PVCombank vẫn “mắc kẹt” hơn 900 tỷ đồng tại doanh nghiệp dàn khoan PV Shipyard chưa có đường vào bờ

PVCombank còn khoản cho vay tại doanh nghiệp dàn khoan PV Shipyard từ năm 2011 với dư nợ gốc hơn 600 tỷ đồng và nợ lãi gần 300 tỷ đồng.

CTCP Chế tạo Giàn khoan dầu khí (PV Shipyard – mã chứng khoán PVY) công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với nhiều thông số gây giật mình với không chỉ những người quan tâm đến doanh nghiệp giàn khoan này, mà còn tới một cái tên khác – Ngân hàng Thường mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVCombank).

Nhắc đến kết quả kinh doanh, doanh nghiệp dàn khoan này đạt 68 tỷ đồng doanh thu quý 2, giảm 40% so với cùng kỳ. Chi phí bỏ ra lớn hơn doanh thu, nên công ty đã lỗ gộp 10 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trừ tiếp các khoản chi phí phát sinh, quý 2 PV Shipyard  lỗ 22,8 tỷ đồng. Nâng tổng lỗ 6 tháng đầu năm 2022 lên trên 50 tỷ đồng.

PV Shipyard cho rằng do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới làm chi phí đầu vào tăng cao. Cộng với đó những dự án nửa đầu năm vừa qua công ty thực hiện có tỷ suất lợi nhuận thấp nên lợi nhuận đạt được không đủ bù đắp các khoản chi phí cố định, dẫn đến việc công ty tiếp tục làm ăn thua lỗ. Hiện công ty vẫn đang nỗ lực từng bước bù đắp chi phí để dần đến điểm hoà vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.

PVCombank vẫn “mắc kẹt” hơn 900 tỷ đồng tại doanh nghiệp dàn khoan PV Shipyard chưa có đường vào bờ - Ảnh 1

Chưa biết điểm hoà vốn mà PV Shipyard nói đến là thuộc phạm trù nào. Nhưng nhìn những số liệu trên BCTC nhà đầu tư không khỏi giật mình. PV Shipyard có vốn điều lệ gần 595 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2022 công ty đã lỗ luỹ kế hơn 940 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 342 tỷ đồng. Thậm chí còn âm “nguồn kinh phí và quỹ khác” hơn 50 triệu đồng.

Tổng tài sản công ty đến 30/6/2022 đạt gần 750 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả gần 1.100 tỷ đồng – trong đó nợ ngắn hạn hơn 1.000 tỷ đồng.

Xét về vay nợ thuê tài chính, PV Shipyard còn khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả hơn 530 tỷ đồng – là khoản vay dài hạn đến hạn trả của Tập đoàn dầu khí Việt Nam uỷ thác qua Tổng Công ty Cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) nay là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank). PV Shipyard cho biết công ty đang làm việc với bên cho vay để thực hiện tái cơ cấu khoản vay này.

Ngoài ra công ty còn khoản vay nợ dài hạn hơn 79 tỷ đồng cũng của PVCombank, nâng tổng dư nợ gốc tại ngân hàng này lên 610 tỷ đồng.

PVCombank vẫn “mắc kẹt” hơn 900 tỷ đồng tại doanh nghiệp dàn khoan PV Shipyard chưa có đường vào bờ - Ảnh 2

Trên thực tế, khoản vay với PVCombank được thế chấp bằng tài sản máy móc thiết bị của công ty theo hợp đồng thế chấp ký ngày 27/9/2013 – khoản vay này gồm 2 hợp đồng tín dụng:

       -Hợp đồng tín dụng ngày 17/5/2011 số tiền 641 tỷ đồng cho mục đích thanh toán chi phí đầu tư dự án “Xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí” thời hạn vay đã được gia hạn đến 24/11/2014. Toàn bộ số tiền này đã được giải ngân hết trong năm 2011.

       -Hợp đồng tín dụng ngày 18/3/2011 với số tiền tối đa 250 tỷ đồng cùng chi cho mục đích thanh toán chi phí đầu tư dự án trên, thời hạn vay đến tháng 4/2012.

Sau đó tháng 5/2013 PVCombank đồng ý cơ cấu lại khoản vay và thời gian đến hạn thanh toán 31/12/2018 và được trả làm nhiều lần.

Tiếp đó, ngày 29/6/2015 2 bên đã ký bổ sung phụ lục hợp đồng tín dụng, theo đó dư nợ gốc các khoản vay của PV Shipyard tại PVCombank còn lại sẽ được gia hạn trả đến 30/6/2024. Báo cáo ghi nhận dư nợ gốc còn lại đến 30/6/2022 là gần 610 tỷ đồng.

Ngoài khoản vay nợ gốc tại Ngân hàng PVCombank, PV Shipyard còn ghi nhận khoản chi phí phải trả ngắn hạn tổng hơn 313 tỷ đồng, trong đó có khoản chi phí lãi vay 296 tỷ đồng. Trong khi đó từ nhiều năm trở lại đây Pvcombank hầu như không phát sinh các khoản vay nợ lớn nào tại các ngân hàng khác trong thời gian dài. Phần lớn số chi phí lãi này phát sinh từ khoản vay nợ gốc tại Ngân hàng PVCombank kể trên.

PVCombank vẫn “mắc kẹt” hơn 900 tỷ đồng tại doanh nghiệp dàn khoan PV Shipyard chưa có đường vào bờ - Ảnh 3

Như vậy, nếu tạm tính cả nợ gốc và nợ lãi vay, hiện PVComBank đang “mắc kẹt” tại doanh nghiệp giàn khoan này hơn 900 tỷ đồng, trong đó khoản nợ gốc hơn 600 tỷ đồng đã kéo dài dai dẳng hơn chục năm, từ năm 2011.

Thông tin từ đăng ký giao dịch đảm bảo cho hợp đồng đảm bảo ngày 27/9/2013 cho thấy số tài sản được mang ra làm đảm bảo cho các khoản vay xấp xỉ 900 tỷ đồng này khá "nghèo nàn" với danh sách đính kèm.

PVCombank vẫn “mắc kẹt” hơn 900 tỷ đồng tại doanh nghiệp dàn khoan PV Shipyard chưa có đường vào bờ - Ảnh 4

PV Shipyard là doanh nghiệp thành lập năm 2007 – là nhà cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, công nghiệp cho ngành giàn khoan và năng lượng tái tạo, chuyên hạ thuỷ, vận chuyển, lắp đặt jack-up, sửa chữa và bảo trì các công trình biển, các thiết bị nổi, các modun thượng tầng của kho nổi…

Báo cáo tài chính những năm gần đây ghi nhận PV Shipyard đã lỗ liên tiếp 6 năm, từ năm 2016 đến nay.

PV Shipyard thể hiện “quyết tâm” khắc phục khó khăn, từng bước bù lỗ, nhưng đến bao giờ vẫn là dấu hỏi lớn. Với số lỗ luỹ kế lớn hơn tổng tài sản, tại CTC kiểm toán năm 2021 của công ty, kiểm toán viên cũng đã nêu ý kiến nhấn mạnh, trong đó cho thấy có tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Đường "tìm về bờ" với khoản dư nợ gốc và lãi hơn 900 tỷ đồng của PVCombank có vẻ còn rất xa vời.

Thuỷ Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống