Quy hoạch Bắc Giang sẽ có 13 sân golf: 'Cân nhắc kỹ lợi ích kinh tế'
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng các địa phương không nên "học đòi” phát triển sân golf. Lãnh đạo địa phương khi nhận đề xuất xây dựng sân golf cần cân nhắc kỹ xem tỉnh mình cần gì trước, cần gì sau, cái gì còn thiếu và đầu tư vào cái gì sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả lâu dài, bền vững.
Trong quy hoạch phát triển từ nay đến năm 2050, các địa phương đều đặt mục tiêu trở thành “thủ phủ golf” khi đề xuất xây dựng 13 sân golf, thậm chí 22 - 40 sân golf.
Đáng chú ý, không chỉ những địa phương kinh tế phát triển, nhiều tiềm năng lợi thế du lịch muốn cấp phép đầu tư sân golf mà ngay cả địa phương ít thế mạnh về du lịch như Bắc Giang cũng nhảy vào cuộc đua.
Cụ thể, theo quy hoạch Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, tỉnh này sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với 13 sân golf. Hầu hết các sân golf bố trí trong và gần vùng trọng điểm kinh tế, các khu du lịch của tỉnh, thuận tiện cho việc di chuyển.
13 sân golf này gồm: sân golf và dịch vụ Yên Dũng tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng 189,95ha; khu sân golf Việt Yên tại các xã Hương Mai và Trung Sơn, huyện Việt Yên 140ha; khu sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại các xã Chu Điện, Khám Lạng và Yên Sơn, huyện Lục Nam 140ha; sân golf Khuôn Thần tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn 81,5ha; sân golf Nham Biền, tại các xã Tân Liễu, Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang (bố trí 2 sân golf, diện tích 335,15ha); sân golf Hố Cao tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang 75,38ha;
Sân golf Hồ suối Nứa tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam 80,5ha; sân golf Yên Thế tại Xã Tiến Thắng, xã Tam Tiến Yên Thế 180ha; sân golf và khu nghỉ dưỡng Tân Yên tại Xã Liên Chung, Việt Lập huyện Tân Yên 145ha; sân golf Yên Hà tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng và xã Vân Trung, huyện Việt Yên 145ha; sân golf Lục Nam tại xã Cương Sơn, Nghĩa Phương, huyện Lục Nam 150ha và sân golf Sơn Động ở thị trấn Tây Yên Tử- Sơn Động diện tích khoảng 180ha.
Là người theo dõi tỉnh Bắc Giang lâu năm, Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư Hà Nội về chủ đề quy hoạch sân golf của địa phương này.
- Ông đánh giá thế nào về quy hoạch của tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, đặc biệt khi địa phương đặt mục tiêu trở thành trung tâm golf của cả nước?
KTS Trần Huy Ánh: Có nhiều điểm bất cập trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Đơn cử, hồ sơ quy hoạch tỉnh Bắc Giang 2022 vẽ giống quy hoạch hệ thống đô thị Bắc Giang năm 2012, viện dẫn mô hình Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, không có liên hệ nào với bối cảnh Bắc Giang nằm sâu trong nội địa, kinh tế thuần nông mới chuyển dịch sang gia công hàng xuất khẩu. Các bản vẽ quy hoạch khác cũng theo cách cũ: mô tả hiện trạng môi trường sơ sài không có liên hệ tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước (mặt và ngầm), không khí.
Ngoài ra, trong các bản vẽ hay nội dung thuyết minh quy hoạch tỉnh Bắc Giang không mô tả mức độ ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm, trong khi việc san nền ruộng ven đường, ven sông làm các khu cụm công nghiệp tốc độ cao, kéo theo các khu dân cư mới hình thành quanh đó dày đặc… lại không có các công trình thu gom xử lý nước thải, không có nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, không gian công cộng, cây xanh mặt nước cho người lao động cũng như dân địa phương.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư Hà Nội.
Đáng chú ý, quy hoạch tỉnh Bắc Giang không có bản đồ thể hiện rõ các vùng trũng thấp, nên rất khó bố trí đất công mặt nước hay bán ngập trữ nước mùa khô, kết hợp phát triển giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ sản, tưới tiêu sản xuất nông công nghiệp, sinh hoạt. Thế nhưng ở khía cạnh ngược lại, quy hoạch của tỉnh lại mô tả chi tiết các dự án thu hồi đất công giao cho tư nhân đầu tư. Điển hình như quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với diện tích khoảng 4.500ha, trong đó bố trí 13 sân golf với diện tích 1.752ha.
