Phố Chùa Bộc nhem nhuốc sau hơn 1 năm giải phóng mặt bằng
Khu vực giải phóng mặt bằng nút giao Chùa Bộc - Thái Hà ngổn ngang vật liệu xây dựng, gạch đá gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân.
Nhằm tháo gỡ, tăng cường khả năng lưu thông cho một trong những khu vực chịu nhiều áp lực nhất trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà theo quy hoạch tại góc 1/4 nút giao, từ Học viện Ngân hàng đến cổng trường Đại học Công đoàn (theo Quyết định số 5572/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 và được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 8006/QĐ-UBND ngày 17/11/2017; Quyết định số 4437/QĐ-UBND ngày 02/10/2020).
Dự án có tổng chiều dài trên 521 m, với các hạng mục nền, mặt đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, tổ chức giao thông và các công trình phụ trợ khác. Theo phương án thiết kế, khi hoàn thiện góc 1/4, phố Chùa Bộc (hướng đi Thái Hà) sẽ được chỉnh trang, cải tạo bên phải tuyến, bắt đầu từ cổng Học viện Ngân hàng qua góc ngã tư, tiếp đến tuyến phố Tây Sơn (hướng đi Nam Đồng), kết thúc tại cổng trường Đại học Công Đoàn. Tổng mức đầu tư dự án là trên 535 tỷ đồng, trong đó hơn 470 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng.
Ghi nhận của PV, tại khu vực nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà (hướng di chuyển từ Chùa Bộc - Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội), mặc dù đã qua 1 thời gian dài công tác phá dỡ công trình phục vụ việc giải phóng mặt bằng tại đây được thực hiện nhưng cho đến nay, đống vật liệu xây dựng gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt thường ngày của người dân.
Nhiều căn nhà bị phá nham nhở, người dân vẫn cố gắng bám trụ để kiếm kế sinh nhai. Sau khi mở rộng, mặt đường tuyến phố Chùa Bộc trong nút giao sẽ rộng 23 - 30 m; đoạn từ Chùa Bộc đến phạm vi nút giao rộng 16 - 18 m; vỉa hè rộng trung bình 3 m.
Hiện tại, vỉa hè tuyến phố Chùa Bộc đang được thi công phần cống ngầm. Dự kiến, sau khi hoàn thiện thi công cống ngầm, toàn bộ vỉa hè tuyến phố Chùa Bộc sẽ được lát lại gạch.
Theo bà Nguyễn Thị Lan - người dân sinh sống quanh đây cho hay, dự án này đã triển khai được mấy năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng trước cửa nhà toàn đất cát nằm ngổn ngang gây mất mỹ quan.
"Trước đây, cả tuyến phố này có rất nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán quần áo nhưng từ khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án thì những hộ kinh doanh ở đây phải đi thuê tại nơi khác để bán hàng kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, dù dự án triển khai nhưng suốt nhiều năm qua vẫn ngổn ngang chưa hoàn thành. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để dự án sớm hoàn thành để người dân lại quay về với cuộc sống bình thường", bà Lan chia sẻ.
Chia sẻ với báo chí, đại diện UBND phường Quang Trung cho biết, việc dọn dẹp vật liệu, phế thải xây dựng sau quá trình phá dỡ, giải phóng mặt bằng tại nút giao Chùa Bộc - Thái Hà là trách nhiệm của chủ đầu tư dự án (tức Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội).
Bên cạnh những căn nhà đổ nát, một số hộ đã nhanh chóng xây dựng hoàn thiện lại nhà để cho thuê kinh doanh. Người dân sinh sống trong khu vực chia sẻ, trước đây cả tuyến phố này kinh doanh buôn bán quần áo, mỹ phẩm, giầy dép... nhưng từ khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án thì những hộ kinh doanh ở đây phải đi thuê nơi khác để bán hàng. Việc chậm trễ trong thi công và giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân và mỹ quan đô thị.
Dự án có tổng chiều dài trên 521m, với các hạng mục nền, mặt đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, tổ chức giao thông và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng, trong đó hơn 470 tỷ đồng là chi phí GPMB. Sau khi mở rộng, mặt đường tuyến phố Chùa Bộc trong nút giao sẽ rộng từ 23 - 30m; đoạn từ Chùa Bộc đến phạm vi nút giao rộng từ 16 - 18m; vỉa hè rộng trung bình 3m.
Trước đó, vào đầu năm 2023, sau khi nhận đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà (quận Đống Đa), nhiều căn nhà trong diện quy hoạch tại khu vực này đã được tiến hành phá dỡ.
Được biết, theo quy định giá đất của UBND thành phố Hà Nội, tại vị trí trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) được dùng làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 47.148.780 đồng/m2. Vị trí tái định cư được thành phố bố trí chấp thuận tại nhà CTI.2 và nhà CTI.1-1 (các toà: A, B), khu nhà ở Vĩnh Hoàng, quận Hoàng Mai.