Ông Vũ Thế Bình tiết lộ hai sự thật, hai thách thức lớn đối nhà cung cấp hạ tầng số ở Việt Nam

Tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam” do Báo VietNamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức vào chiều 24/11/2020, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ hai sự thật, là những thách thức lớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở Việt Nam.

 

Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm.  
Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm.  

70% lưu lượng Internet ở Việt Nam là truy cập nội dung và ứng dụng nước ngoài

Sự thật thứ nhất, theo ông Vũ Thế Bình, trong những năm qua dịch vụ Internet ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giá thành rẻ, tốc độ phát triển băng thông Internet ở Việt Nam năm sau tăng trưởng gấp đôi trước. Nhưng có một sự thật là băng thông quốc tế nhiều hơn. 70% lưu lượng Internet thuộc về Top 5 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu như: Google, Facebook, Amazon… Chứng tỏ Internet Việt Nam phát triển rất nhanh nhưng người dùng Việt Nam truy cập chủ yếu vào nội dung và ứng dụng ở nước ngoài. Đây là thách thức lớn cho các nhà phát triển dịch vụ hạ tầng số ở Việt Nam.

Sự thật thứ hai cũng là thách thức với việc phát triển dịch vụ điện toán đám mây ở Việt Nam, đó là trên thực tế có rất ít bài học thành công ở các nhà viễn thông thế giới chuyển dịch sang cung cấp dịch vụ điện toán đám mây công cộng. Kể cả nhà mạng viễn thông lớn nhất Nhật Bản là NTT đã nỗ lực chuyển từ cung cấp hạ tầng viễn thông sang cung cấp dịch vụ đám mây nhưng cũng không mấy thành công.

Đây là hai gợi ý quan trọng để cho thấy bức tranh phát triển các dịch vụ trên hạ tầng số. Hiện nay nhà nước đang tái định nghĩa lại về hạ tầng viễn thông, coi trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là hạ tầng số. Với xu thế phát triển hạ tầng số nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây sẽ tăng rất lớn. Nhưng ở hiện tại, doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh tới 80% thị phần dịch vụ điện toán đám mây ở Việt Nam. Việc các đơn vị chuyển sang dùng dịch vụ đám mây của nước ngoài là do họ có hạ tầng tốt, có hệ sinh thái đầy đủ tạo ra một sự trải nghiệm tốt, các doanh nghiệp nước ngoài cũng luôn đổi mới, luôn có sự sáng tạo.

“Còn việc xây dựng hệ sinh thái ở Việt Nam có rất nhiều thách thức. Có một sự thật là các doanh nghiệp nhỏ để ngồi chung bàn với các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel rất khó. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn có hạ tầng sẵn, có nhân lực, có vốn, nhưng lại thiếu sự sáng tạo đột phá, còn các doanh nhỏ lại có sự sáng tạo hơn”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Việt Nam còn thiếu hệ sinh thái đám mây đủ mạnh

Trước thực trạng thị trường điện toán đám mây là miếng bánh to nhưng thực tế doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ - chỉ 20%, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC cho hay, nhu cầu điện toán đám mây phải xét đối tượng khách hàng, như các SMEs và startup cần công nghệ đáp ứng hầu như đầy đủ những thứ họ cần như một hệ sinh thái. Dịch vụ cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như Amazon. Vì phát triển nhanh, cần nhiều công cụ và môi trường để phát triển phần mềm, nhiều doanh nghiệp thuê ngay dịch vụ đám mây của nước ngoài. Họ chưa phát triển mạnh nên rào cản như đường truyền, chi phí, hỗ trợ kỹ thuật không phải vấn đề lớn nên chấp nhận giai đoạn đầu dùng dịch vụ đám mây nước ngoài.

Thứ hai, với doanh nghiệp lớn, khi khởi nghiệp hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm mua của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài, khách hàng vào chậm, sự cố lệch giờ và chi phí vận hành của nước ngoài cao nên phải tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí mới chuyển dần về Việt Nam. Thực tế không doanh nghiệp nào dùng một dịch vụ đám mây mà dùng nhiều hoặc lai ghép vì các hệ ứng dụng của họ phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Không thể thuyết phục họ nên chuyển lên hết một nền tảng. Đây là một rào cản. Với hạ tầng đám mây của công ty trong nước, khách hàng dè dặt vì ngoài lợi ích giảm chi phí, tốc độ tăng lên thì vấn đề an toàn như thế nào, hỗ trợ ra sao, trách nhiệm đến đâu; khi gặp sự cố lớn có khả năng khôi phục dữ liệu hoặc giảm tỉ lệ gián đoạn dịch vụ hay không…

Ông Hoàng Anh, Giám đốc kinh doanh của CMC Telecom cũng cho rằng, hạ tầng số như cloud ở Việt Nam thua nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là câu chuyện hệ sinh thái. Bản chất của doanh nghiệp khi muốn đưa toàn bộ dịch vụ lên đám mây thì họ mong muốn có đủ thành phần, tính năng cần thiết để vận hành hệ thống. Việt Nam mạnh nhất phần hạ tầng còn tính năng hạn chế, CMC đang cố gắng khắc phục, đẩy mạnh để tạo ra hệ sinh thái đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu của doanh nghiệp khi đưa hệ thống CNTT lên đám mây.

Đỗ Quyên

Theo Doanh nghiệp Việt Nam