Nữ doanh nhân bỏ phố về quê, đưa củ nghệ mộc mạc xuất khẩu sang 11 nước châu Âu
DNVN - Sáng ra đồng, chiều về xưởng, tối tư vấn online, cuối tuần xuống thành phố biển hít hà mùi mặn, cuối tháng bay đi Sài Gòn, đó là nhịp sống của Lê Thị Thư, cô gái được truyền cảm hứng từ hai cuốn sách của “Tony buổi sáng”.
Sáng ra đồng, chiều về xưởng, tối tư vấn online, cuối tuần xuống thành phố biển hít hà mùi mặn, cuối tháng bay đi Sài Gòn, đó là nhịp sống của Lê Thị Thư, cô gái được truyền cảm hứng từ hai cuốn sách của “Tony buổi sáng”.
Lê Thị Thư - CEO Epis đã bỏ phố về quê, khởi nghiệp từ sản xuất các sản phẩm chế biến từ củ nghệ.
Bỏ phố về quê, Thư đã mở xưởng sản xuất thành công các sản phẩm làm đẹp mang thương hiệu Epis - lấy cảm hứng từ tên xã Eapil, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk - quê hương của Thư. Thư đã có buổi trò chuyện với Doanh Nghiệp Việt Nam sau chuyến cứu trợ miền Trung với các anh chị em trong câu lạc bộ Sản xuất Tony Buổi sáng.
Chào chị, trước khi có buổi trò chuyện này, tôi đã làm một vòng dạo qua website bán hàng của bên Thư, và quả thật vô cùng ấn tượng về những gì Thư đã và đang làm. Tại sao Thư lại chọn khởi nghiệp từ củ nghệ?
Chị Lê Thị Thư: Cảm ơn sự khích lệ của chị, Epis vẫn còn một chặng đường rất rất dài phía trước, nhưng Thư tin rằng mình đang đi đúng hướng. Thật ra, khi bắt đầu khởi nghiệp, Thư cũng hay được hỏi, sao lại chọn nghệ. Tất nhiên, với những ai lớn lên từ nông thôn, hửi mùi đất, mùi khói từ ruộng vườn mà trưởng thành cũng biết một điều, làm nông dân vô cùng vất vả, Thư từng chứng kiến cảnh cha mẹ và bà con quê mình quần quật một năm mùa vụ, nhưng kết quả là gì, nông sản rớt giá, chưa kể, còn không được thương lái thu mua.
Củ nghệ ở quê Thư là giống nghệ nếp đã được người dân trồng từ hơn 100 năm trước. Bà con trồng nghệ xen canh trong vườn nhãn, cà phê, sầu riêng... Giống nghệ bản địa này cho ra tinh bột màu vàng chanh đẹp mắt, mùi thơm nhẹ và có dược tính cao hơn hẳn các giống nghệ cao sản lai tạo giống bên ngoài.
Chính vì vậy dù năng suất nghệ nếp không cao, thời gian trồng cho thu hoạch lâu hơn nhưng bà con vẫn duy trì để bảo vệ nguồn giống quý”. Sản phẩm quý là thế, tốt là thế, nhưng lại bị “lãng phí”. Trước tình hình trồng, bán nông sản rủi ro quá nhiều như vậy, Thư quyết định phải làm gì đó với nghệ.
Ban đầu chỉ là thu mua nghệ về chế biến làm tinh bột nghệ, nhưng trước những tính năng diệu kỳ của nghệ đến sức khỏe, sắc đẹp đã thôi thúc Thư tìm tòi nghiên cứu để Epis ra đời với những sản phẩm: son nghệ, mặt nạ nghệ mật ong, xà bông tinh nghệ, xà bông nghệ mật ong… Tất nhiên, khởi nghiệp không phải là một cuộc chơi dễ dàng, từ một cô gái làm văn phòng bước sang sản xuất không phải là việc đơn giản. Thư phải tự mình nghiên cứu, đi học nghề và chỉnh đi chỉnh lại quy trình để cuối cùng cho ra được sản phẩm hoàn hảo…
Sau một năm làm bà chủ, kiêm bán hàng, kiêm chốt đơn online, kiêm tư vấn cho khách hàng, kiêm đủ thứ việc vậy, Thư có thấy quyết định “bỏ phố về quê” của mình đúng đắn không?
