Mở hàng năm mới, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi

Lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đang có xu hướng giảm ngay sau Tết. Nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Giảm kỳ hạn dài

Mức lãi suất tối đa tại nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm 0,1-0,5 điểm %. Đơn cử, tại Techcombank, nhà băng này đã điều chỉnh giảm một loạt mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với tháng 12/2022.

Nếu như tháng trước, mức lãi suất huy động tối đa mà Techcombank đưa ra cho các khách hàng cá nhân là 9,5%/năm. Nhưng đến nay, mức lãi suất tối đa mà ngân hàng này chi trả cho các khách hàng cá nhân chỉ là 9,2%/năm.

Để hưởng được mức lãi suất này, người gửi tiền phải là khách VIP loại 1 gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng với số dư tối thiểu là 3 tỷ đồng. Còn các khách hàng thông thường gửi kỳ hạn 6 tháng giờ cũng chỉ được lãi suất 8,5%/năm, thay vì mức trên 9% như trước Tết.

Sacombank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Nếu trước đây, mức lãi suất cao nhất mà Sacombank đưa ra là 9,8%/năm thì nay mức lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho hình thức gửi tiền online, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Trên kênh gửi tiết kiệm tại quầy, mức lãi suất cho các kỳ hạn từ 1-4 tháng hiện nay là 5,7-5,95%/năm, giảm 0,05-0,3 điểm % so với tháng trước.

Tại PVCombank, trước đây, lãi suất cao nhất mà nhà băng này đưa ra là 9,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online, kỳ hạn 36 tháng. Nhưng hiện nay loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm.

Vietcapital Bank cũng vừa tiến hành giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn tới 0,5 điểm % so với đầu tháng 12/2022. Mức lãi suất tối đa mà nhà băng này áp dụng hiện nay là 9%/năm, dành cho tiền gửi online 12 tháng trở lên.

Trong tháng 11/2022, MSB tung ra chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mới, gửi online với mức lãi suất cao nhất tới 9,9%/năm ở các kỳ hạn từ 15-24 tháng; kỳ hạn 12 tháng được áp dụng mức lãi suất là 9,8%/năm. Đến nay, mức lãi suất tối đa tại nhà băng này chỉ còn 9%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi online 13 tháng trở lên.

Năm ngoái, Saigonbank là ngân hàng đầu tiên niêm yết mức lợi tức tiền gửi lên đến 10,5%/năm thì nay cũng đã hạ lãi suất. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng.

Trước đây, khi gửi tiền tại quầy ở BaoVietBank, khách hàng có thể được nhận các mức lãi suất cao nhất là 9,8%/năm (kỳ hạn 6 tháng); 10,2%/năm (kỳ hạn 13 tháng); 10,3%/năm (kỳ hạn 15 tháng). Hiện nay, chương trình này đã không còn mà mức lãi suất trên 9% đa phần cũng chỉ còn được áp dụng trên kênh online.

Hay OceanBank trước đây từng đưa ra lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm. Đến nay, mức lãi suất huy động cao nhất ở nhà băng này chỉ còn 9,2%/năm.

Một loạt ngân hàng khác cũng đã hạ lãi suất cao nhất như DongABank (từ 9,85% xuống còn 9,5%/năm); BacABank (từ 9,8%/năm xuống còn 9,5%/năm); VietCapitalBank (từ 9,5% còn 8,9%/năm).

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ổn định so với trước Tết. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy của nhóm Big 4 ở kỳ hạn trên 12 tháng là 7,4%/năm, các kỳ hạn 6-11 tháng dao động từ 6-6,1%/năm. Trên kênh online, lãi suất cao nhất ở nhóm này là 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12-24 tháng.

Xu hướng giảm thêm?

Thời điểm tháng 11/2022, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9-10%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng. Thậm chí, một số ngân hàng huy động lãi suất tới 11-12%/năm

Mở hàng năm mới, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi - Ảnh 1

Sang tháng 12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã kêu gọi các hội viên thống nhất mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.

Sau các chỉ đạo quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiền gửi và cho vay ngân hàng đã chững lại và hạ nhiệt. Mặt bằng lãi suất huy động đã hạ 1-2% ở tất cả các kỳ hạn. Hiện còn rất ít ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động cao nhất trên 9,5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua cũng giảm mạnh. Đây được coi là một trong những thông điệp tích cực dự báo mặt bằng lãi suất chung có thể hạ nhiệt, tạo động lực tốt cho kinh tế.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ có xu hướng giảm dần từ đầu năm nay.

Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup, cho rằng lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023, trong khi lạm phát có xu hướng tăng cao những tháng đầu năm nhưng sẽ giảm dần.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Đinh Thế Hiển dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt từ quý I/2023 và về mức ổn định từ cuối quý II. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi.

Về phía cơ quan quản lý, năm 2023, NHNN đặt quyết tâm và ưu tiên sẽ duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, nếu có điều kiện sẽ giảm thêm; đồng thời sẽ vẫn tiếp tục điều tiết tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

"Chúng tôi xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 sẽ vào khoảng 14-15% nhưng cũng tính đến khả năng, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước và kiểm soát được lạm phát, hạn mức tín dụng có thể được điều chỉnh tăng cao hơn 15%", ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN - khẳng định.

Theo ông Đào Minh Tú, năm 2023, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt để đảm bảo được niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục cung ứng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng cứu trợ.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance