Ông Trần Phương Bình: Đại gia kim tiền lừng lẫy, 1 đời gắn với DongA Bank
Ông Trần Phương Bình cùng với vợ từng được mệnh danh là cặp vợ chồng đại gia kim tiền bậc nhất Việt Nam. Ông Bình có hơn 20 năm gắn bó với DongA Bank. Nhà băng này dưới thời ông Bình có những năm tháng thăng hoa.
Thầy giáo rồi “bẻ lái” thành lãnh đạo ngân hàng
Ông Trần Phương Bình (SN 1958) từng là nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng. Trước khi trở thành người gây dựng, dẫn dắt Ngân hàng TMCP Đông Á - DongA Bank (DAF), ông Bình từng có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy kinh tế.
Ông được đào tạo về kinh tế thương mại và từng có 8 năm liền sau khi tốt nghiệp đứng trên bục giảng của các trường đại học khác nhau.
Ngỡ rằng “nghiệp làm thầy” sẽ gắn bó nhưng đến năm 1990, ông Bình lại quyết định “bẻ lái” trở thành lãnh đạo ngân hàng.
Có lần ông Bình từng tâm sự rằng, vì từng là giáo viên, cứ bước lên bục giảng là đã có được những sự tôn trọng nhất định nhưng khi bước sang con đường kinh doanh thì mọi chuyện lại không hề đơn giản như thế. Việc được người ta nể trọng hay coi thường hầu như đều phụ thuộc phần lớn vào quá trình cũng như kết quả những việc mà bản thân mình đã làm được.
Ông Bình đã bước từ bục giảng sang thương trường, trở thành một lãnh đạo ngân hàng từ khi DongA Bank còn sơ khai.
DongA Bank được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1992, với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Ông Bình là người gắn bó với DongA Bank từ khi mới thành lập và đã từng đưa ngân hàng này trở thành nhà băng bán lẻ và có tiếng tăm về mặt công nghệ.
Ông Bình khai trước tòa rằng ngày 1/7/1992, ông chính thức về DongA Bank làm việc nhưng trước đó ông cũng có tham gia viết đề án thành lập nhà băng này.
Trên thực tế, ông Bình không nắm vị trí Chủ tịch HĐQT DongA Bank nhưng trong một thời gian dài, ông được xem là người trực tiếp lèo lái ngân hàng này. Ông Bình được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị DongA Bank từ năm 2013 đến tháng 8/2015.
Nhà băng này dưới thời ông Bình có những năm tháng thăng hoa, trở thành nhà băng bán lẻ và có tiếng về mặt công nghệ, là một hiện tượng trên thị trường tài chính ngân hàng trong nước.
Dưới sự điều hành và dẫn dắt của ông Bình, DongA Bank từ một ngân hàng nhỏ bé chỉ với 20 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 1992 đã trở thành ngân hàng vốn 5.000 tỷ đồng vào năm 2014.
Những năm 1999-2002, DongABank đẩy mạnh nhận vốn ủy thác quốc tế và tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giai đoạn 2003-2007, DongABank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam, với gần 8,4 triệu khách hàng sử dụng. Doanh số thanh toán quốc tế vượt 2 tỷ USD.
Những năm 2008-2012, DongABank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại. DongA Bank từng được xem là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp.
Giai đoạn 2006-2011, DongABank luôn đạt tăng trưởng cao, cổ tức chi trả cho cổ đông thuộc top đầu trên thị trường.
Chỉ tính riêng năm 2011, thu nhập lãi thuần của DongABank đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 80% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của DongABank trong năm này lên tới gần 950 tỷ đồng. Đây là một con số mà nhiều ngân hàng lớn cũng phải mơ ước.
Ông Bình từng phát biểu trên báo chí: “Tôi xem DongA Bank như đứa con của mình nên sẵn sàng dành hết cuộc đời, tâm sức, thậm chí chấp nhận khó khăn, thách thức để làm sao cho đứa con ấy phát triển, khỏe mạnh. Và khi đã yêu thương, tâm huyết thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua”.
Cặp vợ chồng đại gia kim tiền
Một thời, ông Bình cùng với vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là cặp vợ chồng đại gia kim tiền số 1 Việt Nam.
Vợ ông Bình cũng từng là nhân vật có ảnh hưởng của DongA Bank. Tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn.
Từ năm 1992 đến 1997, bà Dung đồng thời làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á và lãnh đạo cao nhất tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Đến năm 1997, bà Dung rút lui khỏi các chức vụ tại Ngân hàng Đông Á, về tập trung quán xuyến công việc tại PNJ.
DongA Bank và PNJ vừa có mối quan hệ sở hữu chéo cổ phiếu vừa có mối quan hệ "gia đình" nên thông tin ông Bình bị bắt ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu PNJ khá nhiều. Tuy vậy, bà Dung đã vững tâm đưa PNJ vượt qua sóng gió và dư luận.
Từ một doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ chỉ 7,4 cây vàng, dưới tài lãnh đạo của bà Dung, PNJ giờ đây đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
30 năm trên cương vị thuyền trưởng của PNJ, bà Dung đã gặt hái được nhiều thành công cùng với sự lớn mạnh của tập đoàn kinh doanh vàng bạc, đá quý này.
Bà Dung luôn có tên trong các danh sách về nữ doanh nhân, phụ nữ lãnh đạo… có tầm ảnh hưởng trong nước cũng như quốc tế. Bà còn khẳng định được tên tuổi trên thương trường Việt với hàng loạt giải thưởng lớn.
Dù rút lui khỏi cương vị điều hành trực tiếp, chỉ giữ ghế chủ tịch HĐQT vào năm 2018 nhưng bà Dung vẫn là linh hồn của PNJ, thậm chí là ngành kim hoàn Việt Nam. Bà được Forbes vinh danh là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.
Bà Dung được vinh danh là 1 trong 40 biểu tượng xuất sắc nhất (Extraordinary 40) ngành kim hoàn thế giới, tại giải JWA 2023. Bà cũng là 1 trong 4 nữ doanh nhân hiếm hoi trên thế giới và là người Việt Nam duy nhất được xướng tên tại giải thưởng danh giá này.
Trong khi đó, DongA Bank không chỉ là tâm huyết của ông Trần Phương Bình mà còn là nơi mà ông và các thành viên trong gia đình có quyền lợi lớn.
Trước khi bị NHNN đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc DongA Bank, ông Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại nhà băng này.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2015 của DongA Bank, ông Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu DAF (tương đương 3%). Ông Cao Sĩ Kiêm nắm giữ 0%. Bà Cao Thị Ngọc Dung nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu (hơn 1,9%); các con gái Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Hà nắm giữ tổng cộng 23,7 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 4,7%). Bên cạnh đó mẹ vợ, anh em vợ của ông Bình cũng nắm giữ tổng cộng hàng triệu cổ phiếu DAF.
Nhóm cổ đông do ông Bình làm đại diện từng nắm giữ 10,25% vốn điều lệ của DongA Bank và nhóm cổ đông là người thân của ông Bình từng nắm giữ 7,7% vốn điều lệ DongA Bank.
Thời điểm đó, nếu tính giá cổ phiếu DongABank trên thị trường, gia đình ông Bình có thể sở hữu khối lượng cổ phiếu DAF trị giá hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, cùng với khối tại sản sở hữu tại PNJ, nhà ông Bình lọt top 20 gia đình giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.