Vất vả lắm chứ, nhưng Thư thấy mình đã trưởng thành và được nhiều hơn, và sự chọn lựa này đáng giá. Thời gian đầu khi thành công “thoát ly” khỏi làng quê suốt ngày phải bám mặt cho đất, bám lưng cho trời như ba mẹ mình, có được công việc “ngồi mát”, Thư lại bắt đầu hoang mang cho sự chọn lựa của mình. Thế rồi trong những ngày tháng bám trụ thành phố, Thư tình cờ đọc được những bài viết được hàng triệu bạn trẻ Việt Nam tâm đắc chia sẻ. Vào một tối mưa phùn trong căn phòng trọ cũ, Thư đọc được bài “Một lá thư từ Phan Thiết” và “Lẽ nào khổ miết” của dượng Tony (Tony Buổi Sáng).
Nỗi khao khát và quyết tâm về quê sống một đời ý nghĩa cứ hừng hực hơn bao giờ hết. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Thư quyết tâm trở về. Và hành trình trở về cứ như thế, mang những thứ đã được học, được làm, và quê “học” lại từ đầu, học cách làm nông dân “chuẩn”, học cách chế biến, sản xuất, vận hành cả một chuỗi quy trình… Cứ mỗi bài học, một hành trình lại cho Thư trưởng thành hơn. Làm nhiều, biết nhiều, đi nhiều học được nhiều, và Thư thấy bản thân cực kỳ may mắn, khi được gặp được rất nhiều người “thầy”, người “anh”, “chị” trong quá trình khởi nghiệp và lan tỏa các sản phẩm của mình.
Củ nghệ dân dã được dùng làm nguyên liệu chế biến ra nhiều sản phẩm.
Các sản phẩm Epis do Thư sản xuất có mẫu mã rất xinh xắn. Với một cô giám đốc có tuổi đời rất trẻ, Thư có thấy tự hào về những gì mình đã làm được? Sản phẩm Epis từ khi đến tay người tiêu dùng tới nay đã nhận được bao nhiêu điều phàn nàn từ khách hàng, Thư xử lý ra sao?
Rất hạnh phúc là khi các sản phẩm của Thư đến với khách hàng, đa số đều được khen và tin tưởng. Thư cũng vô cùng biết ơn, khi đại đa số các sản xuất từ củ nghệ thành các sản như: Tinh bột nghệ, son dưỡng nghệ, xà bông nghệ, mặt nạ nghệ nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Với những sản phẩm về làm đẹp, tất nhiên, ngoài giá trị chất lượng, thì hình ảnh, bao bì ấn tượng cũng rất quan trọng. Hiểu điều đó, nên trong quá trình vận hành, Thư đã cùng đồng nghiệp quyết định mạnh dạn đầu tư về hình ảnh và mẫu mã sản phẩm để phù hợp với khách hơn. Trong thời gian tới Epis mong muốn có nhiều cải tiến hơn nữa về chất lượng cũng nhưng mẫu mã sản phẩm.
Đối với một sản phẩm khởi nghiệp, mặc dù đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm, thế nhưng trong quá trình sản xuất, cải tiến, và phục vụ nhu cầu của khách hàng không thể trọn vẹn 100%. Những góp ý của khách hàng luôn là động lực để Epis nhìn ra những thiếu sót để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Thư thật biết ơn những khách hàng của mình, những người đã dành sự yêu thương và lựa chọn sử dụng các sản phẩm khởi nghiệp, chính những sự bỏ qua và góp ý cho những sai sót của sản phẩm khởi nghiệp ban đầu, là tiền đề để sản phẩm khởi nghiệp có cơ hội hoàn thiện, phát triển thành những sản phẩm uy tín trên thị trường mai sau.
Thư từng chia sẻ, đời người thì cứ phải bước từng bước tiến lên phía trước, tự mãn là chấm dứt mình ở 1 điểm duy nhất rồi. Thư đã tiếp tục nỗ lực mỗi ngày như thế nào, và sẽ đưa sản phẩm truyền thống của quê mình đi đến những nơi nào trong tương lai?
