Quy hoạch phân khu sông Hồng: Làm rõ cơ sở khoa học

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội cần xác định rõ cơ sở khoa học để đồ án được phê duyệt, và phê duyệt phải có chất lượng, theo quy trình.

Cho tới nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đánh dấu một bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế  tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Tờ trình về đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng để báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến.

Sau khi hoàn chỉnh đồ án, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, UBND thành phố sẽ báo cáo thông qua với Bộ NN-PTNT xử lý các vấn đề phù hợp khi triển khai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng về quy hoạch phòng chống lũ, đồng thời cũng báo cáo Bộ Xây dựng theo quy trình để sớm nhất có thể phê duyệt.

Được biết, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km, quỹ đất khoảng 11.000 ha, số lượng dân tương tương theo quy hoạch khoảng 170.000 người.

Là người theo sát Hà Nội trong công tác quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy  hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch phân khu sông Hồng là vấn đề phức tạp, cần làm rõ các cơ sở khoa học để đồ án có thể sớm được phê duyệt. 

Quy hoạch phân khu sông Hồng: Làm rõ cơ sở khoa học - Ảnh 1
Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng cơ bản hoàn thành là một bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ. Ảnh: Zing 

Theo ông Nghiêm, hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều có xu hướng bám ven sông, Hà Nội cũng là đất "tụ thủy, tụ nhân". Phát triển khu vực hai bên sông Hồng rất cần thiết và tạo nên động lực mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội.

Sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp, có mùa mưa lũ cùng với hệ thống đê chống lũ. Từ xưa do yếu tố phòng ngoại xâm, nên Hà Nội mở rộng diện tích đô thị chủ yếu trên bờ phía nam của dòng sông, phía bờ bắc thì mờ nhạt, thay vì kịch bản cân bằng hai bờ, nghĩa là dòng sông chia đôi đô thị như thường thấy ở các thành phố khác. Ðiều này khiến nảy ra ý kiến nhận xét cho là Hà Nội "quay lưng" lại với sông.

Thêm nữa, nguồn lực của thành phố còn khó khăn. Nếu thực hiện, thành phố phải bố trí tái định cư cho gần 1 triệu người dân đang cư trú ở khu vực bờ sông. Ðây là việc đòi hỏi những bước đột phá rất lớn về bố trí nguồn lực.

Trong quá trình phát triển, khu vực hai bên sông Hồng luôn được Nhà nước và TP Hà Nội quan tâm, được xây dựng, định hướng phát triển gắn với điều kiện trong từng giai đoạn.

Những năm qua đã có nhiều dự án được nghiên cứu khoa học, phát huy được lợi thế, tiềm năng hai bên sông Hồng. Các đề xuất đều gắn với phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Song việc triển khai còn chậm do bất cập từ quy trình phối hợp đa ngành, từ quy hoạch chung, mối liên kết vùng và nhất là phối hợp để thống nhất giữa các bộ, ngành về các căn cứ lập dự án như vấn đề an toàn thoát lũ, đê điều. Đây là bài học và cũng là nguyên nhân để nhìn nhận việc chậm ban hành quy hoạch phân khu sông Hồng.

Trở lại với đồ án lần này, KTS Đào Nghiêm cho biết, hoàn thiện đồ án không những để hoàn thiện quy hoạch chung mà còn cần phải khớp nối với các dự án, đặc biệt phải tính đến sự ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ để đảm bảo an toàn cho cả khu vực.

Hiện Hà Nội vẫn đang chờ đợi Bộ NN-PTNT sớm xác định quy hoạch thoát lũ sông Hồng, hệ thống đê điều đoạn qua Hà Nội. Bởi lẽ, nếu không có hành lang thoát lũ thì không có căn cứ nào để nói dân cư không chỉ ổn định như hiện nay mà được tăng thêm mười mấy vạn nữa ở trong phạm vi 40km.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, Quyết định số 257/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, vậy Hà Nội đã đặt ra những nội dung gì với Bộ NN-PTNT?

Một vấn đề quan trọng khác được Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, đó là sông Hồng chảy qua Hà Nội gần 120km, nhưng qua Việt Nam 600km và tính từ đầu nguồn- nơi bắt nguồn dòng sông Hồng thì dài tới 1.226km. Do đó, muốn bảo đảm an toàn phải nghiên cứu không chỉ đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội mà phải nghiên cứu trong cả địa bàn Việt Nam nơi sông Hồng đi qua.

Theo ông Nghiêm, trước đây, chúng ta đã đề nghị Trung Quốc cung cấp số liệu thoát lũ ở thượng nguồn sông Hồng, quy trình các đập thủy điện qua Trung Quốc ra sao nhưng chưa nhận được sự hợp tác. Điều này rất cần thiết, bởi nếu không bài học này cũng giống bài học sông Mekong. Sông Mekong còn có ủy ban hợp tác về sông Mekong, nhưng sông Hồng thì chưa có. 

"Quy hoạch phân khu sông Hồng là vấn đề lớn, đa ngành, không chỉ tác động đến đoạn qua Hà Nội, do đó phải có đầy đủ cơ sở khoa học thì mới được phê duyệt, và phê duyệt thì phải có chất lượng, theo quy trình ", KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Thành Luân

Theo Đất Việt