Phù phép đất xây nhà xưởng thành biệt thự, ai đứng sau làng nghề Dương Liễu?
Theo kết quả của thanh tra TP Hà Nội, hàng chục trường hợp tại cụm công nghiệp sử dụng đất sai mục đích với giấy phép xây dựng.
Vừa qua, Thanh tra TP Hà Nội đã công bố chỉ ra loạt vi phạm tại cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức trong đó nhiều công trình nhà xưởng nhưng được xây dựng thành những biệt thự.
Theo đó, cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu do CTCP Tập đoàn Minh Dương làm chủ đầu tư được thành lập theo quyết định số 16 năm 2012 của UBND TP Hà Nội với quy mô 12,05ha, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật 260 tỷ đồng.
Về việc chấp hành giấy phép xây dựng của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, qua thanh tra phát hiện có 4 trường hợp sử dụng đất không phù hợp với giấy phép xây dựng, 45/52 trường hợp đã xây dựng công trình sai giấy phép.
Trong số công trình sai phép có 3 trường hợp xây hoàn toàn khác so với giấy phép xây dựng 3 trường hợp xây dựng vượt tầng, thêm tầng mái, tầng hầm, tầng lửng; 2 trường hợp xây dựng thêm tum, hộp kỹ thuật thang máy/thang bộ; 22 trường hợp lấn khoảng lùi; 7 trường hợp xây dựng thêm tầng + lấn khoảng lùi…
Trong số những trường hợp vi phạm nêu trên có 6 trường hợp đã bị UBND huyện Hoài Đức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép.
“Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Hoài Đức vẫn chưa xử lý triệt để các công trình không đúng giấy phép. UBND xã Dương Liễu không thực hiện đúng trách nhiệm giám sát. Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức đã không kịp thời kiểm tra, phát hiện việc xây dựng sai phép và UBND xã Dương Liễu không thực hiện đúng trách nhiệm giám sát”, KLTT chỉ rõ.
Về công tác quản lý quy hoạch, cơ quan thanh tra cho biết đến nay chủ đầu tư chưa cung cấp cho đoàn thanh tra báo cáo đầu tư cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu nên chưa có cơ sở xem xét sự phù hợp của báo cáo đầu tư với quy hoạch chi tiết được duyệt năm 2012. Trách thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương.
Về công tác quản lý, sử dụng đất, tại thời điểm xin được ưu đãi về tiền thuê đất tháng 12/2018, chủ đầu tư lập danh sách 69 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề đăng ký di dời vào sản xuất trong cụm công nghiệp với tổng diện tích 43.484m2.
Tuy nhiên, theo hồ sơ miễn giảm tiền thuê đất do Chi cục thuế huyện Hoài Đức cung cấp thì danh sách chỉ hiển thị tên, địa chỉ, số điện thoại, vị trí lô đất, diện tích đăng ký thuê của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhưng không thể hiện rõ ngành nghề sản xuất kinh doanh trong làng nghề.
Qua kiểm tra danh sách nêu trên, phát hiện có cả cá nhân được thuê đất không phải là người trong làng nghề Dương Liễu và 28 trường hợp có ngành nghề kinh doanh bao gồm cả thương mại và sản xuất. Theo kết quả kiểm tra hiện trạng các trường hợp trên phần lớn là chuyển nhượng…
Thời điểm thanh tra, cụm công nghiệp có 32 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh chưa đưa đất vào sử dụng (51 lô đất với diện tích 18.697m2) theo hợp đồng thuê đất đã ký với chủ đầu tư.
Cũng qua kiểm tra hiện trạng, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sử dụng đất không đúng mục đích.
Trong đó, 5 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sản xuất công nghiệp (chuyển đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ); 8 trường hợp cho thuê lại nhà xưởng sản xuất không thông báo với chủ đầu tư; 12 trường hợp kiểm tra hiện trạng thấy công trình văn phòng, nhà điều hành có một số phòng có giường ngủ, phòng khách, phòng bếp…
Về công tác quản lý hoạt động xây dựng, UBND huyện Hoài Đức cấp giấy phép xây dựng các dự án sản xuất trong cụm công nghiệp đối với các ô đất C4-4, C4-5; C3-3; C3-1; A3-1, A3-2, A3-3, chủ sử dụng có hồ sơ xin cấp phép xây dựng (nhà xưởng kết hợp văn phòng) và được Phòng quản lý đô thị huyện Hoài Đức phê duyệt có kiến trúc giống biệt thự.
Trước đó, Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với những tồn tại đã nêu tại phần kết luận.
UBND huyện Hoài Đức có phương án xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, giám sát chặt chẽ sử dụng đất tại cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu, đảm bảo không có trường hợp sử dụng đất vào mục đích để ở. Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy, rà soát việc chấp hành về thuế đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh.
Đồng thời giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành hoặc kiến nghị các cơ quan Nhà nước ban hành quy định về tiêu chuẩn, thiết kế kiến trúc mẫu điển hình đối với các công trình nhà xưởng, văn phòng trong cụm công nghiệp.
Thanh tra TP cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Cục Thuế TP kiểm tra, rà soát lại căn cứ miễn tiền thuê đất đối với diện tích thuê 60.440,2m2 của Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương. Yêu cầu 32 trường hợp (51 lô đất) sớm đưa đất vào sử dụng…
Cũng liên quan đến Tập đoàn Minh Dương, trong 2 năm 2019 - 2020, công ty đã được UBND thành phố Hà Nội giao tới 4 cụm công nghiệp.
Ngày 11/10/2019, ông Nguyễn Văn Sửu - khi đó là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký Quyết định số 5699/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Tân Hòa, huyện Quốc Oai. Quy mô dự án khoảng 12,94ha. Tiến độ thực hiện dự án từ quý 3/2019 đến quý 3/2021.
Tiếp đến 15/6/2020, ông Nguyễn Văn Sửu ký Quyết định số 2456/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2, huyện Hoài Đức.
Địa điểm xây dựng tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Quy mô dự án 17ha. Tiến độ thực hiện dự án là từ quý 2/2020 đến quý 2/2022.
11 ngày sau, ngày 26/6, ông Nguyễn Văn Sửu lại ký Quyết định số 2801/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Liên Hiệp - giai đoạn 2, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Quy mô dự án khoảng 12ha. Tiến độ thực hiện dự án là từ quý 3/ 2020 đến quý 3/2022.
Cùng ngày 26/6, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 2797/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Quy mô dự án khoảng 20ha. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CTCP Đầu tư Phát triển nhà Minh Dương (thuộc Tập đoàn Minh Dương). Thời gian thực hiện dự án từ Quý 3/2020 đến Quý 3/2022.
Thế nhưng theo chia sẻ từ Báo Lao động, cả 4 dự án cụm công nghiệp của Tập đoàn Minh Dương đều trong tình trạng bỏ hoang.
Điển hình như tại Cụm công nghiệp Liên Hiệp, giai đoạn 2, huyện Phúc Thọ, Hà Nội phóng viên ngạc nhiên, bởi nằm xen kẽ những cánh đồng lúa vàng ươm chuẩn bị thu hoạch là một cánh đồng rộng hơn 10ha bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Đó chính là hình hài của cụm công nghiệp Liên Hiệp giai đoạn 2.