Bất động sản 24h: Sau 10 năm, hình hài khu đô thị sông Hồng đã “lộ diện”

Sau 10 năm, hình hài khu đô thị sông Hồng đã “lộ diện”; Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói gì về việc nạo vét, khai thông sông Trường Giang?... là những tin tức bất động sản đáng chú ý 24h qua.

Sau 10 năm, hình hài khu đô thị sông Hồng đã “lộ diện”

Mới đây, Thường trực Thành ủy đã nghe UBND TP. Hà Nội báo cáo kết quả nghiên cứu về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây là một trong tám quy hoạch phân khu đô thị còn lại của Hà Nội (gồm sáu quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu sông Hồng, quy hoạch phân khu sông Đuống) phải nghiên cứu kéo dài 10 năm qua, đến nay mới cơ bản hoàn thiện.

Theo UBND TP. Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 nghiên cứu quy hoạch đoạn sông Hồng dài 40km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô diện tích 11.000ha, dân số khoảng 280.000 đến 320.000 người.

Quy hoạch này bao trùm phạm vi địa giới hành chính của 55 xã, phường thuộc 13 quận, huyện. Hiện Hà Nội đã hoàn tất lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại 13 địa phương này.

Theo đồ án quy hoạch thì khu vực này sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động bố trí lễ hội du lịch.

Phối cảnh một trong những đề án cải tạo sông Hồng được đề xuất từ năm 2007. Ảnh: TP  
Phối cảnh một trong những đề án cải tạo sông Hồng được đề xuất từ năm 2007. Ảnh: TP  
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói gì về việc nạo vét, khai thông sông Trường Giang?

Về mặt địa hình, sông Trường Giang cũng tương tự như sông Cổ Cò, chảy theo hướng Bắc - Nam, chạy song song với đường bờ biển và nối 2 cửa (sông Cổ Cò nối Cửa Hàn với Cửa Đại), trong khi sông Trường Giang nối Cửa Đại với Cửa Lở. Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, quy hoạch của sông Trường Giang sẽ khác với quy hoạch sông Cổ Cò.

“Nếu bám theo sông Cổ Cò là những dự án quy mô nhỏ, chưa được quy hoạch phát triển trước khi thu hút đầu tư thì sông Trường Giang lại khác, được làm mới từ vẻ hoang sơ, đa dạng sinh học. Sông Trường Giang đi từ quy hoạch của vùng phía Đông gắn biển cho đến quy hoạch hai bên bờ sông.

Hai bên bờ sông Trường Giang sẽ không cắt thành những lô nhỏ để giao cho các nhà đầu tư. Dòng sông sẽ được quy hoạch tổng thể một cách khoa học, tổ chức thu hút những nhà đầu tư có năng lực để thực hiện những dự án lớn (quy mô khoảng vài trăm ha) để đảm bảo quy chuẩn của các khu đô thị, khu du lịch đẳng cấp quốc tế, đảm bảo hạ tầng đồng bộ và tạo sức lan tỏa lớn”, ông Lê Trí Thanh, phác họa về tầm nhìn quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị ven sông Trường Giang.

Song song với quy hoạch phát triển sông Trường Giang, ông Lê Trí Thanh cho hay, tuyến đường sát biển cũng sẽ được đầu tư xây dựng. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ giúp hạn chế việc giao đất các dự án ra tận ngoài mép biển, tôn trọng luật bảo vệ tài nguyên môi trường biển, tạo không gian công cộng cho người dân địa phương tiếp cận được với không gian biển để phục vụ chung. Vừa phát triển dự án đầu tư nhưng đảm bảo yếu tố quyền tiếp cận không gian biển của cộng đồng, cư dân. Đảm bảo yếu tố cơ động trong an ninh quốc phòng.

Bất động sản 24h: Sau 10 năm, hình hài khu đô thị sông Hồng đã “lộ diện” - Ảnh 1

Ăn theo tin dự kiến mở sân bay Bình Phước: Bong bóng bất động sản vỡ tan?

Ngày 2/3, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Hớn Quản cho biết, tình hình an ninh trật tự ở 2 xã Tân Lợi và An Khương đã ổn định.

