Ông lớn ngân hàng rót nghìn tỷ, tham vọng chia lại thị phần bảo hiểm

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều biến động, ngành bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng doanh thu phí trong 2 quý liên tiếp. Cùng với việc các ông lớn ngân hàng tham gia miếng bánh, chuyên gia cho rằng thị trường sẽ mở rộng rất nhanh

Tăng trưởng 2 quý liên tiếp

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, 4 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 74.889 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, duy trì tăng trưởng tốt vẫn là mảng bảo hiểm phi nhân thọ, ước tăng 11%.

Tổng tài sản toàn ngành ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,79% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng vốn chủ sở hữu 211.928 tỷ đồng, tăng 4,14%, tổng dự phòng nghiệp vụ 695.202 tỷ đồng, tăng 13,82%.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi ước đạt 24.758 tỷ đồng, tăng 9,34%.

Doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng nhẹ 2 quý liên tiếp
Doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng nhẹ 2 quý liên tiếp

Tình hình cũng được cải thiện khi trong quý I/2025 tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 56.575 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 34.561 tỷ đồng, tăng 3%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.014 tỷ đồng, tăng 10,6%. Tính đến hết quý I chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.581 tỷ đồng, giảm 8,9%. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 868.829 tỷ đồng, tăng 11,1%.

Trước đó, quý IV/2024 đã ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm ước tăng nhẹ 0,2%.

Theo các chuyên gia, việc tăng trưởng doanh thu phí trong hai quý liên tiếp là một tín hiệu tích cực, trong bối cảnh cả năm 2024 chỉ số này vẫn sụt giảm nhẹ 0,26% và tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.

Loạt ngân hàng “rót” vốn, chiếm thị phần

Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, “ông lớn” VPBank cũng đã trình cổ đông thông qua phương án đầu tư góp vốn, thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tham gia của VPBank và các bên liên quan tối đa 100%.

Lãnh đạo VPBank cho biết, việc có thêm công ty bảo hiểm nhân thọ là bước tiến mới để VPBank trở thành một tập đoàn tài chính.

Đại diện VPBank cho rằng, nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm đơn thuần với các đối tác khác, ngân hàng sẽ bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh cũng như việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Chính vì thế, VPBank xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác.

“Hiện trong hệ sinh thái của chúng tôi đã có công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES). Chúng tôi muốn hoàn thiện thêm hai mảnh ghép là bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ vào bức tranh chung của tập đoàn”, vị lãnh đạo VPBank nói thêm.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 86 doanh nghiệp, bao gồm 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trước VPBank, một “ông lớn” ngân hàng khác là Techcombank đã chi ngàn tỷ, lấn sân sang “miếng bánh” bảo hiểm.

Cụ thể, ngày 20/3, Hội đồng Quản trị Techcombank thông qua nghị quyết góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife) với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Sau khi thành lập, TCLife sẽ có hai cổ đông lớn gồm Techcombank nắm 80% vốn (tương đương 1.040 tỷ đồng) và Vingroup.

Đáng chú ý, trong số các cổ đông này có sự xuất hiện của Vingroup, tập đoàn đa ngành với hệ sinh thái trải rộng trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghệ, du lịch, y tế, giáo dục, ô tô…

Techcombank dự báo từ năm thứ ba sau khi thành lập TCLife sẽ thu hồi vốn và ghi nhận lợi nhuận ròng 605 tỷ đồng. Sau 5 năm, con số này có thể đạt gần 1.200 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận 23,4%.

Trong quý I/2025, hoạt động bancassurance của nhà băng này đang ghi nhận sự tăng trưởng trở lại, với doanh thu từ phí bảo hiểm tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt bứt tốc mạnh, tăng trưởng tới 1.718% so với quý IV/2024.

Techcombank tự tin tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ nhờ sức mạnh của hệ sinh thái ngân hàng và đối tác
Techcombank tự tin tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ nhờ sức mạnh của hệ sinh thái ngân hàng và đối tác

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TP. HCM đánh giá, trong khoảng 30 năm phát triển của thị trường này, đặc biệt trong mảng bảo hiểm nhân thọ phần lớn là các DN bảo hiểm đa quốc gia, nhưng hiện giờ các định chế tài chính trong nước, ngân hàng cũng đã tham gia bởi mảng này tương đối “màu mỡ” và tiềm năng trong tương lai.

Thứ nhất, nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân nhằm bảo vệ tài chính là có, nhận thức về vai trò của bảo hiểm được nâng cao.

Tiếp theo, thị trường sẽ mở rộng rất nhanh trong thời gian tới kể cả bảo hiểm nhân thọ cũng như phi nhân thọ cùng với tốc độ tăng trưởng của kinh tế.

“Đất nước ta sẽ đến một giai đoạn tăng trưởng giống như các nước phát triển khác trên thế giới, và nhu cầu về bảo hiểm sẽ rất lớn”, ông Huân khẳng định.

Ông Huân cũng nhận định, các công ty bảo hiểm của ngân hàng có thể thấy được chiến lược của họ sẽ tận dụng nguồn khách hàng dồi dào của hệ sinh thái nhà băng và đối tác để mở rộng thị trường, chiếm lĩnh miếng bánh bảo hiểm, đẩy doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn. Đó là lợi thế của người đi sau.

Tuy nhiên, ông Huân cũng quan ngại, yếu tố cốt lõi để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững nằm ở chất lượng tư vấn nhưng hiện việc này cũng chưa được cải thiện nhiều, kể cả khi có việc xuất hiện của các “ông lớn” tài chính tại Việt Nam như Techcombank, VPBank.

“Đặc thù của ngành bảo hiểm nhân thọ, các DN bảo hiểm đa quốc gia, khi mới vào thị trường Việt Nam họ phải mất trung bình trên dưới 10 năm mới có thể có lãi do thị trường sơ khai, phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực để “khai mở””, ông Huân nói thêm.

Xuân Thạch

Theo Vietnamfinance