'Ông lớn' bán dẫn mở nhà máy tại Bắc Ninh: Kỳ vọng...
Hoan nghênh nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn được xây dựng ở Bắc Ninh, PGS.TS Lê Văn Doanh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự hợp tác này.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa cùng Công ty Amkor Technology, Inc. (Amkor) tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát triển dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C.
Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD với diện tích khoảng 23ha. Trong đó, giai đoạn đầu của dự án đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự kiến khởi công giai đoạn đầu vào quý I/2022, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ niềm vui khi nghe thông tin này. Ông đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào dự án bởi Amkor là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới.
Đây cũng là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực gia công bao bì và thử nghiệm vi mạch, hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho các công ty bán dẫn, xưởng đúc và OEM điện tử hàng đầu thế giới.
Trước Amkor, Công ty Intel Products Việt Nam (IPV, thuộc Tập đoàn Intel, Mỹ) đã đầu tư thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nâng tổng số vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam đến thời điểm hiện tại lên tới 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) đã được chấp nhận chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Samsung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.
Hay hãng SNST & Finger Vina của Hàn Quốc đã đầu tư 1 triệu USD để mở xưởng thiết kế vi mạch điện tử tích hợp tại SHTP. Nhà máy của hãng này đã hoạt động từ quý I/2021.
Với vai trò xương sống của ngành công nghiệp bán dẫn đối với mọi lĩnh vực sản xuất hiện đại, với sự quan tâm và đầu tư của các tập đoàn công nghệ trên thế giới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu được dự đoán sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, PGS.TS Lê Văn Doanh cho rằng đây chính là cơ hội cho Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Riêng với Bắc Ninh, địa phương này đã là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua, là nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp của các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, viễn thông. Bắc Ninh lại gần sân bay Nội Bài, giao thông thuận tiện, xuất, nhập khẩu nhanh chóng.
"Yếu tố thu hút các nhà sản xuất vật liệu bán dẫn trên thế giới đến Việt Nam vẫn là giá lao động rẻ, ưu đãi về thuế và đất đai, môi trường chính trị -xã hội ổn định. Sản phẩm sản xuất ra có thể là đầu vào cho một số ngành khác ở Việt Nam", PGS.TS Lê Văn Doanh nói.
Bởi công nghiệp bán dẫn là công nghệ cao và rất phức tạp, Việt Nam hầu như khởi đầu từ con số 0 nên vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam đương nhiên phải dựa vào công nghệ nước ngoài. Việt Nam đã có cả một chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó từng bộ, ngành như Bộ KHCN, Bộ GD-ĐT, rồi các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM... cũng đều có chính sách, chương trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao này.
Một thực tế cần nhìn nhận là nhiều năm qua, công nghiệp chế biến-chế tạo, mà nổi bật nhất là công nghiệp điện tử, vẫn là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Vậy nhưng, dù nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam song công nghiệp chế biến-chế tạo của Việt Nam vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, đặc biệt phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất.
Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của công nghiệp điện tử, vậy nên để phát triển được công nghiệp bán dẫn, Việt Nam còn phải đi cả một chặng đường dài.
"Nhà đầu tư ngoại có bí quyết công nghệ và họ không sẵn sàng chuyển giao cho quốc gia khác. Tuy nhiên, đối với một sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghệ cao, các tập đoàn cũng không thể nắm 100% tất cả các khâu, từng khâu có nhiệm vụ riêng, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia có thể phụ trách một công đoạn, Việt Nam sẽ học tập dần để trưởng thành lên và phía đối tác sẽ phải có sự chuyển giao từng phần", ông nhận xét và cho rằng cũng chính bởi một sản phẩm tích hợp nhiều linh kiện, thiết bị của nhiều nhà sản xuất thuộc nhiều quốc gia khác nhau nên Việt Nam có thể tự tin dù là người đi sau nhưng sau này sản phẩm bán dẫn làm ra vẫn có cơ hội tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Quan trọng là chúng ta không ngừng học hỏi, vừa học vừa làm. Người đi sau có lợi thế của người đi sau, có thể tận dụng các công nghệ mới nhất để nhanh chóng làm ra được sản phẩm tốt, có giá thành rẻ.
Hiện nay một số nước, vùng lãnh thổ đã tận dụng rất tốt ưu thế của mình để phát triển công nghiệp bán dẫn. Điển hình là Đài Loan (Trung Quốc), hòn đảo này được nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới tin tưởng, trở thành cơ sở sản xuất chip của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... và nhờ đó Đài Loan phát triển mạnh mẽ", PGS.TS Lê Văn Doanh cho biết.