Tại đây, giới đầu cơ không còn ồ ạt kéo lên, cò đất không còn ra đường chèo kéo giới thiệu đất đai, thổi giá trên trời như 1 tuần trước đây. Dường như bong bóng bất động sản ăn theo tin dự kiến lập đề án xây sân bay đã vỡ tan.

Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Hớn Quản cho biết, đến thời điểm này chính quyền địa phương chưa cấp dự án phân lô bán nền nào để xây dựng khu dân cư. Từ ngày 19/2 đến nay, cơ quan chức năng chưa ghi nhận giao dịch bất động sản nào nào đúng pháp luật tại đây.

Trước đó, ngày 19/2, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã đi khảo sát vị trí để dự kiếp lập đề án xây dựng sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản.

Xã Tân Lợi và An Khương là nơi giáp với điểm dự kiến mở rộng lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng.

Ăn theo thông tin này, ngay sau đó, giới đầu cơ ồ ạt lên Hớn Quản ''chèo kéo'' người dân để đặt cọc mua đất nông nghiệp với giá cao. Sau đó, các đối tượng đi phô tô lại sổ đất và đưa cho cò rao bán lên gấp 2 - 3 lần.

Giá bất động sản khó giảm khi kỳ vọng vào thị trường còn lớn

Nếu không có sự điều chỉnh từ vĩ mô, giá nhà khó giảm. Đa số người trẻ có mức thu nhập bình quân càng khó với tới ước mơ an cư.

Đó là nhận định của Bộ Xây dựng khi đánh giá về thực trạng tăng giá bất động sản trong năm 2020, một năm nền kinh tế hứng chịu tác động mạnh do dịch Covid-19, thị trường bất động sản cũng không ngoại lệ.

Theo cơ quan này, trong quý IV/2020, giá bình quân căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội tăng khoảng 2 - 3%, tại TP.HCM tăng khoảng 3 - 4% so với quý IV/2019. Trong đó, căn hộ bình dân có tỷ lệ tăng giá mạnh nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp.

Các dự án có căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng rất ít, tại Hà Nội hầu như chỉ xuất hiện ở các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. Còn tại TP.HCM hầu như không có dự án căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2.

“Lũy kế của sự tăng giá liên tục khiến cho giá các loại căn hộ thay đổi đáng kể. Có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khúc trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn”, Bộ Xây dựng nêu.

Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, giá vẫn có xu hướng tăng hơn so với năm 2019.

Bất động sản 24h: Sau 10 năm, hình hài khu đô thị sông Hồng đã “lộ diện” - Ảnh 2

Thủ tướng nhất trí bổ sung một số nguyên nhân để xử lý nợ tại NHCSXH

Sáng 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và dự thảo Nghị định về quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Theo báo cáo của một số bộ, ngành và NHCSXH, về cơ bản, cơ chế xử lý nợ rủi ro được quy định trong Quyết định 50 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết, xử lý được các rủi ro do nguyên nhân khách quan. Theo báo cáo của NHCSXH, từ năm 2002 đến nay, tổng số nợ được xử lý rủi ro là 4.647 tỷ đồng cho 804.000 món vay.

Tuy nhiên, trong 10 năm triển khai Quyết định 50, xuất hiện một số rủi ro do nguyên nhân khách quan khác chưa được quy định trong Quyết định này, do đó cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung.  

Dự thảo bổ sung một số nguyên nhân khách quan như biến động chính trị, kinh tế-xã hội, dịch bệnh ở nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; doanh nghiệp tiếp nhận lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc hoặc không đảm bảo tay nghề hoặc do các nguyên nhân khách quan khác mà không do lỗi của người lao động dẫn đến việc người đi lao động ở nước ngoài phải về nước trước hạn; khách hàng vay vốn hoặc thành viên khác trong hộ gia đình mắc bệnh hiểm nghèo; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bổ sung các thành viên khác trong hộ gia đình bị rủi ro cũng được xem xét xử lý nợ (do theo quy định của Chính phủ, NHCSXH cho vay tới hộ gia đình, vì vậy các thành viên trong hộ gia đình sẽ có quyền lợi và trách nhiệm như nhau)…

Hà Linh (tổng hợp)

Theo Reatimes