Phát triển Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế thành trung tâm kinh tế biển châu Á – Thái Bình Dương

Ở khu vực Trung Trung Bộ, Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế được chọn là một trong những trung tâm phát triển kinh tế biển tầm cỡ khu vực châu Á và Thái Bình Dương thông qua liên kết ngành và địa phương theo chủ trương của Chính phủ trong năm 2022, tầm nhìn phát triển đến năm 2030.

Cảng Đà Nẵng dẫn đầu sản lượng container ở miền Trung

Phát biểu tại Hội nghị thường niên 2022 Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tổ chức ở Đà Nẵng ngày 22 – 23/9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh, Đà Nẵng nói chung và Cảng Đà Nẵng nói riêng là một nhân tố quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VPA. Bản thân Cảng Đà Nẵng cũng là cảng biển có sản lượng hàng hóa thông qua cao nhất miền Trung, đặc biệt là hàng container.

Phát triển Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế thành trung tâm kinh tế biển châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam phát biểu tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) 2022.

Theo VPA, số lượng hàng hóa, container thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 giảm gần 1% so với năm trước nhưng sản lượng container tăng khoảng 8%. Trong đó, ở miền Trung, cảng Đà Nẵng và cảng Quy nhơn dẫn đầu với hơn 10 triệu tấn hàng năm 2021. Riêng cảng Đà Nẵng có sản lượng container cao nhất, với hơn 668.000 TEU (tăng 20%). Cảng Đà Nẵng đứng thứ 8 trong danh sách 20 cảng dẫn đầu về sản lượng thông qua và hàng container trong năm 2021.

Theo ông Lê Quang Nam, với đường bờ biển dài trên 90km, hạ tầng cảng biển được ưu tiên đầu tư phát triển cùng với hệ thống giao thông kết nối đa phương thức, Đà Nẵng đang được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm khu vực.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ “kinh tế biển” là 1 trong 3 trụ cột để TP phát triển và có chính sách ưu tiên nguồn lực phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung

Đáng chú ý tại hội nghị, Chủ tịch VPA Lê Công Minh cho biết, Chính phủ đã có phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế mạnh đến năm 2030, bao gồm 7 vùng ven biển của cả nước là miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ mở rộng, phía Đông vùng Tây Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

“Trong đó, theo Quyết định số 892/QĐ-TTg của Chính phủ, Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế là trung tâm chính cụm Trung Trung Bộ với quy mô liên kết phát triển thành trung tâm kinh tế biển đa dạng, quy mô lớn trong khu vực và châu Á – Thái Bình Dương”, Chủ tịch VPA Lê Công Minh cho biết.

Theo ông Lê Quang Nam, hiện Đà Nẵng đang tập phát triển hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu cùng ga đường sắt, cảng hàng không và giao thông đường bộ kết nối... nhằm đáp ứng vai trò là trung tâm logistics của khu vực. “Chìa khóa” phát triển bền vững kinh tế biển ở TP Đà Nẵng chính là tăng trưởng xanh, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Phát triển Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế thành trung tâm kinh tế biển châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh 2

TP Đà Nẵng hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung.

“Đà Nẵng cùng với Thừa Thiên Huế được chọn là một trong những trung tâm phát triển kinh tế biển tầm cỡ khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua liên kết ngành và địa phương theo chủ trương của Chính phủ trong năm 2022, hướng đến tầm nhìn phát triển đến năm 2030. Để trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, TP Đà Nẵng còn hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung”, ông Lê Quang Nam nhấn mạnh.

Kết nối các cảng biển trong khu vực và thế giới

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, ông Lê Quang Nam cho rằng TP Đà Nẵng cùng Cảng Đà Nẵng và các cảng biển khai thác hàng hóa, dịch vụ du lịch của địa phương sẽ phát triển thêm sau này cần tăng cường quan hệ phối kết hợp, trao đổi kinh nghiệm với các cảng biển khác trong VPA để có được tốc độ và hiệu quả phát triển nhanh và bền vững hơn.

“Về phía lãnh đạo địa phương, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện để các cảng biển của TP Đà Nẵng kết nối thêm với các cảng biển trong khu vực và trên thế giới. VPA hiện cũng là thành viên của Hiệp hội Cảng biển khu vực ASEAN (APA) và Hiệp hội Cảng biển Quốc tế (IAPH), VPA đang có điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển kết nối rộng hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế biển của TP Đà Nẵng”, ông Lê Quang Nam nói.

Theo Chủ tịch VPA Lê Công Minh, để phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển, Việt Nam cần có những đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách thực hiện thành công Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó điều kiện then chốt là có cơ chế quản lý phát triển đảm bảo hiệu quả tổ chức thu hút đầu tư thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Ngoài ra, cần điều tiết thị trường cạnh tranh lành mạnh, phân định ranh giới giữa hạ tầng công ích của cảng biển hỗ trợ cho các dịch vụ cạnh tranh khác của thị trường phát triển hài hòa hơn. Cần có cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong từng nhóm cảng để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả cao nhất trong nhiệm vụ tổ chức thực hiện quy hoạch.

 

Hải Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam