Phân nhóm lợi nhuận ngân hàng: Những khoảng cách lớn

Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, lợi nhuận có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng.

Top đầu vượt tỷ USD

Theo công bố, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng đạt được mức lợi nhuận này là Vietcombank và Techcombank.

Vietcombank được xác định là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong năm qua. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021, ước đạt trên 36.700 tỷ đồng. Như vậy, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận 5 năm liên tiếp.

Đang giữ ngôi "á quân" lợi nhuận là Techcombank. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank năm 2022 tăng khoảng 10% so với năm trước lên 25.600 tỷ đồng. Cả năm 2022, thu nhập lãi thuần, chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng của Techcombank tăng gần 14% so với năm trước lên gần 30.300 tỷ đồng.

'Cuộc đua nóng' ở nhóm 20 nghìn tỷ đồng

Năm 2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lãi trước thuế 23.057 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 70,2% so với năm trước. Lãi sau thuế của BIDV trong năm 2022 đạt hơn 18.453 tỷ đồng.

Theo sau là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm. Nhờ tăng trưởng của thu nhập lãi thuần và kinh doanh ngoại hối, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tăng 25,3% so với năm trước trong khi chi phí dự phòng rủi ro gần như không đổi.

Đang đứng thứ 4 về lợi nhuận trước thuế trong hệ thống ngân hàng là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Năm 2022, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhà băng này tăng mạnh, từ mức 14.300 tỷ đồng năm 2021 lên hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021. Thu nhập lãi thuần tăng 19% lên 41.000 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng gần 60% lên khoảng 6.500 tỷ.

Vị trí tiếp theo là VietinBank. Năm 2022, ngân hàng này đã hoàn thành các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt 20.500 tỷ đồng.

Phân nhóm lợi nhuận ngân hàng: Những khoảng cách lớn - Ảnh 1

‘Câu lạc bộ’ 10 nghìn tỷ đồng đông thành viên

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang có lợi nhuận kinh doanh khá tốt. Năm 2022, ACB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm. Thu nhập từ hoạt động cốt lõi là tín dụng và dịch vụ đều tăng trưởng trên 20% so với năm trước, lên tương ứng 23.500 tỷ đồng và 3.500 tỷ đồng.

Theo khá sát là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Năm 2022, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 15.617 tỷ đồng, tăng 16% so với mức thực hiện năm 2021. Ngân hàng này lãi trước thuế 7.828 tỷ đồng cả năm 2022, tăng trưởng 30% nhờ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí.

Xếp sau là Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB). Kết thúc năm 2022, VIB đạt kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ.

Tiếp theo là HDBank. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 10.268 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay của nhà băng này, tăng 27% so với năm 2021 và hoàn thành 105% kế hoạch cổ đông giao.

SHB cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Theo báo cáo, tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của SHB trong năm 2022 đạt hơn 19.350 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.

Nhóm 5 nghìn tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 của Sacombank đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm. Trong đó, hoạt động chính của ngân hàng mang về 17.147 tỷ đồng lãi thuần, tăng 43% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Tổng thu nhập thuần của MSB đến ngày 31/12/2022 đạt gần 10.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước và vẫn giữ vị trí là động lực tăng trưởng chính. Kết thúc năm tài chính 2022, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2021 và đạt hơn 85% kế hoạch. 

Đáng chú ý, năm qua, Eximbank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng về lợi nhuận tốt nhất. Năm 2022, Eximbank có mức tăng trưởng lợi nhuận gấp 3 lần năm 2021 và đạt 3.710 tỷ đồng (vượt 48% kế hoạch năm). Năm 2022, nguồn thu nhập chính của Eximbank tăng 59% lên 5.592 tỷ đồng, lãi từ dịch vụ tăng 19% lên 513 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 69% lên 428 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này năm qua tăng mạnh 74% lên gần 3.813 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn trong năm qua.

KienlongBank đạt lợi nhuận trước thuế 682 tỷ đồng và ghi nhận 544,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 2022. Tổng thu nhập hoạt động tăng 294,4 tỷ đồng, tăng 12,70% so với năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi thuần tăng 160,6 tỷ đồng, tăng 8,32% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) ghi nhận hơn 237 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022, tăng 54% so với năm trước. Các mảng hoạt động của Saigonbank đều tăng trưởng: Thu nhập lãi thuần 875,3 tỷ đồng (tăng 49%), lãi từ dịch vụ 38,21 tỷ đồng (tăng 38%), lãi từ kinh doanh ngoại hối 47,8 tỷ đồng (tăng 20%)… Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank năm qua tăng đến 57% lên hơn 487 tỷ đồng.

Trong số các ngân hàng mới báo kết quả kinh doanh năm 2022, chỉ có Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) báo lãi trước thuế giảm 13% so với năm trước khi ghi nhận hơn 1.702 tỷ đồng trong bối cảnh các nguồn thu ngoài lãi sụt giảm mạnh (lãi từ dịch vụ giảm 34%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 53%).

Minh Dũng

Theo VietnamFinance