớn đang khiến diễn biến của các chỉ số chính trở nên gay cấn hơn.

Được biết, trên UPCoM sáng nay xuất hiện lỗi hiển thị sai giá tham chiếu (lấy giá đóng cửa thay vì giá bình quân gia quyền các giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục của ngày giao dịch 30/10 làm giá tham chiếu), dẫn đến hiển thị sai giá trần và giá sàn. Tuy nhiên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã phát hiện lỗi và khắc phục sự cố nói trên.

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán, Công ty chứng khoán Yuanta Vietnam cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng giá 990 – 1.000 điểm của chỉ số VN-Index trong vài phiên tới.

Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và mức độ có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong phiên tới.

Điểm tích cực là dòng tiền đầu cơ quay trở lại cho nên mức độ thanh khoản có thể sẽ tiếp tục được cải thiện trong vài phiên tới. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ cho thấy cơ hội giải ngân mới gia tăng.

Còn theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chỉ số có thể vẫn sẽ giằng co xung quanh ngưỡng này trước khi có sự bứt phá đáng kể hơn. Sự lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn sẽ là yếu tố quyết định thắng/thua chứ không phải chuyện VN-Index nằm trên hay dưới ngưỡng 1.000 điểm.

Theo Mai Chi/ Dân trí

Tin liên quan