Ông Mai Huy Tân: 'Tôi muốn lấy lại tiền của Công ty Thành Đô để trả nợ cho SHB'

Ông Mai Huy Tân, chủ tịch Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức; nhà đầu tư đang kẹt 700 tỷ trong dự án Cocobay Đà Nẵng của Công ty Thành Đô cho hay ông "đã 74 tuổi và đang ốm đau không biết ra đi lúc nào, muốn lấy lại tiền để trả nợ cho Ngân hàng SHB".

Ông Mai Huy Tân, chủ tịch Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức; nhà đầu tư đang kẹt 700 tỷ trong dự án Cocobay Đà Nẵng của Công ty Thành Đô.
Ông Mai Huy Tân, chủ tịch Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức; nhà đầu tư đang kẹt 700 tỷ trong dự án Cocobay Đà Nẵng của Công ty Thành Đô.

Như VietnamFinance trước đó đã thông tin, ông Mai Huy Tân, nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt, chủ tịch Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức đã quyết định đưa đơn ra tòa để nhờ pháp luật vào cuộc để xử lý vụ việc.

Ông Mai Huy Tân cho rằng, Công ty Thành Đô không có thành ý hòa giải liên quan đến các khoản đầu tư của ông ở dự án Cocobay Đà Nẵng. Do đó, tòa án cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư thứ cấp. Để tìm hiểu rõ câu chuyện này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Mai Huy Tân.

Dự án Cocobay Đà Nẵng.
Dự án Cocobay Đà Nẵng.

- Quá trình đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng của ông được diễn ra như thế nào?

Ông Mai Huy Tân: Sau một thời gian về nước, vào năm 2000, tôi bắt đầu lập ra Công ty TNHH Đức Việt và thử nghiệm sản xuất xúc xích Thueringen của Đức. 

Sự thành công ban đầu đã dẫn tới sự ra đời của Công ty liên doanh Đức Việt với một nhà máy chế biến xúc xích ở tỉnh Hưng Yên. Năm 2008, Đức Việt được chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch. Đức Việt liên tục phát triển và đã trở thành một trong 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2010. 

Đến tháng 8/2016, Tập đoàn Daesang của Hàn Quốc, chủ sở hữu thương hiệu Miwon đã chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng) mua lại Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt. Đến năm 2017, Daesang đã hoàn tất thương vụ  mua lại 100% cổ phần.

Khi đã bán lại công ty, tôi suy nghĩ, mình sẽ sử dụng những đồng tiền lao động sau một cuộc đời cần mẫn như thế nào cho có hiệu quả. Và lúc này, tôi đặt ra 5 tiêu chí để sử dụng hiệu quả thành quả làm việc của mình sau ngần ấy năm. 

Thứ nhất là giữ được giá trị của nguồn vốn; thứ hai là có được nguồn lợi nhuận hằng năm tốt hơn lãi suất mà ngân hàng mang lại; thứ ba là không quá vất vả như khi tôi khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 50; thứ tư là con cháu có thể nối nghiệp và cuối cùng là giá trị đầu tư phải được gia tăng trong tương lai. Từ 5 tiêu chí này, bất động sản du lịch đã trở thành điểm đến đầu tư của tôi sau thành công trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn.

Sau khi tìm hiểu rất kỹ và đối chiếu với những tiêu chuẩn đưa ra, tôi đã chọn tổ hợp giải trí Cocobay, với kỳ vọng lợi nhuận đến từ Cocobay mang lại cho tôi sẽ là một con số rất lớn. Bên cạnh đó, sự quảng bá của dự án tốt cũng khiến tôi xiêu lòng.

- Điều gì đã khiến ông đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng?

Năm 2017 sau khi biết tôi bán xúc xích Đức Việt được hơn 700 tỷ, chính ông Đỗ Quang Hiển và ông Nguyễn Đức Thành từng đến tận nhà tôi mời tôi đầu tư vào Cocobay. 

Ông Hiển có nói: "Anh yên tâm, cái này tôi đã bảo lãnh cho Thành Đô rồi, anh mua là em giữ tài sản hộ anh". Còn ông Thành thì khăng khăng: "Đầu tư cái này là đảm bảo quá đi, anh sợ gì rủi ro".

Đổi lại, tôi sẽ được hưởng thu nhập cam kết với mức 12,5% ở 24 tòa khách sạn Boutique cao 7 tầng; 8 biệt thự 5 sao ở khu Nam An với mức cam kết là 10% và 10 căn hộ condotel là 12%.

