Quản lý đất lâm nghiệp kém hiệu quả: Góc nhìn từ vụ việc cấp chồng sổ đỏ ở Đắk Nông
Tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty lâm nghiệp ở khu vực Tây Nguyên nói chung, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng hiện vẫn chưa có hồi kết.
Việc quản lý yếu kém của một số công ty lâm nghiệp không chỉ khiến tài nguyên đất bị lãng phí mà còn làm cho công tác quản lý hành chính của các cấp chính quyền địa phương bị xáo trộn, để lại rất nhiều hệ lụy. Vụ việc cấp chồng sổ đỏ hơn 21,3 ha đất lâm nghiệp ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) là một ví dụ điển hình.
Nhiều quá, khó quản!
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (tiền thân là Lâm trường Quảng Trực) được giao quản lý, bảo vệ 27.277,00 ha đất lâm nghiệp. Lâm phần của Công ty trải dài trên chu vi khoảng 120km, thuộc địa giới hành chính 3 xã: Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Ngo của huyện Tuy Đức. Nhiệm vụ chính của Công ty là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây nguyên được giao quản lý, bảo vệ 27.277,00 ha đất lâm nghiệp; lâm phần của Công ty trải dài trên chu vi khoảng 120km, thuộc địa giới hành chính 3 xã: Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Ngo của huyện Tuy Đức. |
Theo thông tin chính thức tại trang Web của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (tại địa chỉ: http://lamnghiepnamtaynguyen.com), hiện tổng số cán bộ công nhân viên Công ty chỉ có 74 người (trong đó có 65 người là lao động hợp đồng). Vị chi, nếu không tính các hình thức thuê lao động thời vụ để quản lý bảo vệ rừng thì bình quân mỗi cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên thực hiện quản lý, bảo vệ gần 365ha đất, rừng.
Chính vì “ôm” quá nhiều nên hệ lụy tất yếu là Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên rất khó “quản” quỹ đất lâm nghiệp được Nhà nước giao. Bên cạnh để xảy ra tình trạng đất đai bị lấn chiếm thì một vấn đề rất đáng quan tâm là có nhiều diện tích đất Công ty rất… mơ hồ, không biết chính xác có phải thuộc lâm phần được giao quản lý, bảo vệ hay không?!.
Điển hình là diện tích đất hơn 21,3ha thuộc 8 thửa đất số 01, 02, 03, 04, 05, 07, 08 và 09, tờ bản đồ số 34, nằm trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, 8 thửa đất này đã được UBND huyện Tuy Đức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các cá nhân, gồm: ông Vũ Ngọc Luân, sinh năm 1982 (thường trú tại ấp 02, lô 25, Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) được cấp sổ đỏ đối với các thửa số 01, 02. 03, 05, 07, 08 và 09; ông Phạm Ngọc Biết (thường trú tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) được cấp sổ đỏ cho thửa đất số 04.
Theo dữ liệu trong các sổ đỏ thì thời điểm UBND huyện Tuy Đức cấp là vào ngày 15/9/2008 và ngày 19/9/2008. Đến tháng 12/2017, 08 thửa đất này đã được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1977, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh. Việc chuyển nhượng được Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Tuy Đức (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông) xác nhận hợp pháp ở trang bổ sung trong các sổ đỏ.
"Biến cố" phát sinh khi năm 2019, ông Dũng làm thủ tục chuyển nhượng đất cho người khác thì Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tuy Đức phát hiện 8 thửa đất nêu trên lại nằm trong lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên; được UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty thuê theo Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 19/8/2009, đồng thời đã cấp sổ đỏ số AM 880993 ngày 19/8/2008 cho Công ty. Vì vậy, Phòng TN&MT huyện Tuy Đức đã trả hồ sơ chuyển nhượng đất của ông Dũng.
Không nắm được tình hình nên gần 3 năm sau, Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên mới có động thái để tìm hiểu nguồn gốc 8 thửa đất này. Ngày 06/05/2022, Công ty có Công văn số 75/CT-KHKT gửi UBND huyện Tuy Đức đề nghị xác minh, làm rõ chồng lấn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên lâm phần Công ty quản lý. Trong Công văn này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho rằng, các thửa đất số 01, 02, 03, 03, 05, 07, 08 và 09 – tờ bản đồ số 34 nằm trên lô 3n, 4n – khoảnh 3, Tiểu khu 1467, thuộc lâm phần của Công ty.
