Phố Wall chao đảo vì cuộc chiến thuế quan
Những bài phát biểu đầy nhiệt huyết của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng dấy lên sự hưng phấn trong giới đầu tư Phố Wall. Tuy nhiên, ngay sau đó, cuộc chiến thuế quan 2.0 do ông phát động lại khiến thị trường tài chính chao đảo, phản ánh nỗi lo lắng và hoang mang về tương lai kinh tế toàn cầu.
Những tràng pháo tay đến… sóng gió thị trường
Vào giữa tháng 2, một số nhà đầu tư và ông trùm kinh doanh quyền lực nhất Phố Wall, những người sở hữu hàng trăm tỷ USD tài sản ròng và là ông chủ của các công ty vốn hoá hàng nghìn tỷ USD, xếp hàng như người hâm mộ nhiệt thành chờ xem hoà nhạc trong một khán phòng ở Miami Beach, bang Florida, Mỹ. Và nhân vật chính được chờ đợi ở đây không ai khác ngoài Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khán phòng chật chội đó, các nhà tài phiệt và giám đốc điều hành đã chờ tới 3 giờ đồng hồ để nghe bài phát biểu trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Mỹ thứ 47 trước giới doanh nghiệp. Họ đã reo hò đầy nhiệt tình khi ông Trump bước lên sân khấu.
"Tôi đến đây với một thông điệp đơn giản gửi đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp đất nước và trên toàn thế giới: Nếu bạn muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, vượt qua ranh giới, tạo ra những đột phá, chuyển đổi các ngành công nghiệp và kiếm được một gia tài, không có nơi nào trên Trái đất này tốt hơn nước Mỹ hiện tại và tương lai dưới thời một vị tổng thống nào đó tên là Donald J. Trump", trích bài phát biểu đầy nhiệt huyết của người đứng đầu Nhà Trắng.

Vào thời điểm đó, không có ai cảm thấy lo ngại về lời đe dọa áp thuế quan qua lại đối với bất kỳ quốc gia nào “đối xử bất công” với Mỹ của ông Trump. Cũng không một ai nhắc đến từ “suy thoái” hoặc “khủng hoảng”. Giới tinh hoa chỉ coi thuế quan là cái giá phải trả để đạt được các lợi ích khác từ Nhà Trắng.
Nhưng chưa đầy 8 tuần sau, tình thế đã đảo ngược. Những người từng hào hứng tung hô bài phát biểu của Tổng thống Mỹ hiện đang “đau đầu” vì phải kiểm soát thiệt hại do cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động. Mức thuế “Ngày giải phóng” (2/4) đã khiến thị trường tài chính mất ổn định và gây ra nỗi lo về lạm phát lẫn suy thoái kinh tế.
Chỉ trong vòng hai ngày, chỉ số S&P 500 đã mất hơn 5.000 tỷ USD giá trị thị trường. Từ các công ty công nghệ khổng lồ tới các tổ chức tài chính hùng mạnh như BlackRock, JPMorgan, Apollo đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh về giá cổ phiếu.
Lợi suất trái phiếu, đặc biệt là đối với các kỳ hạn dài như 10 năm và 30 năm, đã tăng vọt, trong khi đồng USD lao dốc không kiểm soát. Điều đáng lo ngại hơn cả là mô hình giao dịch có phần bất thường của thị trường. Thay vì trở thành nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm rủi ro gia tăng, trái phiếu Chính phủ Mỹ lại thường xuyên bị bán tháo đúng vào lúc nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu, tiền mã hóa và các tài sản rủi ro khác – khiến giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng.
Ngược lại, cũng có những thời điểm trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng giá cùng lúc với các tài sản rủi ro, phản ánh sự đảo lộn trong hành vi đầu tư thông thường. Nói cách khác, trái phiếu Mỹ đang bị đối xử như thể chúng là một loại tài sản rủi ro. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã ví tình trạng này giống như nợ công của một quốc gia thuộc thị trường mới nổi.
Một phần nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu Mỹ “đổ vỡ” xuất phát từ việc các quỹ đầu cơ ở Nhật Bản và Mỹ đang vội vã tháo gỡ những “giao dịch cơ sở” (basis trade) – một chiến lược đầu tư rủi ro, sử dụng đòn bẩy cao, vốn ít người biết đến nhưng từ lâu đã được xem là ngòi nổ tiềm ẩn trong các giai đoạn hỗn loạn tài chính.
Cùng lúc đó, tâm lý lo ngại về lập trường cứng rắn và khó lường của ông Trump khiến các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rút vốn khỏi Mỹ, càng làm gia tăng áp lực lên thị trường.
Vào thời điểm này, những chủ ngân hàng, luật sư và giám đốc điều hành được trả lương cao nhất nước Mỹ bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết rằng chính quyền mới dường như không quan tâm đến việc nền tảng của “cung điện tài chính xa hoa” có bị rạn nứt do chính sách thương mại mới của đất nước hay không.
Hầu hết họ đều giữ im lặng, hoặc chỉ phàn nàn một cách đầy riêng tư. Các nhà quản lý quỹ đầu cơ tỷ phú như Bill Ackman, Dan Loeb và Cliff Asness đã bày tỏ sự thất vọng của họ trên X, trong khi một số khác bày tỏ sự bất mãn một cách rõ ràng hơn.

Việc Tổng thống Trump sẵn sàng làm rung chuyển Phố Wall bằng cách leo thang chiến tranh thương mại đã nhanh chóng biến tâm trạng phấn khích tại Miami Beach thành làn sóng lo âu trên thị trường toàn cầu. Cú huých mang tên “Ngày giải phóng” đã gieo rắc sự ngờ vực và làm dấy lên câu hỏi lớn: chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ông Joseph Foudy, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, cho biết: “Ngày giải phóng là một đòn giáng cơ bản vào lòng tin và sự tự tin của Phố Wall rằng họ có thể dự đoán được chính sách. Giờ đây, họ phải chấp nhận thực tế rằng tất cả những điều đó đều mong manh và khó lường”.

Chỉ một tuần sau khi làm dậy sóng thị trường, Tổng thống Trump đã tạm dừng một phần thuế quan “có đi có lại” của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là ông Trump có ý định nhượng bộ. Vì dù đã tạm hoãn một phần thuế quan, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn liên tục đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc lên cao bằng các tuyên bố áp thuế mới, điều này khiến các nhà đầu tư gần như không kịp xoay trở trước những tín hiệu đầy bất định.
"Đây là một cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ chiến thắng. Hãy kiên cường! Sẽ không dễ dàng, nhưng kết quả cuối cùng sẽ mang tính lịch sử. Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Trump gửi thông điệp tới người Mỹ.
Việc Tổng thống Trump thể hiện rõ sự quyết liệt, táo bạo và sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ lời chỉ trích nào đã khiến giới tinh hoa, bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tài chính, trở nên dè dặt hơn khi bình luận về triển vọng kinh tế.
Trong bối cảnh bất định như vậy, tất cả những gì các “sói già” Phố Wall có thể làm là giữ thái độ thận trọng, chờ đợi và quan sát từng bước đi tiếp theo của Nhà Trắng.