Chính vì vậy, tôi quyết định mua Cocobay vì ông tin vào hai người bạn ông Thành và ông Hiển. Bên cạnh đó, thời điểm đó, SHB là đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư Cocobay, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nguồn vốn cá nhân có thể giữ được giá trị, đồng thời thu được nguồn lợi nhuận hàng năm tốt hơn lãi suất mà ngân hàng mang lại, nên đã quyết định xuống tiền hơn 600 tỷ đồng đầu tư. Trong đó, 400 tỷ đồng là vay ngân hàng SHB. Lãi suất vay ngân hàng lần lượt là hơn 8% (trong 18 tháng), giai đoạn sau là 10,4%/năm.

- Việc chi trả tiền lãi của Công ty Thành Đô đối với các đối tác đến nay diễn ra như thế nào thưa ông?

Cho đến nay, Công ty Thành Đô mới chi trả thu nhập cam kết cho Nhịp cầu Việt Đức tổng cộng 149,9 tỷ đồng, gồm tiền hai năm 2017 và 2018, mỗi năm là 67,7 tỷ đồng. Kỳ I của năm 2019, Thành Đô trả 14,5 tỷ đồng. 

Đến cuối năm 2019, tôi nhận được thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng sẽ không tiếp tục trả thu nhập cam kết cho khách hàng từ ngày 1/1/2020. Từ đó, tôi bắt đầu thấy lo lắng và về những năm sau không còn nhận được tiền lãi nào từ phía Thành Đô.

Tính đến hết năm 2021, Công ty Thành Đô nợ Công ty Nhịp Cầu Việt Đức với số tiền hơn 700 tỷ đồng và hơn 234 tỷ đồng của nhóm 15 chủ sở hữu ủy quyền cho Công ty Việt Đức. Số nợ này đã được lập biên bản xác nhận công nợ vào ngày 22/1/2022 do ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô ký tên đóng dấu.

Qua đó, Công ty Thành Đô cam kết trả tiền theo 3 đợt vào tháng 2/2022, đợt 2 vào tháng 3/2022 và đợt 3 vào trước ngày 30/4/2022. Sau khi thương lượng với nhau, tôi chấp nhận phương án này để thoát nợ. Nay tôi đã 74 tuổi và đang ốm đau không biết ra đi lúc nào, muốn lấy lại tiền để trả nợ cho Ngân hàng SHB. Thế nhưng, từ ngày 22/1 đến nay, phía ông Thành không có động thái trả tiền nên chúng tôi đành phải gửi đơn ra tòa để kiện.

- Trong thời gian tới Thành Đô vẫn không trả tiền, ông và công ty sẽ ra sao?

Qua quan sát, tôi nghĩ công ty Thành Đô hoàn toàn có thể chi trả theo đúng cam kết nhưng doanh nghiệp cố tình không thực hiện. Bởi khu Nam An và khu Boutique với mức chi phí 1.000 USD/ngày luôn kín khách, và vận hành tốt.

Thành Đô đang cố tình lấy lý do khối Condotel gặp khó khăn để "ăn cướp" mức cam kết ở hai khu còn lại. Thật không hợp lý khi họ cắt cam kết của các khu này mà vẫn giữ tài sản của chúng tôi để khai thác. Việc Thành Đô đã ăn chặn toàn bộ thu nhập đã cam kết và không trả cho tôi là thái độ phi đạo đức của doanh nhân”.

Nếu không có phương án tốt hơn, tôi và công ty Nhịp cầu Việt Đức không còn khả năng thanh toán khoản tiền vay ngân hàng SHB. Công ty sẽ có nguy cơ phá sản.

Công ty đang triển khai rất nhiều dự án lớn về xử lý rác thải ở Đà Nẵng và nhiều thành phố khác. Nếu mất khả năng thanh toán, chúng tôi có thể phải phá sản và các dự án trên buộc phải dừng lại. 

Với lần kiện này, tôi hy vọng pháp luật có thể vào cuộc bảo vệ cho nhà đầu tư của dự án Cocobay Đà Nẵng. Đồng thời, Nhịp cầu Việt Đức cũng nhận lại được tiền từ Thành Đô để thực hiện các dự án đang dở dang ở Đà Nẵng.

Xin cảm ơn!

Nhuệ Lộc

Theo VietnamFinance