Trước đây, Thư từng nghĩ, củ nghệ cũng chỉ là củ nghệ trong góc nhà, dùng kho cá, nấu thịt, bôi ngoài da khi bị xây xước mà thôi… nhưng từ khi bắt tay vào sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ, không ngừng lắng nghe phản hồi của khách hàng, không ngừng nghiên cứu và cải tiến sản phẩm của mình, Thư đã biến củ nghệ mộc mạc của quê mình thành những sản phẩm gần gũi và tiện lợi cho khách hàng hơn. Củ nghệ ngày xưa Thư nghĩ sẽ nằm trong góc nhà, nay đến tay khách hàng trên mọi miền tổ quốc. Và hơn cả sự mong đợi, đơn hàng xuất khẩu tinh bột nghệ chính ngạch đầu tiên sang 11 nước Châu Âu diễn ra thành công và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các khách hàng hàng quốc tế.
Điều khiến Thư hạnh phúc nhất từ sau khi trưởng thành và lớn mạnh từ sau cuộc thi Dự án khởi nghiệp là gì? Với những bạn trẻ cũng chập chững muốn khởi nghiệp từ những sản phẩm của quê hương mình, Thư có lời khuyên gì không?
Thư được Tham gia nhiều hoạt động và các cuộc thi khởi nghiệp, nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia để sản phẩm của mình hoàn thiện hơn, ngoài ra còn được hỗ trợ trong việc kết nối sản phẩm với người tiêu dùng. Kết nối được với nhiều anh chị em khởi nghiệp trên toàn quốc để mình trưởng thành hơn.
Khởi nghiệp nông nghiệp theo Thư không phải là con đường dễ dàng nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện. Thư luôn tự nhủ với bản than rằng: mình cứ ước mơ lớn, cứ khao khát lớn, dù những bước đi thật ngắn, thật chậm nhưng vững lòng với niềm tin tuyệt đối, mọi ước mơ đều có thể thực hiện được.
Và Thư vẫn tiếp tục với những dự án thiện nguyện, với mong muốn sống một cuộc đời thật ý nghĩa?
Thư sinh ra, lớn lên và chọn quay về gắn bó với huyện MDrak, Đăk Lăk 1 trong 5 huyện nghèo nhất cả nước, còn vô vàn trường hợp khó khăn, trẻ đến trường còn thiếu thốn để tiếp tục sự nghiệp của mình… Trải qua tất cả những khó khăn thiếu thốn, quay về quê hương khởi nghiệp và may mắn “trưởng thành” cùng với các anh chị trong CLB Sản xuất Tony Buổi sáng, những người trẻ cũng luôn học cách cho đi ngay khi mình chưa giàu, nên Thư chắc chắn sẽ tiếp tục nhiều nhiều hơn nữa các dự án thiện nguyện cùng team. Trong đợt lũ càn quét miền Trung khủng khiếp vừa qua, Thư đã học được rất nhiều. Học được cách cho đi và bây giờ vẫn tiếp tục cùng team đóng góp cho những bạn trẻ mồ côi sau lũ. Hàng tháng, Thư và các anh chị đóng góp vào chương trình áo mới đến trường, nước sạch cho em và tặng bàn học mới cho các em bé quê còn chân trần đến lớp, lấy ghế làm bàn, uống nước giếng ừng ực và ăn cơm chan mắn trong căn nhà phụ huynh cùng nhau dựng để các em ở lại trường bám lớp, học con chữ…
Thiên tai không chỉ là khó khăn ngay lúc đó, mà là mất mát của những đứa trẻ không may mất đi bố mẹ vì lũ cuốn đi, là ngôi nhà cần phải dựng lại, là thức ăn, sách vở đến trường... và vô vàn việc phải làm sau lũ. Những gì cần làm, phải làm, Thư và các anh chị trong team CLB Sản xuất Tony Buổi Sáng vẫn, đang và sẽ tiếp tục. Chỉ có cách sống văn minh, cho đi nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn, mới khiến cuộc đời chúng ta có thêm nhiều ý nghĩa.
Xin cảm ơn chị!