Phục vụ mặt đất Sài Gòn: 'Chóng mặt' vì trích lập dự phòng
Khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi không chỉ khiến cấu trúc tài sản của Phục vụ mặt đất Sài Gòn xấu đi mà còn kéo lùi lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này.
Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần tăng trưởng tích cực. Cụ thể, doanh nghiệp đem về 380 tỷ đồng doanh thu, tương ứng mức tăng 4% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tiếp diễn tình trạng neo cao nhưng lợi nhuận gộp không bị ảnh hưởng quá nhiều, tăng khởi sắc 10% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 125 tỷ đồng.
Nếu như doanh thu đang phô diễn nhưng gam màu sáng thì các khoản chi phí đang tạo khuyết điểm lớn cho bức tranh kinh doanh của Phục vụ mặt đất Sài Gòn. Trong kỳ, các chi phí của Phục vụ mặt đất Sài Gòn đều tăng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 50,6 tỷ đồng, ghi nhận bị độn cao hơn 40% so với cùng kỳ. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chi phí nhân công chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí quản lý doanh nghiệp, đạt 19 tỷ đồng, ghi nhận tăng khoảng 1 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Phục vụ mặt đất Sài Gòn còn phải “dốc hầu bao” trả hơn 12 tỷ đồng cho chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi, trong khi danh mục này chỉ vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng trong quý II/2023. Như vậy, khoản chi phí trên đang bị độn “đột biến” tới 9,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Vì chi phí bất ngờ neo cao, lãi ròng quý II/2024 của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn bị bào mòn còn 64 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Dù vậy, trước bối cảnh hồi phục nhu cầu bay nội địa lẫn quốc tế, doanh nghiệp này vẫn nhận được nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, Phục vụ mặt đất Sài Gòn đem về 750 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 8% so với cùng kỳ. Trái chiều, lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng, giảm 4%, chủ yếu do khấu hao mạnh tới từ chi phí trích lập dự phòng nợ khó đòi.
Năm 2024, Phục vụ mặt đất Sài Gòn đặt kế hoạch doanh thu 1.499 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm hoạt động, doanh nghiệp hoàn thành được 50% mục tiêu doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Phục vụ mặt đất Sài Gòn đạt 1.405 tỷ đồng, mở rộng 9% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp chiếm tới 85% danh mục, ghi nhận 1.188 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn được tài trợ chủ yếu bởi tiền nắm giữ và các khoản tiền gửi đến ngày đáo hạn, đạt khoảng 884 tỷ đồng.
Đáng nói, dự phòng phải thu khó đòi ngắn hạn đang khiến cấu trúc tài sản của Phục vụ mặt đất Sài Gòn xấu đi. Cụ thể, danh mục này tăng 1,35 lần sau nửa năm, từ 65 tỷ đồng lên 88 tỷ đồng, chủ yếu dành cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với gần 74 tỷ đồng. Chưa kể, khoản dự phòng phải thu khó đòi dài hạn vẫn chưa được giải quyết, ghi nhận con số gần 28 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến từ giới đầu tư, các khoản dự phòng phải thu khó đòi tăng cao đồng nghĩa với việc Phục vụ mặt đất Sài Gòn có đủ tiềm lực tài chính để sẵn sàng cho các rủi ro do không thu hồi được các khoản nợ, giảm thiểu tác động xấu đến bức tranh tài chính.
Phía bên kia của bảng cân đối kế toán, Phục vụ mặt đất Sài Gòn ghi nhận 367,4 tỷ đồng nợ phải trả. Với tỷ lệ với nợ phải trả chiếm 35% vốn chủ sở hữu, công ty vẫn duy trì được tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn. Thêm vào đó, danh mục nợ của doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính, chủ yếu từ nhóm chi trả cho người lao động và các khoản phải trả cho các đối tác, người bán.
Ngày 30/08, Phục vụ mặt đất Sài Gòn sẽ chốt danh sách trả cổ đông trả cổ tức năm 2023. Trên thị trường, doanh nghiệp đang lưu hành 33,5 triệu cổ phiếu, ước tính công ty sẽ chi khoảng 84 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.