Một phần diện tích hơn 21,3ha bị cấp chồng lấn sổ đỏ thuộc tờ bản đồ số 34; theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên là thuộc lô 3n, 4n khoảnh 3, Tiểu khu 1467, thuộc lâm phần của Công ty. (Ảnh chụp ngày 11/01/2023). |
Nhưng cũng chưa chắc chắn đất có phải của mình hay không nên trong Công văn số 75/CT-KHKT ngày 06/05/2022, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đề nghị UBND huyện Tuy Đức rằng: “Kiểm tra, xác minh các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các thửa đất nêu trên có đúng của UBND huyện Tuy Đức cấp hay không? Vị trí, địa điểm các thửa đất có nằm trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên hay không?”
Bộ TN&MT đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn thu từ đất để thực hiện việc đo đạc chi tiết đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để các địa phương triển khai đo đạc chi tiết làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận, giao đất, cho thuê đất. Đối những công ty nông, lâm nghiệp có diện tích đất quá lớn so với lực lượng lao động, Bộ TN&MT đang thực hiện việc điều tra, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau rà soát, sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Sau khi điều tra, nếu còn phát hiện trường hợp công ty nông, lâm nghiệp giữ lại diện tích đất đai quá lớn, không sử dụng hiệu quả thì sẽ kiên quyết thu hồi bàn giao cho địa phương.
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”?
Sự “nghi ngại” trong việc xác minh nguồn gốc đất của Công ty NTHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đối với diện tích hơn 21,3 ha ở tờ bản đồ số 34 (địa điểm mà Công ty cho là thuộc lô 3n, 4n – khoảnh 3, Tiểu khu 1467) cũng phần nào nói lên thực trạng chồng lấn trong quản lý, sử dụng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Tuy Đức. Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển tiếp cận được với những thông tin khá bi hài về cấp sổ đỏ ở địa phương này.
Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển kiểm tra thực tế tại diện tích đất thuộc tờ bản đồ số 34, được UBND huyện Tuy Đức cấp sổ đỏ cho người dân năm 2008, hiện đang xảy ra tranh chấp do bị cấp chồng lấn. |
Ngày 11/01/2023, trao đổi với phóng viên, một cán bộ Văn phòng UBND huyện Tuy Đức (xin giấu tên) chia sẻ, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan nên việc “cấp nhầm” sổ đỏ ở địa phương không phải là hiếm. Có trường hợp, hai hộ là hàng xóm của nhau, cùng làm thủ tục cấp sổ; nhưng khi nhận về thì “râu ông nọ lại cắm cằn bà kia”, sổ của hộ này lại mang tên của hộ ông hàng xóm!?.
“Thế là phải làm lại, vừa mất thời gian, lại mất thêm tiền bạc để cấp sổ mới. Cũng may họ là hàng xóm của nhau nên còn thuận tiện, thông cảm rồi thỏa thuận cùng nhau làm lại sổ”, vị cán bộ Văn phòng UBND huyện Tuy Đức cười khổ nói.
Chia sẻ thêm về trường hợp cấp sổ đỏ đối với 8 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 34, vị cán bộ Văn phòng UBND huyện Tuy Đức cho hay, hiện Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã được giao tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên; trong đó có nội dung quản lý, sử dụng đất của đơn vị này.
“Sau khi có kết quả của Thanh tra tỉnh, theo chỉ đạo của tỉnh như thế nào thì huyện sẽ có phương án xử lý. Nhưng về cơ bản phải khẳng định là trong vụ việc này, Công ty Nam Tây Nguyên thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng quỹ đất được giao”, vị cán bộ Văn phòng UBND huyện Tuy Đức cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, việc Phòng TN&MT huyện Tuy Đức phát hiện 8 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 34 nằm trong lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên là nhờ Phòng tiến hành đo đạc nghiệm thu năm 2016 lên hệ thống bản đồ địa chính xã Quảng Trực được nghiệm thu năm 2017 và lồng ghép các hệ thống bản đồ liên quan. Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Mai Văn Tĩnh, cán bộ địa chính xã Quảng Trực, việc áp dụng mã hóa bản đồ vẫn không tránh khỏi những sai số, nhất là với quỹ đất lớn được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.
“Những thửa đất hiện được cho là cấp sổ đỏ chồng lấn với lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên từ năm 2004 trở về trước được giao cho người dân địa phương, hộ đồng bào dân tộc thiểu số triển khai dự án trồng cao su tiểu điền, thuộc chương trình trồng 5 triệu ha rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ. Hiện các thửa đất đang tranh chấp quyền sử dụng đất vẫn còn cây cao su dự án này; nhưng do không phù hợp khí hậu nên không khai thác mủ được”, ông Tĩnh cho hay.
