Nữ tỷ phú và ước mơ kết nối Việt Nam với thế giới

Trong nhiều năm liền, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo luôn đứng trong top đầu bảng xếp hạng tỷ phú của Việt Nam. Không quá khi nói rằng niềm đam mê đối với hàng không đã tạo nên duyên nghiệp cũng như những thành công của bà.

Thay đổi diện mạo hàng không

Khi Vietjet được thành lập vào năm 2007 và có chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2011, ít ai nghĩ rằng hãng bay này có thể thách thức được vị thế của “người khổng lồ” Vietnam Airlines trong tương lai gần. Nhưng giờ đây khi nhìn lại hành trình phát triển của Vietjet, có thể khẳng định rằng nếu có cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đảm trách những gì tưởng như chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước với rất nhiều ưu ái từ Chính phủ.

Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn hãng CNBC, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay khi con trai đầu của bà mới chỉ vài tháng tuổi, bà đã bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực hàng không chi phí thấp. Sau đó, bà dành 10 năm để nghiên cứu về lĩnh vực hàng không, gặp gỡ CEO của các hãng hàng không chi phí thấp khác nhau như Jetstar, Air Asia, và Southwest Airlines. Thành công hôm nay, chắc chắn đã được vun đắp từ khát vọng bay đã được thắp lửa từ nhiều năm trước.

Nữ tỷ phú và ước mơ kết nối Việt Nam với thế giới - Ảnh 1

Năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu - tư vấn hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) đưa ra dự báo rằng ngành hàng không dân dụng Việt Nam là một trong những thị trường “cần theo dõi” và dự báo ngành này sẽ phát triển và thay đổi nhanh chóng. Khi đó, ông Peter Harbison, Chủ tịch điều hành CAPA cho hay, việc các hãng hàng không lớn sắp cổ phần hóa và chuyển sang vận chuyển theo phương thức chi phí thấp sẽ thúc đẩy giao thông bằng đường không tăng trưởng mạnh trong tương lai. Dự báo của CAPA có thể đã không được chú ý nhiều trong thời điểm mà “anh cả” Vietnam Airlines, vốn đang thống trị ngành hàng không, cũng chỉ có 8 triệu lượt khách, doanh thu 20 ngàn tỷ và lợi nhuận “chỉ” 370 tỷ.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi từ năm 2007, là năm mà doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo và các đồng sự chính thức thành lập Hãng hàng không Vietjet với mục tiêu thực hiện hoạt động khai thác vận chuyển hàng không mô hình hàng không thế hệ mới chi phí thấp cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của hành khách.

Ngày 24/12/2011, Vietjet thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP. HCM đi Hà Nội và ngày 10/2/2013, Vietjet thực hiện chuyến bay quốc tế đầu tiên từ TP. HCM đến Bangkok, Thái Lan. Thông qua chiến lược kinh doanh theo mô hình hãng hàng không chi phí thấp (LCC), Vietjet đã dần trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam. Giờ đây, Vietjet đang vững vàng trên đường bay của mình, ngay cả khi phải trải qua những thách thức lớn từ thị trường mà điển hình là đại dịch Covid 19 trong giai đoạn 2020-2022.

Năm 2023, hãng chuyên chở tới 6,8 triệu lượt khách quốc tế thúc đẩy du lịch với những đường bay mới mang khách mới đến từ Ấn Độ 1,4 tỷ dân; Indonesia 300 triệu dân, Australia, Kazakhstan cửa ngõ Nga và khu vực Trung Á với 200 triệu dân. Vừa qua, đơn vị cũng trung chuyển khách từ Ấn Độ, Kazasktan qua Việt Nam tới Australia, Indonesia... đồng thời, xây dựng Việt Nam là trung tâm đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không. Học viện Hàng không Vietjet đã hợp tác với Airbus và đào tạo 50.000 lượt học viên mỗi năm.

Nữ tỷ phú và ước mơ kết nối Việt Nam với thế giới - Ảnh 2

Năm 2023, kết quả kiểm toán ghi nhận doanh thu vận tải hàng không riêng lẻ đạt 53,7 nghìn tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 58,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 62% và 45% so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, lợi nhuận từ vận tải hàng không trước thuế và hợp nhất đã trở lại tích cực, đạt lần lượt 471 tỷ đồng và 606 tỷ đồng. Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, tăng so với kết quả báo cáo tự lập và tăng hơn 60% so với năm 2022, đóng góp 39% tổng doanh thu vận chuyển hàng không. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 86,9 nghìn tỷ đồng.

Cháy mãi khát vọng cống hiến

Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017, trong bài phát biểu với chủ đề “Kết nối toàn cầu”, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định: “Tôi không cho rằng kết nối toàn cầu là tham vọng, mà là ước mơ. Có người từng nói với tôi rằng hãy mơ những giấc mơ to lớn và hành động như thể một thiên thần. Thực sự, chúng tôi đã biến điều không thể thành có thể, biến ước mơ thành hiện thực. Hàng triệu người lần đầu tiên được đi máy bay và thật hạnh phúc khi họ không chỉ là người Việt Nam”. Đến tháng 7/2024, Vietjet đã chào đón hành khách thứ 200 triệu bay trên các chuyến bay của hãng.

Để có thể hoàn thành mục tiêu kết nối toàn cầu, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng cần phải dẫn đầu và tạo ra xu thế với cái nhìn toàn cầu, xây dựng công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hóa để tiếp nhận những gì tiên tiến nhất. Việc đầu tư đội máy bay hơn 200 chiếc sẽ tăng khả năng vận tải hàng không cho Việt Nam, qua đó sẽ tăng thêm sức mạnh cho kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà cũng thừa nhận sự ngưỡng mộ đối với hãng bay Emirates Airlines và đặt mục tiêu đưa Vietjet trở thành “Emirates của châu Á”. “Họ có tầm nhìn toàn cầu. Emirates là hãng hàng không của một nước nhỏ, nhưng muốn thống trị cả thế giới”, bà nói thêm.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, nữ doanh nhân tỷ phú cũng đã nêu những quan điểm rất đáng chú ý về thị trường hàng không, với tư cách là một “người chơi” có trách nhiệm trên thị trường. Theo bà Thảo, ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh đạt 15 - 16% mỗi năm đã kéo theo sự tăng trưởng tốt cho kinh tế Việt Nam. “Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách”, nữ doanh nhân nói và đề xuất Chính phủ cần có chính sách khai thác tốt để khu vực tư nhân phát huy bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay… tận dụng tốt cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất trên toàn xã hội.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet

Mới đây, trong Hội nghị của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, thảo luận về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã tiếp tục kiến nghị thúc đẩy ngành hàng không, đánh thức hàng chục sân bay địa phương, thu hút đầu tư nước ngoài vào đào tạo, công nghệ, sản xuất linh kiện... để phát triển ngành này.

Bà cho hay Vietjet đã thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo Innovation Hub nhằm mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, đưa Phở Thìn và bánh mỳ Việt Nam lên máy bay giới thiệu tới khách hàng quốc tế. Với tinh thần “máy bay Việt Nam bay tới đâu, bầu trời Việt Nam mở ra tới đó”, Vietjet thành lập hãng hàng không Vietjet Thái Lan với 20 tàu bay, thuộc những hãng dẫn đầu tại Thái Lan.

“Doanh nghiệp hãy mơ lớn, biến Việt Nam thành trung tâm động lực phát triển hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta nên khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như: Bangkok, Singapore, Hàn Quốc...”, bà nhấn mạnh.

Bà cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hangar - hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại một trong các sân bay Việt Nam. Hiện, doanh nghiệp trong nước bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện cùng phát triển ngành phụ trợ và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc sản xuất linh kiện tàu bay Boeing, lắp ráp tàu bay Airbus. Tập đoàn Sovico và các doanh nghiệp như Vietjet đang tiếp tục nỗ lực, đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng không, du lịch Việt Nam.

 

Bình Yên

Theo VietnamFinance