Đối chiếu với các yêu cầu tích hợp đa ngành, quy hoạch tỉnh làm theo cách cũ chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung quy hoạch trong Luật Quy hoạch (Điều 21): “Việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập quy hoạch phải bảo đảm thống nhất giữa kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái. Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
- Từng phản đối việc nở rộ sân golf, ông có bình luận gì về việc tỉnh Bắc Giang sẽ có tới 13 sân golf?
Sân golf là một sản phẩm của xã hội phát triển, là môn giải trí của tầng lớp dân cư có thu nhập cao, đồng thời biểu hiện của một xã hội giàu lên. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta không nên học đòi phát triển sân golf bởi nó không đem lại một nền tảng gì về văn hóa, xã hội cũng như về mặt tình cảm giữa con người với nhau. Việc xin đầu tư thêm nhiều sân golf không góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Trong khi sân golf không giải quyết được bao nhiêu lao động, hệ thống thủy lợi bị chia cắt… Những lý luận về lợi ích kinh tế từ sân golf chỉ là ngụy biện chứ không thuyết phục.
- Nghĩa là chúng ta không nên xây thêm những dự án sân golf mới, thưa ông?
Sân golf lại có thể nở rộ trong khi chúng ta đều biết rõ nó chỉ đem lại rất ít lợi ích, chưa kể nhiều dự án sân golf thực chất đã và đang bị các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản trá hình. Tôi cho rằng, không những dừng duyệt dự án mà bớt được sân nào thì tốt cái đó. Số lượng sân golf hiện nay tôi cho là đã quá thừa!
Trong khi đó hiệu quả kinh doanh sân golf thấp, nhiều sân đang ế ẩm, kể cả kinh doanh bất động sản cũng không ăn thua gì. Lấy ví dụ một sân golf 27-36 lỗ đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng, chưa tính mỗi ngày còn phải duy tu hết 150 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải có 300 khách/ngày may ra mới hòa vốn được, chưa kể những ngày cuối tuần còn không đủ khách thì những ngày trong tuần càng vắng.
Vậy, bài toán lợi nhuận ngay từ đầu đã thiếu cơ sở. Nhu cầu của bài toán cung - cầu là thừa. Trong khi hiện nay chúng ta đang thiếu đủ thứ: thiếu rau sạch, hồ chứa nước, thiếu bệnh viện, thiếu trường học, thiếu nơi sinh hoạt, thiếu chợ, thiếu bãi đổ rác… Chính vì vậy, bản thân lãnh đạo địa phương khi đề xuất xây dựng sân golf cần cân nhắc kỹ xem tỉnh mình cần gì trước, cần gì sau, cái gì còn thiếu và đầu tư vào cái gì sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả lâu dài, bền vững.
- Nhiều ý kiến cho rằng sự bùng nổ của sân golf hiện nay, chủ yếu vẫn là mục đích kiếm lời từ bất động sản, xin được hỏi quan điểm của ông?
Bản chất làm sân golf là chuyển đổi đất công sang đất tư với quy mô lớn một cách bất bình đẳng. Trong khi Luật Đất đai hiện hành còn nhiều bất cập, đang sửa đổi, đây chính là lỗ hổng tạo nên sự bất bình đẳng đó như: giá đất đền bù rẻ, đẩy nông dân vào chỗ mất đất, tàn phá môi trường…. Hơn nữa, nhiều dự án sân golf hiện nay đang “đắp chiếu” nhưng lại không bị thu tiền phạt vì để đất hoang hóa. Một thực tế hiện nay khi bất động sản tăng giá thì các dự án sân golf lại chuyển đổi thành đất nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại để kiếm lời.
- Với tư cách là một nhà khoa học, ông có kiến nghị gì về quy hoạch sân golf hiện nay của tỉnh Bắc Giang nói riêng và các địa phương nói chung?
Tôi cho rằng cần rà soát lại tất cả các địa phương đang lợi dụng lập quy hoạch vùng tỉnh để hợp thức hóa các dự án chuyển đổi tài nguyên đất công thành sân golf sở hữu tư nhân. Quy hoạch tỉnh Bắc Giang là điển hình cho việc lập quy hoạch kém chất lượng khi xây dựng kịch bản phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội dài hạn bằng tầm nhìn ngắn hạn, chưa thực sự đặt lợi ích quốc gia, vùng, địa phương, công cộng lên ưu tiên hàng đầu mà chỉ chú trọng lợi ích nhóm, bỏ qua những bất cập về môi trường, phúc lợi nhà ở công nhân, an toàn nguồn nước, đào tạo nâng cao chất lượng lao động... trong tổng thể nội dung quy hoạch đã công bố. Qua soi chiếu thấu đáo nội dung quy hoạch vùng tỉnh Bắc Giang sẽ phát hiện những bản quy hoạch chất lượng yếu kém của các địa phương còn lại.