Những thửa đất hiện được cho là cấp sổ đỏ chồng lấn với lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên từ năm 2004 trở về trước được giao cho người dân địa phương triển khai dự án trồng cao su tiểu điền. Hiện các thửa đất đang tranh chấp quyền sử dụng đất vẫn còn cây cao su dự án này. (Ảnh chụp ngày 11/01/2023). |
Cũng theo ông Tĩnh, do dự án trồng cao su tiểu điền thất bại nên nhiều hộ đồng bào được giao đất đã tiến hành chuyển nhượng đất. Ngay 8 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 34 đang xảy ra tranh chấp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cũng đã qua nhiều lần chuyển nhượng, rồi mới đến tay ông Nguyễn Quốc Dũng hiện tại.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, việc chồng lấn về sổ đỏ đối với diện tích hơn 21,3 ha tại tờ bản đồ số 34 ở xã Quảng Trực xuất phát từ những sai số rất lớn trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính. Đây là tình trạng không chỉ xảy ra riêng ở huyện Tuy Đức mà cả toàn khu vực Tây Nguyên.
Trong Báo cáo số 64/BC-BTNMT ngày 25/07/2018 về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, Bộ TN&MT đánh giá, công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính ở các tỉnh Tây Nguyên, mặc dù được triển khai rất sớm theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc lập bản đồ chủ yếu dựa vào công nghệ lạc hậu (thước dây, dây thép, thước chữ A hoặc điều vẽ từ ảnh hàng không….). bản đồ cũng được lập theo hệ tọa độ giả định nên sai số rất lớn.
Từ năm 2001, các tỉnh Tây Nguyên tiến hành lập bản đồ Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000. Nhưng tính đến tháng 6/2018, toàn vùng mới chỉ đo đạc, lập bản đồ địa chính theo hệ tọa độ quy chuẩn này được 895.874ha, chiếm 16,4% diện tích đất toàn vùng. Vì vậy, theo đánh giá của Bộ TN&MT, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu dựa trên nền bản đồ có chất lượng và độ chính xác thấp nên cơ sở để xử lý và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện khó thuyết phục.
Giấy chứng nhận QSDĐ bị cấp chồng lấn, người dân chịu thiệt? |
Chiếu theo đánh giá này của Bộ TN&MT đối với hơn 21,3ha đất tại tờ bản đồ số 34 xã Quảng Trực thì thấy hệ lụy của việc quản lý đất đai bằng công nghệ… thước dây, dây thép, thước chữ A… Sổ đỏ được UBND huyện Tuy Đức cấp cho cá nhân (ông Vũ Ngọc Luận, ông Phạm Ngọc Biết), được UBND tỉnh Đắk Nông cấp cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đều trong năm 2008 (chỉ cách nhau 01 tháng) chắc chắn cũng dựa trên nền bản đồ có chất lượng và độ chính xác thấp. Do đó, sai số là khó tránh khỏi.
Và theo lô gic thì quỹ đất càng to thì sai số càng lớn. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên được UBND tỉnh Đắk Nông cấp sổ đỏ cho diện tích hơn 27 nghìn ha; việc xác định tọa độ được tính theo lô, theo khoảnh và tiểu khu. Còn UBND huyện Tuy Đức cấp sổ cho 8 thửa đất, với diện tích chỉ hơn 21,3ha. Các thửa đất được “khoanh vùng” tại tờ bản đồ số 34, vị trí được xác định cụ thể với diện tích cụ thể cho từng thửa đất.
Đó là chưa kể, 8 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 34 trước đây đã được giao cho người dân triển khai dự án trồng cao su tiểu điển, sau đó được chuyển nhượng qua nhiều người sở hữu. Việc chuyển nhượng đất được Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Tuy Đức xác nhận là hợp pháp như đã nêu trên.
Từ thực tế này, liệu rằng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên có đang muốn “nhận vơ vào mình” diện tích hơn 21,3ha đất tại tờ bản đồ số 34 đã được UBND huyện Tuy Đức cấp sổ đỏ cho cá nhân hay không? Để trả lời câu hỏi này, trong quá trình thanh tra toàn diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, chắc hẳn Thanh tra tỉnh Đắk Nông sẽ phải lưu ý đến những sai số trong đo đạc, lập bản đồ địa chính của các bên liên quan – là căn cứ để UBND tỉnh Đắk Nông cấp sổ đỏ cho Công ty có đè lấn lên diện tích hơn 21,3ha đã được cấp cho người dân một cách hợp pháp, có nguồn gốc sử dụng đất rõ ràng hay không?
“Chính sách đất rừng cần được hoạch định dựa trên nguyên tắc lợi ích, nhìn thẳng vào lợi ích cụ thể từ đất đai. Khi không tiếp cận theo lợi ích thì chính sách vẫn chỉ nằm trên giấy và sẽ không thể thực thi trên thực tế. Đặc biệt, khi để các công ty nông, lâm nghiệp tự rà soát đất đai mình đang nắm giữ thì khó có thể có được dữ liệu thực”. (GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT)
Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin các nội dung liên quan.